Tấn công và phản công

01/07/2010 00:42 GMT+7

Mỗi đội bóng đều có phong cách riêng của mình, có đội thì theo đuổi lối chơi tấn công nhưng có đội lại thiên về tư tưởng phòng thủ với lối đá phản công sở trường.

Tốc độ và sự đa dạng trong lối chơi đã giúp tuyển Đức thăng hoa - Ảnh: AFP

Mỗi đội bóng đều có phong cách riêng của mình, có đội thì theo đuổi lối chơi tấn công nhưng có đội lại thiên về tư tưởng phòng thủ với lối đá phản công sở trường.

Thế nhưng, điều lạ là ở World Cup lần này, người ta lại thấy cả hai phong cách tưởng chừng như trái ngược nhau hiện hữu trong cùng đội tuyển Đức.

Tấn công...

Đức không tấn công ồ ạt theo kiểu Brazil hay Argentina, cũng không làm chủ trận đấu và kiểm soát bóng nhiều như cách mà Tây Ban Nha vẫn hay làm. Họ cũng không dùng lối chơi “quây”, “ập”, “dập” đậm chất thể lực của Chile mà tổ chức tấn công từng đợt, từng đợt một cách nhịp nhàng nhưng cũng rất tốc độ. Bởi vì mỗi khi có bóng, cả dàn tấn công của Đức đều di chuyển một cách rất khoa học và có tính toán. Nghĩa là khi một người di chuyển ra khoảng trống thì có người khác lập tức trám ngay vào vị trí đó và tất cả các vị trí tấn công đều di chuyển như những quân cờ được lập trình sẵn và cực kỳ hợp lý.

Bàn thắng nâng tỷ số trận đấu lên 2-0 là một tình huống như vậy: Mesut Oezil đảo vị trí cho Muller ở vị trí tiền vệ phải, nhưng anh lùi về tận phần sân nhà như một hậu vệ phải, bắt buộc hậu vệ lừng danh A.Cole phải đeo bám. Ngay lập tức Klose chiếm ngay vào khoảng trống đó, và Oelzil chuyền bóng cho Klose. Không cần khống chế và quan sát, tiền đạo này vẩy một cú má ngoài tinh tế vào nách bên phía cánh phải theo hướng tấn công của đội Đức. Và ở đó, không biết Muller đã lặng lẽ băng lên từ lúc nào, với tốc độ của một cầu thủ mới 21 tuổi, anh dễ dàng biến Terry thành gã hề, một mình một bóng đâm thẳng vào trung lộ tạo cơ hội cho Podolski hạ gục thủ môn David James.

...và phòng ngự phản công

Sau khi đứng vững trước sức ép của bầy sư tử Anh ở những phút cuối hiệp 1, học trò của J.Loew đã bình tĩnh tổ chức phòng ngự một cách cực kỳ chắc chắn, từ đó tung ra những đường phản công kinh điển. Những pha bóng đó xứng đáng được đưa vào giáo trình dạy bóng đá bởi nó mang đầy đủ phẩm chất của những pha phản công trong bóng đá hiện đại: Trạng thái chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhanh, tính bất ngờ và tốc độ khiến đối thủ trở tay không kịp, nỗ lực băng lên dùng số đông để đánh ít và cuối cùng những pha xử lý của các cá nhân là quá hoàn hảo. Schweini dẫn bóng tốc độ và đâm thẳng vào trung lộ xé nát hàng phòng ngự đối phương, chuyền thuận lợi cho Muller đối mặt và lạnh lùng dứt điểm. Oezil dùng tốc độ và kỹ thuật để loại Barry trước khi căng ngang như đặt để Muller lại một lần nữa có mặt đúng lúc đúng chỗ...

Nhưng đội bóng của J.Loew cũng không phải là không có điểm yếu. Chẳng hạn thời điểm cuối hiệp 1, trước sức ép điên cuồng của người Anh, hàng thủ đã liên tiếp gặp sai lầm và đã phải trả giá bằng một bàn thua. Một lần nữa điểm yếu cố hữu của cặp trung vệ lại hiện hữu: chậm chạp, không ăn ý trong những pha phối hợp và cần sự bọc lót. Ở thời điểm đó, nếu không có sự xuất sắc của thủ môn Neuer và sai lầm thô thiển của trọng tài thì rất có thể người Đức đã phải trả giá. Nếu khắc phục được sai lầm đó kết hợp cả việc tấn công hiệu quả với việc phòng thủ phản công, chắc chắn người Đức đủ sức gây khó cho Argentina ở tứ kết.

HLV Đặng Phương Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.