Nhận sai mới là can đảm

24/01/2010 09:44 GMT+7

Trong trận đấu sớm của vòng 19 Bundesliga, Freiburg – Stuttgart, có một tình huống quan trọng liên quan đến toàn bộ kết quả trận đấu. Đấy là pha ghi bàn có sự liên quan của một cầu thủ đã rơi vào thế việt vị. Ban đầu, trọng tài có vẻ như đã công nhận bàn thắng cho Freiburg.

Trong trận đấu sớm của vòng 19 Bundesliga, Freiburg – Stuttgart, có một tình huống quan trọng liên quan đến toàn bộ kết quả trận đấu. Đấy là pha ghi bàn có sự liên quan của một cầu thủ đã rơi vào thế việt vị. Ban đầu, trọng tài có vẻ như đã công nhận bàn thắng cho Freiburg.

Nhưng trước sự phản đối của các cầu thủ Stuttgart, ông thay đổi quyết định, không công nhận bàn thắng ấy nữa. Cuối cùng, Stuttgart thắng 1-0, và đấy là chiến thắng hết sức quan trọng đối với công cuộc hồi sinh của đội bóng này.

Trọng tài thay đổi quyết định trước áp lực của các cầu thủ là không can đảm, thiếu quyết đoán? Có lẽ phải nói ngược lại: đấy mới là hành động vừa thông minh, vừa can đảm và quyết đoán. Trong một khoảnh khắc vô cùng quan trọng, ông ta chợt nhận ra sai lầm của mình, và thay đổi. Hoặc ông ta chợt thấy cần phải tham khảo ý kiến về một tình huống mà chính mình không dám chắc, để rồi quyết định cuối cùng là một quyết định thông minh hơn, công bằng hơn.

Trong bóng đá đỉnh cao, chúng ta đã thấy không biết bao nhiêu trọng tài cương quyết chỉ tay vào chấm phạt đền, cương quyết công nhận (hoặc không công nhận) bàn thắng, cương quyết phạt thẻ vàng cầu thủ ngã trong vùng cấm mà trọng tài cho là lừa bịp. Trong những trường hợp như thế, tỷ lệ quyết định sai không phải là thấp. Quyết đoán ư? Cũng có thể, đối với những trường hợp quyết định đúng (“có thể” nghĩa là vẫn chưa chắc chắn, vẫn phải chừa ra một tỷ lệ nào đấy cho vấn đề may mắn). Còn trong những trường hợp quyết định sai, thái độ quyết đoán, hùng dũng của trọng tài chính là đỉnh điểm của sự vô trách nhiệm và kém thông minh.

Tùy quan điểm riêng, nhưng người viết vẫn cho rằng tình huống trọng tài chỉ thẳng vào chấm 11m, giúp Pháp thắng BĐN và sau đó vô địch EURO 2000, là kém thông minh và vô trách nhiệm hơn là quyết đoán, dũng cảm. Ông ta đã không tham khảo ý kiến của bất kỳ ai, dù không ai cấm một sự tham khảo.

Nhắc lại EURO 2000 cũng hơi xa. Ngay trong tuần qua, FIFA vừa có một quyết định gây tranh cãi: không phạt Thierry Henry về vụ chơi bóng bằng tay ở vòng loại World Cup. Toàn bộ vụ nhục nhã này cũng chỉ bắt đầu từ thái độ tưởng như quyết đoán nhưng hóa ra là kém thông minh và thiếu trách nhiệm của trọng tài. FIFA không phạt Henry vì 2 lý do. Thứ nhất, khi trận đấu kết thúc, trọng tài khẳng định là ông chính mắt trông rõ pha bóng, không chạm tay. Sự dối trá ấy, bây giờ cả thế giới đều biết. Nhưng luật bóng đá không cho phép thay đổi quyết định của trọng tài, nên FIFA đành chịu. Vì sao không phạt Henry? Đấy là vì luật bóng đá chỉ cho phép xem lại băng ghi hình để phạt những cầu thủ có hành vi phi thể thao hoặc gây ảnh hưởng xấu về mặt hình ảnh.

“Ngón tay thối” của Gary Neville trong trận Man City – M.U ở Cúp Liên đoàn Anh là một trường hợp có thể xem lại băng ghi hình để phạt. Còn chuyện Henry ghi bàn bằng tay là chi tiết chuyên môn liên quan đến kết quả trận đấu, do trọng tài quyết định! Nếu xem lại băng ghi hình, FIFA chắc chắn sẽ phạt Henry (treo giò vài trận ở VCK chẳng hạn). Nhưng FIFA không được phép xem lại băng ghi hình để kỷ luật, cũng vì trọng tài đã khẳng định là bàn thắng hợp lệ, chẳng hề yêu cầu xem lại. FIFA cũng giống như vị quan tòa thấy rõ tội trạng của một kẻ gian, nhưng không được phép xử đơn giản vì không ai (có thẩm quyền) đề nghị khởi tố kẻ ấy.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.