Sự kết dính của một đội tuyển

14/07/2010 08:19 GMT+7

Người ta có thể chiến đấu cho nhau, vì nhau, trong cái gọi là tinh thần đồng đội. Ví dụ, tinh thần đồng đội của Hà Lan hơn hẳn tinh thần đồng đội của Pháp. Uruguay hơn hẳn Anh. Trong cái tinh thần đồng đội ấy, Arjen Robben có thể chạy nhiều hơn bất cứ đồng đội nào nhưng anh không hề ta thán. Luis Suarez sẵn sàng hứng lấy mọi sự trừng phạt của FIFA để đồng đội có chút hy vọng đi tiếp.

Người ta có thể chiến đấu cho nhau, vì nhau, trong cái gọi là tinh thần đồng đội. Ví dụ, tinh thần đồng đội của Hà Lan hơn hẳn tinh thần đồng đội của Pháp. Uruguay hơn hẳn Anh. Trong cái tinh thần đồng đội ấy, Arjen Robben có thể chạy nhiều hơn bất cứ đồng đội nào nhưng anh không hề ta thán. Luis Suarez sẵn sàng hứng lấy mọi sự trừng phạt của FIFA để đồng đội có chút hy vọng đi tiếp.

Nhưng đấy trước sau vẫn chỉ là tinh thần. Và như người ta vẫn nói, không ai sống mãi bằng tinh thần được. Serbia luôn là đội tuyển có tinh thần đồng đội rất cao, ai cũng sẵn sàng chiến đấu vì nhau. Nhưng Serbia chấm dứt hành trình ở World Cup ngay sau vòng bảng vì 23 cầu thủ của họ đến từ 23 CLB khác nhau. Trái ngược với Serbia, Hà Lan hoặc Uruguay đều là các đội thành công ở World Cup 2010. Nhưng họ cũng đành gục ngã trong những nỗ lực cuối cùng. Có một nguyên nhân lớn: tinh thần đồng đội là thứ chưa đủ bảo đảm cho sự kết dính về mặt lối chơi trong đội.

Để có được sự kết dính, người ta không thể dựa vào tư duy chiến thuật hoặc tài năng. Nói cách khác, bấy nhiêu chưa đủ. Điều quan trọng hơn là họ phải tập với nhau thật nhiều. Đây mới là điều kiện cụ thể, rõ ràng, chứ không phải là một khái niệm suông như “tinh thần đồng đội”.

TBN với hơn phân nửa đội hình chính gồm các cầu thủ Barcelona là điển hình rõ rệt cho quan điểm thành công nhờ sự kết dính tại World Cup 2010. Trong suốt lịch sử World Cup, chỉ có 2 trường hợp khác có hơn nửa đội hình chính trong trận chung kết đến từ một CLB. Đấy là đội Đức với lực lượng nòng cốt đến từ Bayern Munich tại World Cup 1974 và đội Ý với lực lượng nòng cốt là các cầu thủ Juventus tại World Cup 1982. Họ đều thành công rực rỡ. TBN bây giờ cũng vậy. Đấy là chỉ nói về các trận chung kết World Cup xưa nay. Dù không phải là trận chung kết thì quy luật thành công nhờ sự kết dính cũng thể hiện rất rõ ràng. Ngày xưa, Liên Xô có đến 9 cầu thủ Dynamo Kiev (8 người có mặt cùng lúc trên sân), và họ làm nên trận thắng đậm nhất trong lịch sử tham dự World Cup của Liên Xô, trận thắng 6-0 trước đối thủ mạnh Hungary ở World Cup 1986. Tại World Cup 2010, Đức có đến 7 cầu thủ Bayern Munich, trong đó thường xuyên có 4-5 người thi đấu trên sân. Và Đức cũng là đội thành công rực rỡ trên sân cỏ Nam Phi.

Lối chơi nhuyễn nhừ của TBN, coi như không phải bàn nữa (bây giờ, ai mà chẳng khen ngợi TBN). Nhưng xét về sự kết dính trong lối chơi thì Đức cũng là một trường hợp rõ ràng, rất đáng để giới chuyên môn nghiên cứu. Cách di chuyển, đảo vị trí một cách đồng bộ của Thomas Mueller, Miroslav Klose, Bastian Schweinsteiger, Philipp Lahm hẳn có liên quan đến việc họ đã thường xuyên tập luyện với nhau, không chỉ trong vài tuần lễ chuẩn bị cho World Cup mà là quanh năm suốt tháng ở CLB Bayern Munich. Nếu không có chi tiết này, chưa chắc HLV Joachim Loew đã mạnh dạn gọi Mueller vào đội tuyển (chứ khoan nói chuyện đá chính, để rồi Mueller trở thành vua phá lưới kiêm cầu thủ trẻ hay nhất giải). Lần đầu tiên lọt vào ĐTQG của Mueller chỉ mới diễn ra ngay trong năm nay. Nhưng không thể nói là Mueller chỉ mới kết dính với Klose, Schweinsteiger và Lahm trong vài trận đấu.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.