Lỗi của Miura hay sản phẩm lỗi từ V-League?

23/09/2015 14:01 GMT+7

(TNO) Giải vô địch quốc gia (V-League) 2015 đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng với những tiếng trầm nhiều hơn bổng và ảnh hưởng rất nhiều đến các đội tuyển quốc gia của ông HLV người Nhật Toshiya Miura .

(TNO) Giải vô địch quốc gia (V-League) 2015 đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng với những tiếng trầm nhiều hơn bổng và ảnh hưởng rất nhiều đến các đội tuyển quốc gia của ông HLV người Nhật Toshiya Miura.

Đội trưởng Anh Đức của B.Bình Dương nâng cao chiếc cúp vô địch - Ảnh: Bạch Dương

Các nhà tổ chức V-League ở vài mùa gần đây đã khéo léo thay cụm từ “thành công tốt đẹp” bằng cách chơi chữ “về đích an toàn” với ý nghĩa giải đấu đi đúng lộ trình đã vạch sẵn nhưng bản chất của nó thì rất khó giấu.

Có mấy ai hào hứng và hồi hộp với chức vô địch V-League 2015 của Becamex Bình Dương (B.Bình Dương) khi ngay từ trước khi bóng lăn đã thấy họ không có đối thủ? Cũng có lúc họ bộc lộ dấu hiệu hụt hơi cho Thanh Hóa soán ngôi hai vòng đấu và rồi chính đối thủ của B. Bình Dương bỗng dưng đánh mất mình rất khó hiểu để trở về với tham vọng nhỏ nhoi bằng chiếc huy chương đồng.

B.Bình Dương lần thứ 4 đăng quang V-League nhưng suy cho cùng, họ đã và đang gặt hái gì với lứa cầu thủ giỏi nhờ đi “săn” của các đội bóng khác mà hụt hẫng lứa kế thừa lẫn không có tính truyền thống địa phương, ngoài mỗi người Mohican cuối cùng Anh Đức thì không có suất lên tuyển?

Đấy là một nghịch lý của các nhà làm bóng đá Bình Dương thích kiểu sống và thở bằng lỗ mũi người khác với một tư thế trưởng giả chẳng khác gì một cỗ máy ngốn tiền.

Đồng Nai buồn, nhưng nhiều người mừng khi họ rớt hạng... tử tế - Ảnh: Minh Tú

V-League về đích an toàn là niềm vui của những người tổ chức vì không có kiện cáo, không có đội bỏ giải và không có sự cố gây vỡ giải.

Nguy cơ Đồng Nai biết mình rớt hạng từ lâu có thể bỏ giải cũng là một phương án được Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) tính đến khiến việc trao cúp vô địch cho B.Bình Dương bị hoãn lại đến vòng cuối cho thấy V-League luôn chứa đựng những cơn sóng ngầm.

Cho nên chất lượng chuyên môn của giải đấu số 1 quốc gia rất đáng bàn, đáng báo động và từng nhiều lần được các chuyên gia bóng đá góp ý nhưng nó vẫn không thay đổi.

Chẳng hạn, ban tổ chức cố gắng tập hợp cho đủ số lượng 14 đội bóng để chơi một mùa giải kéo dài đến hơn 9 tháng mà chất lượng thì không tương xứng. Có quá nhiều trận đấu thủ tục hoặc ra sân đá theo kiểu “tình thương mến thương” gây nhàm chán và đánh mất lòng tin của giới hâm mộ.

Đấy là chưa kể V-League nhiều lần gián đoạn tập trung các đội tuyển quốc gia làm các CLB gặp khó khăn vì lãng phí tiền của và làm nguội hưng phấn của cầu thủ có khi kéo dài đến gần 2 tháng.

HLV Miura và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng - Ảnh: Khả Hòa

Sản phẩm của V-League còn là gương mặt của các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Miura bị chê nhiều hơn khen. Ông thầy người Nhật có thể thỏa mãn các chỉ tiêu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) như việc giành vé vào vòng chung kết U.23 châu Á, đoạt hạng 3 SEA Games 26 hay đang chơi vòng loại World Cup 2018 nhưng cách chơi của ông dạy cho học trò gặp nhiều vấn đề.

Ông Miura đang phải gánh chịu sức ép rất lớn về việc phải thay đổi lối chơi từ bóng dài sang ngắn, từ đá rắn, lực sĩ sang mềm mại, kỹ thuật hơn.

Thế nhưng ngoài tư duy và phương pháp huấn luyện của HLV Miura thì cũng cần sòng phẳng hơn với câu hỏi về những sản phẩm của V-League có đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thầy Nhật?

Hỏi có khi đã là trả lời…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.