Xin đừng quên Enke!

11/11/2010 14:49 GMT+7

(TNO) Vào một chiều cuối thu cách đây tròn một năm, ngày 10.11.2009, thế giới bóng đá bàng hoàng khi hay tin thủ môn người Đức Robert Enke lao đầu vào đoàn tàu đang chạy để tự tử.

(TNO) Vào một chiều cuối thu cách đây tròn một năm, ngày 10.11.2009, thế giới bóng đá bàng hoàng khi hay tin thủ môn người Đức Robert Enke lao đầu vào đoàn tàu đang chạy để tự tử.

Cái chết của thủ môn 32 tuổi này đưa đến một cái nhìn khác về giới cầu thủ và rộng hơn là các vận động viên (VĐV) thể thao.

Giữa những hào nhoáng của thế giới bóng đá hiện đại, người ta chợt nhận ra các cầu thủ cũng là những con người dễ bị tổn thương và cần được giúp đỡ. Thế nhưng, ngoài những lời kêu gọi thống thiết khi đó, liệu cái chết của Enke có làm thay đổi được điều gì sau một năm?

Dĩ nhiên, người ta vẫn nhớ đến Enke, bằng chứng là các cổ động viên (CĐV) Hanover tổ chức lễ tưởng niệm cho thủ môn xấu số, thậm chí tuyển thủ Đức này còn được đặt tên đường. Song mấy ai còn nhớ đến lý do khiến anh phải tự tử? 


 Thủ môn quá cố Robert Enke - Ảnh: AFP

Áp lực về chỗ đứng trong thế giới bóng đá buộc Enke phải giấu kín chứng bệnh trầm cảm của mình trong nhiều năm trời. Và anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự hủy mình trong nỗi cô đơn cùng cực.

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Bild mới đây, Gunter Gebauer, một cựu VĐV và là một giáo sư thuộc Đại học Free ở Berlin, khẳng định có rất ít sự thông cảm với các VĐV bị trầm cảm. Ông nói: “Đầu tiên là một cơn choáng váng lớn sau cái chết của cậu ấy (Enke) và có cảm giác rằng chúng ta phải làm nhiều hơn để bảo vệ các cầu thủ gặp khó khăn. Song bóng đá chuyên nghiệp tàn khốc hơn bao giờ hết. Thêm nhiều người sẽ còn đau khổ trước khi mọi thứ thay đổi”.

Ba ngày trước lễ kỷ niệm một năm ngày mất của Enke, thủ môn của Leverkusen Rene Adler tuyên bố chẳng có bài học nào rút ra từ cái chết của người đồng nghiệp xấu số. “Người ta đến sân vận động, trả tiền và muốn thấy sự tận tụy và niềm đam mê chứ không có chỗ cho điểm yếu nào. Tôi rất tiếc song đây là một lỗi của bóng đá: ai đó có thể là "đấng cứu thế" trong một ngày và ba ngày sau họ là kẻ thất bại, là kẻ thù”, Adler nói.


 Hình chụp chiếc áo của Enke đặt trên băng ghế dự bị trong trận đấu giữa Đức và Bờ Biển Ngà vào ngày 18.11.2009 - Ảnh: AFP

Một năm trôi qua, thế giới bóng đá vẫn thế. Những cuộc đua bất tận về bàn thắng, về điểm số, về ngôi vô địch và cả về tiền bạc không cho phép người ta dừng lại. Các nhà bình luận thì luôn có một "kho" những lời cay độc để chỉ trích mỗi khi lỗi lầm xuất hiện. Hiếm có ai muốn nghĩ đến cảm giác của những người bị lên án.

Và nếu cầu thủ nào tiết lộ điểm yếu của mình, họ có thể ngay lập tức bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đó là cuộc chơi của một số người song có thể là cả cuộc đời của người khác. Sự nghiệt ngã của trò chơi là vậy.

Để cái chết của Enke không vô ích, liệu người ta có nên tỏ ra bao dung hơn, thay vì tổ chức những lễ kỷ niệm rầm rộ rồi sau đó để mọi chuyện trở lại như cũ? Đó là câu hỏi cho mỗi cá nhân tồn tại trong thế giới bóng đá. Thực sự, như Adler đã nói, bóng đá đang có một lỗi và cần được cứu rỗi. Xin đừng quên Enke!


 Banner ghi dòng chữ bằng tiếng Đức: "Robert, chúng tôi sẽ không bao giờ quên anh" trong trận đấu giữa Đức và Bờ Biển Ngà vào ngày 18.11.2009 - Ảnh: AFP

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.