Hoàn tất hành trình trở lại

10/05/2010 10:20 GMT+7

Tại sân Old Trafford, các bàn thắng của Fletcher, Giggs, Park đủ để M.U vượt qua Stoke nhưng không đủ để ngăn không khí lễ hội đến với sân Stamford Bridge, nơi Chelsea hủy diệt Wigan đến 8-0.

Anelka (39) và Drogba (11), cả 2 đã đóng góp 5 bàn trong chiến thắng 8-0 của Chelsea - Ảnh: AFP

Tại sân Old Trafford, các bàn thắng của Fletcher, Giggs, Park đủ để M.U vượt qua Stoke nhưng không đủ để ngăn không khí lễ hội đến với sân Stamford Bridge, nơi Chelsea hủy diệt Wigan đến 8-0.

Chức vô địch năm 2006 của Chelsea là chức vô địch thứ 2 liên tiếp dưới thời HLV Mourinho. Đó là chức vô địch theo kiểu cách hống hách, độc đoán, bạo ngược, thể hiện rõ nét nhất bằng trận đánh bại M.U 3-0 trên sân Stamford Bridge. Trước khi trận đấu kết thúc vài phút, Mourinho bước đến khu kỹ thuật của M.U bắt tay từng thành viên ban huấn luyện của đối thủ, bao gồm cả Sir Alex Ferguson đứng quắc mắt giận sôi lên từng khúc ruột. Hành động của Mourinho như muốn nói: “Chúng tôi giành chức vô địch dễ dàng thế đấy, tôi có thể ăn mừng trước khi nỗ lực đánh bại chúng tôi của bạn chưa kết thúc”...

Khi đó, ai cũng nghĩ Chelsea sẽ thống trị cả thập niên. Nhưng đến cả họ cũng không ngờ phải chứng kiến M.U đăng quang trong 3 mùa giải liên tiếp sau đó. Khi Mourinho bị sa thải, Drogba, Lampard, Carvalho... cũng muốn rời Chelsea, họ cảm thấy không còn việc gì đáng làm ở London nữa sau khi giành những chiếc cúp. “Nhưng chính việc mất danh hiệu vô địch sau đó đã làm chúng tôi tổn thương”, Drogba nói, “Nó tạo ra một thách thức mới: giành lại chức vô địch. Năm qua năm, khi chức vô địch chưa về, khát vọng của chúng tôi càng lớn dần”.

Và hôm qua, chiếc cúp đã trở lại Stamford Bridge trong một buổi chiều đầy cảm xúc, sau khi Chelsea đánh bại Wigan 8-0 bằng các bàn thắng của Anelka (2 bàn), Drogba (3 bàn), Kalou, Lampard, Ashley Cole. Bộ khung đội hình của năm 2006 gần như còn nguyên, những đôi chân đã già đi 4 tuổi nhưng nó mang khát vọng của 4 năm kiên nhẫn chờ đợi. Chelsea không lên ngôi bằng sự độc đoán, hống hách nữa mà lên ngôi trong sự khiêm tốn, sau một hành trình không ít giông bão. Chelsea không lên ngôi trong nỗi sợ của mọi người như 4 năm trước mà lên ngôi trong sự chờ mong.

Chelsea không còn giống như cỗ máy thiếu nhân bản nghiền nát mọi thứ mà trở thành thực thể đại diện cho cái đẹp. Họ cầm bóng đẹp không khác Arsenal, phản công nhanh và đồng bộ chẳng kém M.U. Đội bóng của HLV Ancelotti mùa này để thủng lưới nhiều bàn nhất kể từ mùa 2002-03 (khi Ranieri còn làm HLV) nhưng cũng trong mùa này, Chelsea đã lập kỷ lục ghi bàn mới tại Premier League: 103 bàn. Chưa đội nào trong lịch sử bóng đá Anh 4 lần hủy diệt đối thủ 7 bàn trở lên trong một mùa bóng. Với 3 bàn trong trận này, Drogba vượt qua Rooney để trở thành vua phá lưới. Những điều kể trên chính là những lý lẽ cho cảm xúc.

