Ngài Blatter không… ngốc!

17/08/2010 08:17 GMT+7

Tuyên bố gây sốc gần đây nhất của Sepp Blatter: FIFA có thể thay đổi một cách mạnh mẽ hình ảnh World Cup bằng cách áp dụng điều lệ không hòa tại vòng bảng World Cup 2014.

Tuyên bố gây sốc gần đây nhất của Sepp Blatter: FIFA có thể thay đổi một cách mạnh mẽ hình ảnh World Cup bằng cách áp dụng điều lệ không hòa tại vòng bảng World Cup 2014.

Làm thế là để khuyến khích bóng đá tấn công! Đôi khi, người viết chỉ sợ xúc phạm độc giả nên không thể dùng những từ chỉ trích quá nặng nề. Nhưng phải nói ngay: khó mà tìm ra suy nghĩ nào kém thông minh hơn ý tưởng vừa nêu.

Thứ nhất, chuyện “cấm hòa” bằng cách buộc các đội hòa phải đá luân lưu 11m ngay từ vòng bảng hoàn toàn không ăn nhập gì với lối chơi thiên về tấn công. Chẳng những thế, quy định ấy chỉ có thể cổ súy lối chơi thiên về phòng ngự. Các đội yếu hơn đương nhiên sẽ “đỗ xe bus” trước khung thành, chờ đến màn xổ số 11m. Thứ hai, “tối kiến” của Blatter sẽ dẫn đến tình trạng có những kết quả hoàn toàn đi ngược với năng lực chuyên môn của đôi bên: đội yếu có thể thắng đội mạnh chỉ nhờ may mắn thuần túy. Thứ ba, hóa ra FIFA chẳng hề rút kinh nghiệm, cũng không biết xấu hổ là gì, khi họ đã một lần tỏ ra kém cỏi về khả năng tư duy, mà vẫn không nhớ. Hơn chục năm trước, FIFA nghĩ ra nguyên tắc “bàn thắng vàng” để khuyến khích bóng đá tấn công. Thực tế hoàn toàn ngược lại: các đội sợ lĩnh “bàn thua vàng” hơn là hy vọng có “bàn thắng vàng”, nên chẳng ai dám tấn công trong 2 hiệp phụ. Lỡ nghĩ ra mà lại bỏ thì quá “quê”, nên FIFA đành chuyển quy định “bàn thắng vàng” thành quy định “bàn thắng bạc”, trước khi bỏ hẳn.

Chỉ lạ ở chỗ: tiến sĩ Blatter làm sao có thể… ngốc đến thế được. Ừ thì ông ta già rồi, nhưng những “phát minh” kỳ dị của Blatter đã xuất hiện từ hơn chục năm trước chứ đâu phải đến bây giờ mới có. Chỉ có thể suy luận theo một trong hai hướng. Hoặc ông bị bạn bè trong giới chóp bu FIFA “gài” cho quê mặt. Suy cho cùng, trò chơi chính trị thì ở đâu cũng đáng sợ cả. Giả thiết thứ hai đáng tin hơn: đấy là vấn đề quyền lực. Trong cơn say quyền lực, người ta có thể làm bất cứ điều gì. Càng vô lý mà cả thế giới bóng đá vẫn phải tuân theo thì càng chứng tỏ: đấy mới là quyền lực đích thực (chứ nếu người ta tuân theo vì sự hợp lý thì đấy đâu phải là quyền lực).

Ngẫm kỹ, Blatter không ngốc, cũng không điên. Xâu chuỗi những ý tưởng kỳ quặc của Blatter, chúng ta thấy ngay: tất cả đều có lợi cho “thế giới thứ ba”, tức những nền bóng đá đang phát triển, chủ yếu là ở châu Á và châu Phi. Đề nghị về các trận đấu không hòa nêu trên mà trở thành hiện thực thì các đội châu Á và châu Phi càng có hy vọng thắng các siêu cường ở đấu trường World Cup. Tương tự, các ý tưởng mở rộng khung thành, cắt vụn trận đấu thành 4 hiệp… cũng đều có lợi cho các đội yếu. Ngược lại, những đề nghị có giá trị làm cho trận đấu công bằng hơn như dùng hệ thống camera “mắt ó” hoặc công bố rõ những sai lầm của trọng tài thì FIFA luôn tìm cách xua tan.

Blatter, và cả “sư phụ” Joao Havelange ngày trước, chiếm ghế chủ tịch FIFA nhờ nguyên tắc mỗi nước một phiếu. Lá phiếu của Zimbabwe hay Qatar đều có giá trị ngang với lá phiếu của Anh hoặc Đức. Chỉ cần tranh thủ nguyên khối Á – Phi là thầy trò Havelange – Blatter củng cố vững chắc quyền lực. Đấy là lý do vì sao tiến sĩ Blatter chỉ ngày đêm suy nghĩ hai chuyện: một là làm sao để các nền bóng đá nhược tiểu chiến thắng cường quốc bóng đá (khi không thể thắng bằng chuyên môn). Hai là nghĩ cách kiếm tiền sau khi củng cố chiếc ghế chủ tịch FIFA.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.