Tiêu chí VFF và nỗi đau của nhà cầm quân

15/09/2017 10:35 GMT+7

Có rất nhiều thầy ngoại lẫn nội sở hữu đầy đủ, thậm chí là cao hơn những tiêu chí chọn HLV cho các đội tuyển quốc gia của VFF nhưng cuối cùng vẫn 'gãy' không phải vì… tiêu chí.

Cuộc họp mổ xẻ thất bại của HLV Hữu Thắng ở đấu trường SEA Games 29 chẳng khác gì hàng chục năm qua, mỗi lần các đội tuyển thua cuộc, mọi lỗi lầm đều đổ hết cho vị thuyền trưởng. Có một điều lạ lùng trong nội bộ VFF khi “dựng” HLV Hữu Thắng lên thay thế ông Miura chỉ do một vài người quyết rồi lấy biểu quyết Ban chấp hành cho có lệ, nhưng khi ngồi vạch ra sai lầm thì có nhiều ý kiến chuyên môn mà bình thường họ chẳng nói gì.
VFF không cần họp thì ai cũng thấy họ công bố sai lầm của HLV Hữu Thắng vừa qua ở SEA Games 29 giống như cái bản tự kiểm của ông đã gửi. Kế đến, Hội đồng HLV quốc gia chỉ ra hạn chế của HLV Hữu Thắng là phân bổ lực lượng không hợp lý, cách chơi sớm bị đối thủ bắt bài, non nớt kinh nghiệm hay chưa giải tốt bài toán tâm lý cho cầu thủ… thì ai nói cũng được.
Hữu Thắng đã nhận hết trách nhiệm và việc còn lại của VFF là hợp thức hóa… đẩy trách nhiệm đấy cho HLV trưởng, như cả chục lần thay tướng trước đây đều diễn ra như vậy.

tin liên quan

VFF 'chuyền lỗi' cho HLV Hữu Thắng
Cuộc mổ xẻ thất bại của U.22 Việt Nam đã quy trách nhiệm chính cho HLV Hữu Thắng. Còn VFF thanh minh là đã trao đổi nhiều nhưng bản lĩnh HLV chưa tới nên vấp ngã ở SEA Games.
Tại sao vấn đề của câu chuyện là vai trò và trách nhiệm của VFF đến đâu thì chẳng ai đề cập?
Không khó nhìn ra kiểu khoán trắng đội tuyển của VFF cho mỗi ông thầy (cả nội lẫn ngoại) cùng chỉ tiêu vô địch Đông Nam Á (SEA Games hoặc AFF Cup). Cái chỉ tiêu ấy như một thước đo thành - bại, giỏi - dở của HLV các đội tuyển nhưng bản thân VFF lại thiếu sâu sát hoặc không đủ năng lực giám sát, tư vấn, thẩm định… để đến khi lặp lại thất bại thì ngồi lại đổ hết cho người đã từ chức.
Rõ nhất là HLV Hữu Thắng hơn một năm dẫn dắt các đội tuyển quốc gia và từng thua ở bán kết AFF Cup 2016, có ai thấy và điều chỉnh ông đi vào quỹ đạo do VFF giám sát hay chỉ giao chỉ tiêu rồi để đó “sống chết mặc bay”?
Trưởng đoàn là Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh và ông Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn đã trợ giúp cho thầy trò Hữu Thắng cái gì, ngoài chuyến tập huấn Hàn Quốc miễn phí theo kiểu đối tác cho gì ăn nấy? Những cơn mưa gôn hoặc có trận đá giữa trưa trước các đội có cái mác CLB mạnh, hay việc thắng cả đội Ngôi sao K-League nhưng “rỗng ruột” để làm gì, lại để thua tan tác U.22 Thái Lan và không thể tung cú đấm quyết định khi gặp U.22 Indonesia?
VFF thuê Giám đốc kỹ thuật Gede người Đức chỉ theo các đội trẻ MMF
VFF thuê Giám đốc kỹ thuật Gede người Đức làm chi cho tốn tiền rồi đặt ông ngoài cuộc chơi SEA Games trong lúc Hữu Thắng đơn độc giữa nhóm trợ lý thiếu chính kiến và tiếng nói trọng lượng?
Sau thất bại của một trận đấu hoặc giải đấu, điều dễ nhất và thường làm nhất của VFF là chấm dứt hợp đồng với HLV trưởng, nếu họ chưa chịu từ chức. Ví von như HLV Lê Thụy Hải cười ra nước mắt là VFF bỏ một ông thầy của các đội tuyển như vứt một chiếc tăm và khi cần lại tìm chiếc tăm khác, cùng một bộ tiêu chí mới tự nghĩ ra xem có vẻ rất… nguy hiểm.
Vì thực chất những tiêu chí của VFF quá cũ, như việc HLV phải có bằng cấp, từng là HLV trưởng các CLB hoặc đội tuyển, sử dụng tiếng Anh, không bị kỷ luật, không vi phạm pháp luật,… và chủ yếu hướng đến thầy ngoại. Tuy nhiên, các đời HLV nước ngoài gần nhất như ông Toshiya Miura, Falko Goetz bằng cấp và trình độ huấn luyện có kém ai đâu, sao vẫn thất bại?
Vẫn với một lối mòn tư duy và cách làm cũ bộc lộ đầy đủ qua thời kỳ của HLV Hữu Thắng, cho dù VFF có mời thầy ngoại hay nội nào ngồi vào ghế nóng các đội tuyển cũng để lại nỗi đau cho chính họ.
Sau cuộc chơi SEA Games 29, ai cũng thấy có một thất bại lớn nhất của bóng đá Việt Nam bởi sự tồn tại dai dẳng của những con người cũ trong ngôi nhà VFF suốt gần hai nhiệm kỳ qua!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.