Phái đẹp tiên phong!

29/01/2010 08:38 GMT+7

Dù lần lượt thất bại trước Serena Williams và Justine Henin nhưng hai tay vợt nữ Zheng Jie và Li Na (Trung Quốc) vẫn làm nên lịch sử khi cùng lần đầu có mặt tại bán kết giải Úc mở rộng. Điều đáng nói ở đây là chiến tích này hoàn toàn không may mắn, ngẫu nhiên mà đơn giản là hệ quả tất yếu của chiến lược phái đẹp tiên phong, lấy nữ làm gốc của thể thao Trung Quốc.

Dù lần lượt thất bại trước Serena Williams và Justine Henin nhưng hai tay vợt nữ Zheng Jie và Li Na (Trung Quốc) vẫn làm nên lịch sử khi cùng lần đầu có mặt tại bán kết giải Úc mở rộng. Điều đáng nói ở đây là chiến tích này hoàn toàn không may mắn, ngẫu nhiên mà đơn giản là hệ quả tất yếu của chiến lược phái đẹp tiên phong, lấy nữ làm gốc của thể thao Trung Quốc.

Các nữ VĐV Trung Quốc xuất hiện khắp nơi, không chỉ ở những bộ môn sở trường như bóng bàn, mà còn lật đổ mọi tượng đài thể thao trước đó như các cường quốc Grudia, Nga trong cờ vua (Tạ Quân vô địch thế giới), bóng chuyền, điền kinh hay bơi lội. Bóng đá nữ Trung Quốc là đàn chị trên sân cỏ thế giới, truyền niềm khích lệ để đội nam Trung Quốc lần đầu có mặt ở vòng chung kết World Cup 2002.

Cũng có những chỉ trích Trung Quốc chỉ mạnh trong những môn “nghiệp dư”: dù dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Bắc Kinh, nhưng thành tích Trung Quốc phụ thuộc vào những nội dung như bắn súng, nhảy cầu, thể dục dụng cụ … Ở những sân chơi “chuyên nghiệp” thật sự , thu hút đông đảo khán giả lẫn giới truyền thông như bóng đá nam, quần vợt, golf, người Trung Quốc chỉ là tay mơ mà thôi.

Tuy nhiên, định kiến này giờ đây sẽ phải xem lại khi hai tay vợt Zheng Jie và Li Na biến bán kết giải đơn nữ Úc mở rộng suýt thành chuyện nội bộ Trung Quốc. Cho dù họ thất bại trước Serena hay Henin quá mạnh ở thời điểm này, rõ ràng tín hiệu đã vang lên với làng banh nỉ thế giới: chuẩn bị nhường đường, người Trung Quốc đang đến!

Suy gẫm kỹ, có một sự tương đồng nào đó giữa thể thao VN và Trung Quốc! Năm 1989, lần đầu tiên quay lại SEA Games, 2/3 tấm HCV của đoàn VN do phái nữ mang đến. Tấm huy chương đầu tiên của VN trên đấu trường Olympic đến từ đôi chân nữ võ sĩ taekwondo Hiếu Ngân. Ở bóng đá, đội nữ VN hoàn toàn không xa lạ gì với chức vô địch khu vực hay HCV SEA Games mà đội nam cứ mãi để vuột nhiều lần trong tầm tay.

Tiếc thay sự đãi ngộ dành cho những nữ tài năng thể thao đã mang vinh dự về cho nước nhà lại không thật sự tương xứng – đặc biệt nếu so với phái nam dù ít thành tích vẫn có thu nhập bạc tỷ – và điều đó có thể đã trở thành hàng rào quyết định ngăn cản sự phát triển của thể thao VN.

Đã đến lúc những nhà quản lý thể thao VN phải tìm được cách vượt qua rào cản này, thuyết phục xã hội và thay đổi tư duy để các nữ VĐV VN nhận đãi ngộ công bằng và xứng đáng hơn. Nếu như Trung Quốc – đất nước của những nền nếp phong kiến trọng nam khinh nữ hay “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” – ngày nay hoàn toàn thừa nhận vai trò tiên phong lẫn trung tâm của phái đẹp, thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với họ (các nữ VĐV cờ vua Trung Quốc có lương 4.000 USD/tháng), cớ gì VN lại không thay đổi được nếp suy nghĩ!

Anh Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.