Premier League quay cuồng trong ngày cuối kỳ chuyển nhượng

01/09/2016 15:07 GMT+7

Nếu bóng đá của nước Mỹ có cái gọi là 'Drafting Day - Ngày tuyển dụng', Premier League cũng tồn tại một khái niệm 'Dealine Day - Ngày chuyển nhượng cuối'. Ở đó, biết bao câu chuyện kịch tính, dở khóc dở cười và thất vọng đã được kể.

Hào nhoáng chết người

Chẳng có gì biểu tượng hóa hơn về sự hào nhoáng, giàu có mà hấp dẫn của Premier League hơn hình ảnh: David Luiz trở lại Chelsea với giá 32 triệu bảng, sau khi được bán đi với giá 50 triệu bảng cách nay 2 mùa, Marcos Alonso từng chơi cho Sunderland chuyên chật vật trụ hạng được định giá 23 triệu bảng, Moussa Sissoko được Newcastle mua về với giá 1,5 triệu bảng vào 2013 và nay bán lại với giá 30 triệu bảng... 

Một trung vệ (từng là) trụ cột của tuyển Pháp, Sakho, một cựu đội trưởng vô địch thế giới, Bastian Schweinsteiger, có điểm chung là không nằm trong kế hoạch của HLV, nhưng lựa chọn ở lại Anfield hay Old Trafford, bởi không có CLB nào ngoài nước Anh chấp nhận được mức lương họ đang hưởng.

Một tiền vệ tuyển Anh tại EURO 2016, Jack Wilshere, phải hạ mình thi đấu cho Bournemouth để tìm lại cảm giác chơi bóng, trong khi Serge Gnabry kiên quyết rời Emirates, trở về Đức để được ra sân thường xuyên và tìm cơ hội chơi bóng cho Die Mannschaft. 

Gói bản quyền truyền hình kếch xù, trị giá hơn 5 tỷ bảng, khiến các CLB Ngoại hạng Anh đã giàu, nay càng giàu hơn. Nó khiến cho cuộc chiến giành quyền trụ hạng Premier League từ mùa này càng trở nên quyết liệt, trong khi cuộc chạy đua tới chức vô địch hứa hẹn còn khốc liệt gấp bội. 

Mặt khác, dòng tiền chảy vào tài khoản của các đội bóng cũng đẩy giá chuyển nhượng các cầu thủ trở nên phi mã, dù đó là cầu thủ đang chơi bóng tại Anh hay từ nơi khác tới.

Alonso (phải) phiêu bạt sang Fiorentina trước khi trở lại Premier League AFP

Ai dám đặt cửa Alonso từng ngồi dự bị ở Bolton Wanderers, không giành được suất ra sân tại Sunderland nên phải tới Fiorentina, nay trở lại Anh với giá 23 triệu bảng? Sissoko thực sự trị giá tới 30 triệu bảng chỉ sau một kỳ tỏa sáng cùng tuyển Pháp tại EURO 2016? Islam Slimani có chất lượng tới mức buộc Leicester "phá kho thóc" mang từ Sporting về với kỷ lục của CLB - 29,7 triệu bảng? 

Mùa trước, M.U được Monaco gật đầu để mua Anthony Martial, 19 tuổi, với giá 38 triệu bảng. Mùa này, Monaco thẳng thừng từ chối "lời đề nghị khiếm nhã" trị giá 34,5 triệu bảng từ Man City đối với Kylian Mbappe, 17 tuổi. 

Đó là những điều xảy ra, duy nhất và chỉ có thể trong Dealine Day, tại Premier League.  

Kẻ thắng, người thua

Luiz lần thứ 2 gia nhập Chelsea AFP

Với việc lần thứ 2 tới London, David Luiz, chính thức gia nhập tốp 5 cầu thủ đắt giá nhất hành tinh, xét về tổng giá trị chuyển nhượng (trên 100 triệu bảng), chỉ tính riêng những lần chuyển nhượng tại châu Âu. Cùng với đó, sự kiện Alonso lần thứ 2 trở lại Premier League bộc lộ rõ những điểm yếu trong kế hoạch phòng ngự mà Antonio Conte đang tính toán cho Chelsea. 

