Xin hãy tập trung chơi bóng

06/10/2010 08:59 GMT+7

Bài học mà đội U.19 Việt Nam vừa học được trong trận gặp U.19 Jordan (đáng lẽ đối phương phải trả bóng cho phía U.19 Việt Nam từ tình huống ném biên theo tinh thần fair-play thì họ đá luôn, và ghi bàn) là một bài học luôn có giá trị, cả trong đẳng cấp cao nhất của bóng đá thế giới.

Bài học mà đội U.19 Việt Nam vừa học được trong trận gặp U.19 Jordan (đáng lẽ đối phương phải trả bóng cho phía U.19 Việt Nam từ tình huống ném biên theo tinh thần fair-play thì họ đá luôn, và ghi bàn) là một bài học luôn có giá trị, cả trong đẳng cấp cao nhất của bóng đá thế giới.

Dĩ nhiên, ở đây chúng tôi không hề đả kích tinh thần fair-play. Vấn đề là ở chỗ: fair-play cũng phải đúng nơi, đúng lúc. Ngay cả trung tâm điều hành bóng đá thế giới, tức tổ chức FIFA mà ai cũng thấy rõ là rất giáo điều, cũng đã có không ít lần kêu gọi giới bóng đá hạn chế những hành động cổ súy fair-play một cách bừa phứa, lợi bất cập hại. Gần đây, FIFA khuyến cáo: trừ những trường hợp khẩn cấp, trọng tài không nên tạm dừng trận đấu khi có cầu thủ nằm sân.

Tinh thần fair-play thì không ai không biết. Nhưng cái tinh thần ấy bao la đến nỗi đôi khi người ta vô tình làm hỏng trận đấu chỉ vì tình trạng fair-play nửa mùa. Đôi khi, chính những người trong cuộc cố tình lạm dụng tinh thần fair-play vì những mục đích rất không fair-play. Đấy là chưa kể, nếu như lúc nào cũng chăm bẵm vào cái gọi là fair-play thì giá trị đỉnh cao của bóng đá cũng sứt mẻ, trận đấu quyết liệt bỗng trở thành trận đấu phong trào.

Không nói đâu xa: ở Premier League cách đây chỉ khoảng chục ngày, các ngôi sao Fernando Torres và Dirk Kuyt của Liverpool đã sổ toẹt thái độ fair-play nửa mùa. Họ đang chơi thứ bóng đá đỉnh cao cực kỳ quyết liệt chứ đâu phải đang trình diễn thái độ lịch sự với đối phương? Khi cầu thủ Sunderland dùng chân hất nhẹ quả bóng về phía thủ môn rồi quay lưng, ý muốn nói thủ môn sẽ sút quả phạt mà Sunderland được hưởng, thì Torres lập tức lao theo cướp bóng và chuyền cho Kuyt ghi bàn. Đối phương đã chạm bóng, nghĩa là bóng đã ở trong cuộc rồi. Torres và Kuyt không cần lời khen về tinh thần fair-play bằng cách đợi thủ môn Sunderland bước lên lấy bóng.

Nhiều năm trước, ngôi sao Robbie Fowler của bóng đá Anh nói rõ với trọng tài rằng anh tự vấp ngã trong vùng cấm địa, chứ không bị thủ môn David Seaman cản ngã. Nhưng trọng tài đã lỡ chỉ tay vào chấm 11m. Fowler đá rất nhẹ và Seaman đẩy được (nhưng đồng đội của Fowler sút bồi thành công). Suốt một thời gian dài sau đó, Fowler đã phải mất công cải chính những bài tâng bốc trên mặt báo, rằng anh cố ý sút nhẹ vì tinh thần fair-play. Chính Fowler thừa nhận: đấy thật sự là một cú sút thất bại. Tiền đạo đứng trước quả 11m mà lại cố ý sút hỏng thì thà đừng chơi bóng nữa. Bản thân ngôi sao chuyên nghiệp Fowler không cần những lời khen cho rằng anh đã chơi fair-play trong tình huống ấy, vì đấy chỉ là thái độ fair-play “nhà quê”, không đúng lúc.

Trong cuộc sống, sự lịch lãm của một con người tự nó toát ra một cách tự nhiên qua cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, xử sự. Cố ý chứng tỏ sự lịch lãm ấy, bằng cách này hay cách khác, đôi khi chẳng đạt được mục đích mà lại hóa ra lố bịch. Trong bóng đá cũng vậy. Người ta phải dùng hết sức bình sinh, tập trung toàn bộ tinh thần vào từng đường bóng chỉ để tạo ra một lợi thế nhỏ bé cho đội của mình. Cứ chơi như thế, còn chuyện fair-play hay không thì câu trả lời cứ tự nhiên xuất hiện. Bài học chung vẫn là: hễ ra sân thì mục đích đầu tiên phải là tập trung tinh thần chơi bóng cái đã. Đừng ra sân chỉ để chứng tỏ mình biết fair-play, cũng đừng ra sân để xem đối phương có biết fair-play hay không!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.