Nực cười “quyền tự do” chửi thề

26/03/2010 09:43 GMT+7

Hiệp hội cầu thủ thế giới (FIFPro) vừa mới có một động thái rất đáng ngạc nhiên khi ra thông cáo lên án việc LĐBĐ Ý (FIGC) áp dụng quy định cấm cầu thủ chửi thề bằng những lời lẽ mang tính báng bổ trong các trận đấu ở Ý. Tuyên bố của FIFPro viện dẫn những lời lẽ rất đao to búa lớn cho rằng quy định của FIGC đã “xâm phạm quyền căn bản”, cụ thể ở đây là quyền tự do biểu đạt.

Hiệp hội cầu thủ thế giới (FIFPro) vừa mới có một động thái rất đáng ngạc nhiên khi ra thông cáo lên án việc LĐBĐ Ý (FIGC) áp dụng quy định cấm cầu thủ chửi thề bằng những lời lẽ mang tính báng bổ trong các trận đấu ở Ý. Tuyên bố của FIFPro viện dẫn những lời lẽ rất đao to búa lớn cho rằng quy định của FIGC đã “xâm phạm quyền căn bản”, cụ thể ở đây là quyền tự do biểu đạt.

Vụ việc bắt nguồn cách đây 1 tháng khi FIGC ra quy định treo giò 1 trận các cầu thủ hoặc HLV bị phát hiện chửi thề trên sân, quy định này cũng cho phép các trọng tài rút thẻ đỏ với các cầu thủ chửi thề. Bằng chứng được sử dụng rộng rãi thông qua băng ghi hình hoặc hình ảnh từ các nguồn. HLV của Chievo, Di Carlo là người đầu tiên bị cấm chỉ đạo vì quy định này vào đầu tháng.

Quy định của FIGC là một nỗ lực nhằm trả lại môi trường lành mạnh trong bóng đá. Thực tế, hiện nay trên sân cỏ người ta chứng kiến quá nhiều các kiểu chửi thề của cầu thủ. Trước những pha bóng căng thẳng và sự va chạm trực tiếp vào cơ thể, kèm theo đó có thể là sự ấm ức trước quyết định của trọng tài, những cái đầu nóng khó có thể kiềm chế không phun ra những lời lẽ khiếm nhã. Chửi thề ở đây được hiểu là chửi vu vơ bởi nếu nhắm vào một đối tượng cụ thể thì sẽ bị khép vào tội lăng mạ người khác.

Nếu như trong phim ảnh, người ta phải hạn chế đối tượng khán giả với những bộ phim có nhiều lời lẽ thô tục thì việc các cầu thủ chửi thề trong các trận cầu được truyền hình trực tiếp diễn ra quá tràn lan mà không thể kiểm soát. Nếu các bình luận viên truyền hình trong cơn phấn khích phát ra những từ ngữ gây phản cảm, họ có thể bị đình chỉ công tác hoặc cắt hợp đồng. Vậy thì các cầu thủ xem bóng đá như một nghề nghiệp liệu có cần phải có trách nhiệm không được làm phiền khán giả, những người phải trả tiền để được xem họ thi đấu, hay không? Hoặc họ phải có trách nhiệm không được nêu gương xấu cho giới trẻ? Không lẽ để bảo vệ con cái mình, các bậc phụ huynh phải cấm những đứa trẻ xem đá bóng.

Khoan bàn về việc chửi thề có phải là một quyền tự do hay không, nếu nó là một quyền tự do thì nó cũng không được phép xâm hại đến quyền tự do của người khác. Các khán giả có quyền chứng kiến một trận đấu mà không phải bị phiền nhiễu vì những lời lẽ và hành vi phản cảm của cầu thủ. Hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh tiền đạo của Chelsea, Didier Drogba phun những lời lẽ khiếm nhã vào ống kính truyền hình sau trận thua Barcelona ở bán kết Champions League năm ngoái. Drogba bị phạt cấm thi đấu 4 trận và nộp 100.000 bảng tiền phạt, không ai phàn nàn về quyết định của UEFA. Xét theo lý luận của FIFPro, có lẽ UEFA xâm phạm quyền tự do của Drogba chăng?

Không ai tước đoạt quyền tự do của các cầu thủ song nếu muốn chửi thề xin mời họ về nhà đóng cửa mà chửi. Cũng như không ai tước đoạt quyền tự do hút thuốc lá song nếu anh hút thuốc nơi công cộng thì xin mời nộp phạt. Không ai có quyền tước đoạt quyền tự do sáng tác song nếu anh sáng tác ra những thứ rác rưởi đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì xin mời… giữ lại mà xài. Đó mới là cách hiểu đúng về quyền tự do. FIFPro, với tư cách là một nghiệp đoàn của các cầu thủ, thay vì ủng hộ điều luật của FIGC bằng cách vận động các cầu thủ nên giảm bớt việc chửi thề trên sân cỏ, lại có một động thái không đẹp chút nào.

S.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.