Luiz chỉ là sự lựa chọn thứ 4 của Conte, sau những Leonardo Bonucci, Kalidou Koulibaly, Alessio Romagnoli. Juve thẳng thừng từ chối người cũ, khi mở lời về Bonucci. Trường hợp Koulibaly được nhận định là quá đắt, trong khi Chelsea bị Milan từ chối đề nghị trị giá 34 triệu bảng cho Romagnoli, 21 tuổi. 

Conte đã phải chấp nhận phương án dự phòng về một Aymen Abdennour nào đó, 27 tuổi, nhanh chóng bị thay thế bằng Eliaquim Mangala (mượn từ City) ở Valencia. Để rồi, HLV người Italia nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, khi PSG gật đầu về thương vụ Luiz. 

Những động thái vội vã, những quyết định cực đoan vào những giờ cuối của Deadline Day phản ánh rõ cuộc khủng hoảng trên sân cỏ, bởi Chelsea chỉ có 4 hậu vệ "cứng", bảo đảm thể lực, trong 4 trận đầu mùa, với Kurt Zouma đang chấn thương, trong khi Ola Aina chỉ có thể hỗ trợ từ băng ghế dự bị. 

Conte rất bị động trong việc xây dựng lực lượng cho Chelsea AFP

Vấn đề là, liệu Luiz có thực sự là phao cứu sinh cho kế hoạch phòng ngự của Conte, sau màn trình diễn như rối nước trong thất bại 1-3 của PSG trước Monaco, sau khi bị HLV tuyển Brazil bỏ rơi? 

Luiz từng được fan Chelsea rất yêu quý, cũng như Juan Mata, trước khi bị Jose Mourinho nhất quyết đẩy đi. Bởi điều một HLV cần trước tiên ở một trung vệ không phải giới hạn ở tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ, mà là năng lực bao quát 1/3 cuối sân. 

Cùng với Arsenal bấn loạn trên thị trường chuyển nhượng tìm tiền đạo và trung vệ, Chelsea cho thấy mất phương hướng rõ ràng, sau những vòng đầu mùa giải mới. 

Thất bại của đối thủ là cơ hội cho chúng ta! Thành Manchester hoàn toàn yên bình trong những giờ cuối cùng của Deadline Day. 

Mourinho đã có một đội hình ổn định AFP

Mourinho thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Tottenham về Morgan Schneiderlin, cũng như ngoảnh đầu trước lời mời của Inter Milan về Matteo Darmian. Điều Mourinho muốn - một đội bóng 23 cầu thủ - thì ông đã có từ trước ngày 13.8. 

Trong khi đó, Pep Guardiola được xem là hiệu quả và khôn ngoan nhất trên TTCN mùa hè. Có 9 cầu thủ mới được đưa về Etihad, nhưng sẽ chỉ có Claudio Bravo, Nolito, John Stones, Leroy Sane và Ilkay Gundogna (đang chấn thương) thực sự đóng góp ngay vào các trận đấu, trong khi những người còn lại là khoản đầu tư cho tương lai. 

Ở chiều ngược lại, Mangala, Samir Nasri, Wilfred Bony và Joe Hart đều ra đi vì những lý do khác nhau, trong khi Martin Demichelis, Richard Wright kết thúc hợp đồng. 

Ngay cả khi không được Monaco chấp nhận đề nghị về Mbappe, City vẫn là những nhà đầu tư mạnh mẽ nhất, hơn cả người láng giềng áo Đỏ. Nhưng fan City hoàn toàn tự tin rằng Guardilla đang có được những cầu thủ như mong muốn, để chơi thứ bóng đá phong cách đã mang về tới 21 danh hiệu trong sự nghiệp cầm quân ngắn ngủi của ông. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.