Quyết định kỳ quặc của AFC

01/08/2010 09:34 GMT+7

Kể từ năm tới, trận chung kết AFC Champions League sẽ được tổ chức tại sân nhà của một trong hai đội tham dự. Giải thích cho quyết định kỳ lạ này, AFC nói trên trang web chính thức: “Nếu trận chung kết lớn được tổ chức bởi một trong hai đội lọt vào chung kết, khán giả sẽ đông hơn và hình ảnh của giải sẽ được quảng bá tốt hơn”!

Kể từ năm tới, trận chung kết AFC Champions League sẽ được tổ chức tại sân nhà của một trong hai đội tham dự. Giải thích cho quyết định kỳ lạ này, AFC nói trên trang web chính thức: “Nếu trận chung kết lớn được tổ chức bởi một trong hai đội lọt vào chung kết, khán giả sẽ đông hơn và hình ảnh của giải sẽ được quảng bá tốt hơn”!

Nói vậy có nghĩa là AFC đã thừa nhận: AFC Champions League là thứ bóng đá tẻ nhạt chẳng ai thèm xem, đến nỗi tổ chức này chấp nhận bỏ luôn giá trị thiêng liêng nhất trong thể thao – tính công bằng – chỉ để đổi lấy một số lượng khán giả trong trận chung kết. Nếu muốn dùng đội nhà để câu khán giả đến sân, sao AFC không tổ chức trận chung kết 2 lượt để tăng gấp đôi số lượng khán giả, đồng thời bảo đảm cả tính công bằng lẫn “mưu toan” khán giả sẽ đông do có đội chủ nhà thi đấu?

Trong lịch sử các giải bóng đá đỉnh cao, chỉ có một lần duy nhất người ta áp dụng thể thức loại trực tiếp trong một lượt, trên sân một trong hai đội. Đấy là vòng bán kết UEFA Champions League mùa bóng 1993-1994. Cũng chẳng phải là không công bằng. Hồi ấy, Champions League có 2 bảng. Đội đứng đầu một bảng sẽ gặp đội đứng nhì ở bảng còn lại trên sân nhà để tranh vé vào chung kết. Muốn có ưu thế sân nhà ở vòng bán kết, người ta phải cố hết sức để chiếm ngôi đầu bảng, chứ không thể yên tâm khi đã chắc chắn về nhất hoặc nhì.

Điều lệ ấy của UEFA cũng có chỗ hay riêng, và quan trọng là tính sáng tạo của những người làm luật. Dù sao đi nữa, bóng đá (hay bất cứ môn thể thao nào) vẫn phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc công bằng. Chơi trên sân nhà trong bối cảnh biết chắc là chỉ có một lượt đấu, kết quả sẽ khác rất xa so với bối cảnh vẫn còn một lượt đấu nữa. Khác biệt lớn về tâm lý ấy dẫn đến kết quả là cả 2 trận bán kết của UEFA Champions League 1994 đều có tỷ số 3-0 nghiêng về đội chủ nhà.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu bóng đá đã khẳng định từ hàng trăm năm nay: ưu thế sân nhà tương đương với nửa bàn thắng. Vấn đề không phải là nửa hay một bàn. Điều mấu chốt là khi một trận bóng đá diễn ra trong hoàn cảnh đội chủ nhà đã nắm chắc chiến thắng thì ai thèm theo dõi nữa. UEFA đành bỏ ngay thể thức thi đấu mới mẻ mà họ nghĩ ra cách đây 16 năm.

Chỉ vì muốn kéo khán giả đến sân trong trận chung kết mà AFC chứng tỏ luôn rằng họ… chẳng hiểu gì về bóng đá. Nói vậy hơi quá đáng, nhưng đấy là một phần lớn của sự thật. Ở AFC, ý muốn của ông chủ tịch Mohammed Bin Hammam phải được tôn trọng tuyệt đối. Hồi AFC quyết định chỉ trao giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất châu Á cho cầu thủ đang chơi ở châu Á, đấy cũng là ý muốn của Bin Hammam. Ông này rất giàu có và nhiều quyền lực, nhưng sự am hiểu bóng đá là thứ mà tiền và quyền lực không đem lại được.

Nếu một trận đấu quan trọng diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn không công bằng, đấy không còn là trận đấu nữa. Chắc chắn ông Bin Hammam không biết, hoặc không cần biết chi tiết cốt lõi này. Ông ta chỉ muốn cho cả thế giới thấy rằng trận chung kết AFC Champions League là trận đấu đông nghẹt khán giả. Giống như một người cứ muốn trưng ra bộ mặt của mình, nhưng lại quên rằng đấy là bộ mặt xấu xí, cần “che” chứ không cần “khoe”.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.