Những chuyện nho nhỏ ở Joburg

05/07/2010 00:37 GMT+7

Ngoài những trận cầu sôi động, những đường bóng hoa mỹ, World Cup còn đẹp ở những góc khuất mà chúng ta ít để ý tới.

Đường phố Johannesburg được trang hoàng trong mùa World Cup - Ảnh: Đỗ Hùng

Ngoài những trận cầu sôi động, những đường bóng hoa mỹ, World Cup còn đẹp ở những góc khuất mà chúng ta ít để ý tới.

Sau những ngày lăn lộn dưới miền nam, từ Cape Town tới Port Elizabeth, tôi trở lại Joburg vào hôm qua. Thành phố sầm uất này đã tạm chùng xuống cái không khí sôi động của World Cup, trong khoảng thời gian hai ngày nghỉ thi đấu, mà thực ra với Joburg là 6 ngày, vì sau trận đấu Tây Ban Nha - Paraguay trên sân Ellis Park vào tối 3.7, Johannesburg sẽ không có trận đấu nào nữa, cho tới trận chung kết vào ngày 11. Giữa sự chùng xuống ấy, tôi có dịp ngắm kỹ hơn thành phố mà mình đã đặt chân đến trong ngày đầu tới Nam Phi, thành phố mà mình từng sợ hãi để rồi yêu và tự bao giờ bắt đầu gọi nó bằng cái tên Joburg, như cách gọi của dân địa phương, chứ không phải là Johannesburg lòng thòng.

Khu ký túc xá Football Fan Village (Làng cổ động viên bóng đá) mà tôi thường gọi nôm na là "Nhà trọ liên hiệp quốc" hôm qua im ắng lạ thường. Trái với không khí ồn ào của những ngày trước, khi tôi chưa rời xuống miền nam.

Căn phòng nơi tôi ở, từng chứa khoảng 26 người, giờ đây chỉ còn lại giường của tôi. Hai anh chàng Argentina ở phía trong đang lúi húi thu dọn đồ đạc để ra về, sau khi đội tuyển của họ thua đậm vào hôm trước. Trên giường của tôi, hai mảnh giấy đơn sơ nằm đó tự bao giờ. "Tạm biệt anh. Tôi trở về Brazil đây. Hẹn gặp vào năm 2014", ký tên André Rosa. Tờ kia: "Nếu anh có hình Lionel Messi, gửi cho tôi một tấm nhé. Tôi phải trở về sớm, rất buồn, nhưng hy vọng lần sau sẽ tốt hơn", Diego Agustino. Tất nhiên là tôi nhớ Rosa, anh chàng huấn luyện thú cưng người Brazil. Mới hôm nào, trong một buổi chiều nắng lạnh ở khuôn viên khu ký túc xá, anh còn dắt hai chú chó Garrincha và Fenômeno ra biểu diễn cho tôi chụp hình. Mới hôm nào, anh còn dắt hai chú chó tài ba của mình sang góp vui cho dân hâm mộ bóng đá bên ngoài sân Soccer City. Anh còn nói rằng hy vọng ngôi sao Kaka có một lúc rảnh rỗi nào đó tại World Cup để anh cho Garrincha và Fenômeno đấu với Kaka. Giờ thì Kaka đã rất rảnh rỗi, sau trận thua của Brazil trước Hà Lan, nhưng không biết có còn tâm trạng sẵn sàng để chơi đùa với hai chú chó đặc biệt của Rosa hay không. Và Rosa, sau khi những kỳ vọng lớn lao về đoàn vũ công samba sụp đổ, có còn tâm trạng để dẫn hai chú chó yêu đi biểu diễn nữa hay không. Tôi nghĩ là không, vì Rosa đã rời khu ký túc xá này, có nghĩa là anh đã không đợi xem trận chung kết. Agustino là một anh chàng Argentina, từng uống bia với tôi bên lò than hồng giữa khuôn viên này. Giờ đây anh cũng rời Nam Phi với một trái tim nặng trĩu.

Hôm đi xuống Cape Town ở miền nam vào ngày 29.6, tôi đã làm thủ tục trả giường (không phải phòng) và đăng ký ở tiếp khi trở lại vào ngày 4.7, cô nhân viên ở đấy đã bảo tôi: "Anh đưa hành lý tới đây gửi đi. Đừng để ở phòng". Tôi ừ, nhưng sau đó hấp tấp thành ra quên khuấy mất, vả lại nghĩ cái vali với toàn quần áo, trong đó không ít quần áo bẩn, thì chắc cũng chẳng ai thèm quan tâm mà lấy cắp. Khi trở lại vào hôm qua, tôi không thấy cái vali ở đâu cả, mới chạy tìm gặp người phụ nữ da đen thường quét dọn phòng ở đấy. "Thưa, bà có thấy cái vali màu đỏ của tôi đâu không?", tôi hỏi, trong lòng nghĩ rằng nếu mất hết áo quần thì "tiêu", vì mấy ngày qua đi lại nhiều nên không kịp tắm. "Ồ, của anh đấy à? Hôm qua tôi thấy mọi người ra đi hết mà lại có một cái vali nằm chỏng chơ đó, tôi tưởng ai bỏ quên nên cất vào nhà kho rồi. Anh theo tôi", bà đáp. Vừa đi bà vừa "cằn nhằn" tôi: "Anh đi mấy ngày rồi? Sáu ngày phải không? Và anh bỏ cái vali ở đây sáu ngày. Người ta mà lấy là tôi mang tiếng xấu. Anh phải cẩn thận chứ!". Người phục vụ phòng này đã ngoài năm mươi, nên khi bà quở trách, đột nhiên trong lòng tôi có cảm giác như đang nghe một lời dạy dỗ của người mẹ hay người cô, người dì vậy. Lòng chợt thấy bâng khuâng. Người phụ nữ này suốt ngày cần mẫn với công việc của mình, đôi khi bà đẩy cửa phòng chúng tôi để dọn dẹp trong khi vẫn còn một số người ngủ, bà đã xin lỗi rối rít. "Tôi xin lỗi. Tôi không biết anh còn ngủ ở đây. Tôi sẽ quay trở lại dọn sau", bà thường nói thế. Rồi hôm nay bà cằn nhằn tôi chuyện không cẩn thận với chiếc vali. Người phụ nữ này, tôi không chắc, có ý thức về việc làm đẹp hình ảnh đất nước, hình ảnh thành phố, con người Nam Phi, đặc biệt là trong dịp World Cup đang diễn ra hay không. Nhưng tự thân những hành động nho nhỏ của bà đã làm cho đất nước này, và thành phố Joburg xô bồ với không ít bất trắc rình rập này, trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn trong tôi.

Những câu chuyện nho nhỏ ấy, những cách bày tỏ tình cảm nhẹ nhàng có lẽ rất ít được đề cập đến trong triệu triệu bài báo về một World Cup sôi động đang diễn ra. Nhưng tôi nghĩ, chính những góc khuất lặng lẽ này, đã góp phần làm cho mùa hội ở Nam Phi thêm trọn vẹn. Lời cằn nhàn của bà lao công, giờ tôi mới biết tên là Irene Swazolo, một người phụ nữ Zulu như hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ Zulu nghèo khó trên đất nước Nam Phi này, tự thân nó cũng đẹp như một pha bóng của Klose, Sneijder hay Forlan. Nhưng cuộc vinh danh vào ngày 11.7 tới, chắc chắn sẽ không có tên bà.

Đỗ Hùng
(từ Johannesburg)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.