Thế giới bóng đá và thế giới tài chính

24/07/2010 08:11 GMT+7

CLB Real Mallorca của TBN vừa bị loại khỏi Europa League vì không đáp ứng được các quy định về mặt tài chính của UEFA. Thật ra, đây chỉ là sự chính thức hóa của một kết cục mà Mallorca đã tiên liệu từ hồi tháng 5, khi đội này tự đặt mình vào tình trạng phá sản, chấp nhận cho chính quyền kiểm soát sổ sách, với những món nợ lên đến khoảng 60 triệu euro (cũng có thể là 70 hoặc 50 triệu, theo những số liệu khác nhau được công bố).

CLB Real Mallorca của TBN vừa bị loại khỏi Europa League vì không đáp ứng được các quy định về mặt tài chính của UEFA. Thật ra, đây chỉ là sự chính thức hóa của một kết cục mà Mallorca đã tiên liệu từ hồi tháng 5, khi đội này tự đặt mình vào tình trạng phá sản, chấp nhận cho chính quyền kiểm soát sổ sách, với những món nợ lên đến khoảng 60 triệu euro (cũng có thể là 70 hoặc 50 triệu, theo những số liệu khác nhau được công bố).

Thật ra, 60 triệu euro không bao giờ là con số làm cho thế giới tài chính phải sửng sốt. Ngay cả Barcelona lừng lẫy danh tiếng về mặt chuyên môn cũng như sự giàu có còn phải vay 150 triệu euro để trả lương cầu thủ. Liverpool hoặc M.U đều là những con nợ khổng lồ trong làng bóng đỉnh cao. Nói chung, nợ cũng là một thế giới. Đấy là thế giới phức tạp mà đôi khi người ta càng giàu thì càng nợ nhiều.

Nhưng Mallorca thì không giàu như M.U, Liverpool hoặc Barcelona, nên cái sự nợ nần của đội bóng ấy cũng không phức tạp như sổ nợ của các đại gia. Mallorca nợ mà không chứng minh được khả năng chi trả – đấy là khác biệt vừa lớn nhất, vừa đơn giản nhất.

Vấn đề đặt ra: đối với những khoản nợ không đơn giản, như kiểu nợ của M.U mà báo chí từng tốn rất nhiều giấy mực, thì UEFA căn cứ vào đâu để cấm hoặc không cấm họ tham dự Champions League? Suy cho cùng, thế giới của UEFA, tuy cũng có không ít vị giỏi giang ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vẫn chỉ là thế giới bóng đá.

UEFA không phải là tổ chức của giới phân tích tài chính. Thế nên, rút cuộc thì khả năng kiểm soát vấn đề tài chính của UEFA cũng có giới hạn. Tất nhiên, điều lệ UEFA có những khoản riêng về mặt tài chính, có những quy định tài chính nghiêm ngặt, từ đó mà Mallorca bị cấm tham dự Europa League, còn M.U thì không bị cấm tham dự Champions League.

UEFA từng nhiều lần than vãn: EU có những quy định trái khoáy, cứ cố áp đặt vào bóng đá và làm cho bóng đá đỉnh cao bây giờ khác xa với thứ bóng đá đẹp đẽ mà chúng ta biết đến cách đây khoảng 20 năm. Việc sổ toẹt quy định giới hạn cầu thủ nước ngoài là một ví dụ. Michel Platini từng nói nhiều lần: “Bóng đá là một thế giới riêng, có những đặc thù rất riêng của nó, nhưng bóng đá châu Âu lại bị chi phối bởi những quy định chung trong cuộc sống của châu Âu”.

Vậy thì những nhà quản lý bóng đá châu Âu liệu có nghĩ rằng tài chính là một thế giới riêng, có những đặc thù rất riêng của nó? UEFA có nghĩ rằng nếu tổ chức này muốn kiểm soát thế giới tài chính trong bóng đá thì điều đó cũng chẳng khác gì EU muốn kiểm soát bóng đá châu Âu theo cách kiểm soát cuộc sống chung? Nếu Platini cho rằng bóng đá châu Âu đang bị EU ôm đồm, thì Mallorca cũng có quyền cho rằng chính UEFA đang muốn ôm đồm những chuyện nằm ngoài lĩnh vực bóng đá.

Nợ là chuyện của Mallorca. Nếu nợ quá lớn dẫn đến tình trạng phá sản, thì Mallorca coi như tự sát, tự diệt vong. Việc UEFA cấm Mallorca tham dự Europa League đâu có giúp cho đội này nhẹ bớt nợ nần? Còn nếu cho rằng một đội đang nợ ngập đầu vẫn vay tiền để mua cầu thủ là không công bằng, thì UEFA nói gì về tình trạng ấy nơi những Liverpool, M.U?

UEFA của Platini giờ cũng chẳng khác gì FIFA của Sepp Blatter. Họ ngày càng chạy theo chính trị, quyền lực thay vì bóng đá. Bỗng nhớ UEFA của Lennart Johansson ngày nào.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.