Sao không giúp Scholes cải thiện điểm yếu?

19/04/2011 16:26 GMT+7

(TNO) Các huấn luyện viên (HLV) làm gì trong môn bóng đá? Dĩ nhiên, họ chọn phương án 4-3-3, 4-4-2 hoặc 4-2-3-1 cho đội bóng của mình, dạy cho toàn đội cách giữ cự ly đội hình sao cho hợp lý, truyền đạt cách phòng thủ khu vực, huấn luyện trung vệ cách chọn vị trí khi tiền vệ cánh của đối phương tấn công…

Paul Scholes (áo đỏ) nhận thẻ đỏ trong trận bán kết Cúp FA cuối tuần trước - Ảnh: Reuters

(TNO) Các huấn luyện viên (HLV) làm gì trong môn bóng đá? Dĩ nhiên, họ chọn phương án 4-3-3, 4-4-2 hoặc 4-2-3-1 cho đội bóng của mình, dạy cho toàn đội cách giữ cự ly đội hình sao cho hợp lý, truyền đạt cách phòng thủ khu vực, huấn luyện trung vệ cách chọn vị trí khi tiền vệ cánh của đối phương tấn công…

Khi đội bóng thành công thì HLV trở thành người hùng. Pep Guardiola được ca ngợi về cách chơi tiki-taka của Barcelona, mà ông vốn đã là một mắt xích quan trọng khi còn chơi bóng chứ không chỉ là đạo diễn khi ngồi trên ghế HLV trưởng. Người ta ca ngợi hệ thống phòng thủ của Jose Mourinho, hoặc cách quản quân của Alex Ferguson…

Tóm lại, có vẻ như chiến thắng trong môn bóng đá dứt khoát cứ phải đến từ việc chọn lựa chiến thuật hợp lý hơn, hoặc từ một quyết định bất ngờ nào đó trong việc bố trí đội hình. Còn chuyện thành công đến từ thất bại ngẫu nhiên của đối phương thì thường ít được bàn đến. Không nhất thiết phải nhắc lại những trận đấu quan trọng mà kết quả thật ra được quyết định bởi đường chuyền thẳng vào chân tiền đạo đối phương của một trung vệ, bởi thủ môn không kiểm soát nổi quả bóng do hậu vệ của mình chuyền về, hoặc bởi tiền vệ trụ mất bóng vì nổi hứng đánh gót sai địa chỉ ngay trong khu cấm địa của đội nhà. Những chuyện như thế khi nào cũng chỉ được xem là “tai nạn”. Và kể cả khi tất cả đồng ý rằng đấy chỉ là “tai nạn”, thì giới bóng đá có vẻ cũng sai lầm tiếp khi cho rằng “tai nạn” là thứ sẽ không xuất hiện trở lại.

Vì cách suy nghĩ chung như thế mà trong bóng đá, có rất nhiều điều thuộc diện lặp đi lặp lại. Đặc trưng là chuyện Paul Scholes rất hay lãnh thẻ. Dĩ nhiên là Scholes rất giỏi, nên anh vẫn cứ trường tồn trong bóng đá đỉnh cao, ở cái tuổi mà khối ngôi sao khác đã bắt đầu sự nghiệp cầm quân.

Trận đấu thứ 600 của Scholes cho Manchester United đã trôi qua từ 2 năm trước. Scholes đã thi đấu đỉnh cao nhiều như vậy, nhưng cách tranh cướp bóng của anh thì không bao giờ thay đổi – nói đúng hơn là không bao giờ được cải thiện. Scholes chưa bao giờ thuộc mẫu tiền vệ thích chơi xấu, chưa bao giờ bị liệt vào hạng “chém đinh chặt sắt”. Nhưng anh lại đứng thứ 3 trong danh sách các cầu thủ bị phạt thẻ vàng nhiều nhất ở Premier League (dù anh không phải là người thi đấu nhiều nhất). Ở Champions League, chính Scholes là người đang giữ kỷ lục về số thẻ vàng!

Nếu như đấy là vấn đề kỹ thuật – đơn giản là Scholes không có khả năng ra chân một cách đúng lúc, đúng chỗ, thì sao không thấy HLV nào giúp anh khắc phục điều này? Còn nếu như đấy thuần túy chỉ là “mặt trái của một ngôi sao”, như cách bình luận của HLV Arsenal - Arsene Wenger, thì vì sao Scholes không cố thay đổi “mặt trái” ấy? Phải chăng, nếu không có “mặt trái” thì không ai có thể trở thành ngôi sao?

Xem đi xem lại tình huống đạp vào đùi Pablo Zabaleta khiến Scholes bị đuổi ở trận Manchester United thua Manchester City cuối tuần qua, người ta thấy rõ Scholes không phạm lỗi một cách ác ý (dù bị đuổi là đúng). Anh thậm chí còn… nhắm mắt, có thể không biết mình sẽ đạp vào đâu nữa, nếu không lấy được quả bóng. Hoặc giả, có người cho rằng chính Scholes còn không biết anh hay đối thủ sẽ là nạn nhân, trong cái khoảnh khắc va chạm ác liệt. Nhưng rõ ràng: Scholes đã phạm lỗi, và bị đuổi. Gần 20 năm chơi bóng đỉnh cao, cách tranh chấp của anh luôn là như vậy. Chưa thấy ai gắn đặc điểm này của Scholes vào cách huấn luyện của Alex Ferguson.

Đấy chỉ là một ví dụ thôi. Chưa thấy HLV nào giúp Scholes cải thiện nhược điểm, bởi có lẽ người ta không xem đấy là việc quan trọng của các HLV!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.