Lại chuyện Hồng Sơn

08/01/2010 08:20 GMT+7

Chuyện thủ môn Hồng Sơn trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ đòi đối chất với ông Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung về thông tin anh mất hộ chiếu và tìm được hay chưa tìm được hộ chiếu, theo tôi, không quan trọng.

Chuyện thủ môn Hồng Sơn trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ đòi đối chất với ông Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung về thông tin anh mất hộ chiếu và tìm được hay chưa tìm được hộ chiếu, theo tôi, không quan trọng.

Chuyện đã xảy ra rồi, hộ chiếu có tìm lại được hay chưa tìm lại được thì Hồng Sơn cũng đã không đi cùng đội tuyển sang Lebanon trong một trận cầu mà ai cũng biết là đội tuyển VN không còn mục tiêu cụ thể nữa. Nhưng cho dù như vậy, bất cứ cầu thủ nào được gọi vào đội tuyển quốc gia, dù gọi vào để ngồi ghế dự bị, cũng đều phải coi đó là một vinh dự và một trách nhiệm trước Tổ quốc. Tôi nhắc lại, trước Tổ quốc chứ không phải chỉ trước VFF!

Để cái “vinh dự và trách nhiệm” ấy thấm vào tâm hồn vào lý trí mỗi cầu thủ, thì không thể từ chối khâu giáo dục. Và cũng không thể từ bỏ những biện pháp quản lý bình thường nhất. Đó là đội bóng phải giữ hộ chiếu tất cả các cầu thủ có tên trong đội tuyển, để lo những thủ tục cho họ khi đi thi đấu ở nước ngoài. Không có chuyện dễ dãi cho cầu thủ “tự giữ” hộ chiếu của mình, cũng như không thể cho cầu thủ đã tập trung vào đội tuyển tự do về nhà ăn cơm hay ngủ với vợ (nếu họ có vợ) được!

Đó là những quy định tối thiểu, cũng là kỷ luật tối thiểu phải tuân thủ. Một khi đã để cầu thủ tự giữ cái “phần hồn xuất ngoại” là hộ chiếu của mình, chuyện mất mát thất lạc là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Và ngay khi cầu thủ không muốn “vượt trùng dương” đi đá bóng xa nhà vất vả đến thế (phải di chuyển 26 tiếng đồng hồ trong một chuyến bay), trong một trận cầu không còn mục tiêu như thế, chuyện tấm hộ chiếu “mất rồi lại có” cũng là lẽ không quá ngạc nhiên.

Chắc khi ông Nguyễn Lân Trung gặp lại Hồng Sơn, mọi điều sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng từ nay về sau, VFF nên coi đây là một bài học đắt giá cho chính mình về chuyện quản lý cầu thủ, về trách nhiệm nâng cao ý thức và lòng yêu nước của cầu thủ, về kỷ luật trong đội tuyển. Nếu cầu thủ nào vi phạm, dù với bất cứ lý do vô lý nào, thì việc không tiếp tục gọi họ vào đội tuyển là chuyện bắt buộc! Nếu một người lính khi ra trận bảo vệ Tổ quốc mà từ chối không đi, dù có hay không có lý do, thì gọi là gì?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.