Tất nhiên, cũng có những lý lẽ khác bác bỏ thứ cảm xúc đó như việc trọng tài có bắt nghiêng về Chelsea một vài trận, hay tiêu chuẩn Premier League bị hạ thấp khi các đại gia thi nhau “tự sát” mùa này. Nhưng nhìn chung, đó là những lý lẽ yếu ớt, không lấn át được những cảm xúc Chelsea tạo ra trong mùa bóng này, cảm xúc của việc một hành trình trở lại được hoàn tất.

Premier League 2009-2010 & các con số đáng nhớ

0

Portsmouth vẫn 0 điểm sau 7 vòng đầu tiên và đó là thành tích kém cỏi nhất ở giải Anh trong vòng 70 năm qua.

1

Stephen Hunt của Hull City là cầu thủ ghi bàn đầu tiên mùa này trong trận thua Chelsea 1-2 ngày 15.8.2009.

Thẻ đỏ đầu tiên của mùa giải thuộc về Sean Davis của Bolton trong trận thua Liverpool 2-3 ngày 29.8.2009.

2

HLV Owen Coyle là người duy nhất dẫn dắt 2 CLB mùa giải này: Burnley và Bolton.

3

Các cầu thủ Portsmouth đá phản lưới nhà 3 lần trong trận thua M.U 0-5 ngày 6.2.2010

Trận Portsmouth hòa. Sunderland 1-1 ngày 9.2.2010 có nhiều thẻ đỏ nhất mùa: 3 thẻ

4

Có 4 CLB đổi chủ trong mùa này: Birmingham, Sunderland, West Ham (2 lần) và Portsmouth (3 lần).

5

Tiền đạo Defoe của Tottenham đã ghi 5 bàn trong trận thắng Wigan 9-1 và anh là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong 1 trận mùa này.

Có 5 CLB phải thay HLV giữa mùa này là Portsmouth, Man City, Bolton, Burnley, Hull City.

London là thành phố có nhiều đại diện nhất tại Premier League với 5 đội bóng Arsenal, Chelsea, Tottenham, Fulham, West Ham. Cả 5 đều trụ hạng và tạo ra kỷ lục có 3 đội bóng cùng thành phố dự Champions League mùa sau.

6

Chelsea đã thắng 6/6 trận gặp các đội khác trong nhóm Big Four là M.U, Arsenal và Liverpool.

Chelsea và Arsenal là hai đội tạo được chuỗi trận thắng liên tiếp dài nhất tại Premier League mùa này 6 trận. Chelsea thắng 6 vòng đầu tiên (từ 15.8 đến 20.9.2009), Arsenal thắng 6 trận liên tiếp từ 11.2.2010 đến 21.3.2010.

7

Có 7 CLB đã quảng cáo tên các hãng cá cược trên ngực áo là Bolton, Hull, Sunderland, Tottenham, Wigan, Wolves và West Ham.

9

Portsmouth bị trừ 9 điểm vì bị chính quyền quản lý sau khi tuyên bố phá sản. Portsmouth cũng là CLB đầu tiên của Premier League rơi vào hoàn cảnh này. 

10

Trận Tottenham thắng Wigan 9-1 ngày 22.11.2009 là trận có số bàn thắng cao nhất mùa này (10 bàn) và là trận thắng cách biệt cao nhất mùa này.

10

’25’’ Trận Hull City thua Aston Villa 0-2 ngày 21.4.2010 có thời gian bù giờ kỷ lục trong hiệp 2 là 10 phút 25 giây.

12

Birmingham có chuỗi trận bất bại kéo dài lâu nhất: 12 trận từ 24.10.2009 đến 10.1.2010

36

Tiền đạo Darren Bent của Sunderland chỉ mất 36 giây để ghi bàn trong trận thắng Tottenham 3-1 ngày 3.4.2010.

Hồ Khuê
(Theo Premier League.co.uk)

Chính Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.