Kết thúc bảng G: Mất hay vì phòng ngự

26/06/2010 00:25 GMT+7

Brazil và Bồ Đào Nha đã dắt tay nhau vào vòng 2 khi hòa 0-0 khiến cho Bờ Biển Ngà dù nỗ lực thắng CHDCND Triều Tiên 3-0 cũng không thể đảo ngược được tình thế.

Cả Brazil và Bồ Đào Nha đều chơi phòng ngự chặt để cùng nhau đi tiếp - Ảnh: AFP

Brazil và Bồ Đào Nha đã dắt tay nhau vào vòng 2 khi hòa 0-0 khiến cho Bờ Biển Ngà dù nỗ lực thắng CHDCND Triều Tiên 3-0 cũng không thể đảo ngược được tình thế.

Do chỉ cần hòa là chắc chắn đi tiếp nên HLV Carlos Queiroz đã tung ra đội hình với 6 cầu thủ chuyên phòng ngự, trong đó ngoài 4 hậu vệ quen thuộc còn có Pepe và Duda làm nhiệm vụ cản phá từ xa nhằm giúp Bồ Đào Nha (BĐN) đặt sự an toàn lên trên hết trước lối đá tấn công của Brazil. Cách chơi này cùng với đấu pháp không có tiền đạo cắm khi đội trưởng C.Ronaldo đá rộng để tạo khoảng trống cho tuyển 2 với Tiago và Danny dâng lên dứt điểm chính là vũ khí phản công của “Brazil châu Âu”. Không ít lần Ronaldo với tốc độ bứt phá của mình đã xuyên thủng hàng thủ Brazil nhưng ngoài một vài pha gây sóng gió thì anh vẫn chưa thể thắng được chốt chặn cuối cùng Julio Cesar.

Dù sao sự chặt chẽ và tương đối linh hoạt này đã giúp BĐN có một thế trận ngang ngửa với Brazil. Cầm bóng ít hơn nhưng BĐN không hề mất đi sự tự tin trước những pha dàn xếp gắn bó của đối phương. Đến giữa hiệp 2, sau những pha cầm cự rất ngoan cường trước Brazil, HLV Queiroz quyết định đẩy mạnh mặt trận tấn công khi lần lượt tung Simao và Pedro Mendes vào khuấy đảo, chia bớt gánh nặng cho Ronaldo, đồng thời muốn giữ chân hậu vệ cánh Brazil ở dưới không cho thường xuyên lên hỗ trợ tấn công. Điều này suýt giúp BĐN có bàn thắng khi Ronaldo đi bóng khéo léo, bị trung vệ Lucio cản phá dội ra thành đường chuyền cho Raul Meireles đang trong tư thế trống trải nhưng cú sút của tiền vệ này lại đi ra ngoài.

Lịch đấu vòng 2 (loại trực tiếp)

21 giờ ngày 26.6: Uruguay (1A) - Hàn Quốc (2B)
1 giờ 30 ngày 27.6: Mỹ (1C) - Ghana (2D)
21 giờ ngày 27.6: Đức (1D) - Anh (2C)
1 giờ 30 ngày 28.6: Argentina (1B) - Mexico (2A)
21 giờ ngày 28.6: Hà Lan (1E) - Slovakia (2F)
1 giờ 30 ngày 29.6: Brazil (1G) - đội nhì bảng H
21 giờ ngày 29.6: Paraguay (1F) - Nhật Bản (2E)
1 giờ 30 ngày 30.6: Nhất bảng H - Bồ Đào Nha (2G)

Ngược lại, Brazil với sự thiếu vắng thủ lĩnh Kaka (thay bằng Julio Baptista), tiền vệ chuyên đá phạt Elano (thay bằng Daniel Alves) và tiền đạo có khả năng tạo đột biến là Robinho (thay bằng Nilmar) vẫn không hề giảm đi sức mạnh trong tấn công vì những gương mặt mới đều tỏ ra đầy khát vọng. Nhưng sự bén nhạy vẫn không sánh bằng vì thiếu những đường bóng thực sự sáng tạo từ đôi chân của Kaka hay Robinho. Chính vì vậy, Brazil chủ yếu lên bóng bằng những pha tổ chức của Alves và Maicon, song không có yếu tố bất ngờ do hàng thủ BĐN bịt kín các đường vào khung thành thủ môn Eduardo. Dù tạo ra nhiều cú sút cầu môn nhưng Brazil chỉ thực sự có 3 tình huống suýt thắng khi Fabiano đánh đầu chệch cột dọc, Nilmar sút bật tay thủ môn dội vào cột dọc bật ra, và phút cuối Ramires sút bật hậu vệ BĐN bay thẳng vào khung thành nhưng thủ môn Eduardo đã kịp cứu thua.

Điều đáng nói là dù tính chất trận đấu không căng thẳng, nhưng cầu thủ hai đội nhiều lúc lại vào bóng quyết liệt khiến trọng tài người Mexico đã rút đến 9 thẻ vàng, riêng hiệp 1 là 7 thẻ (4 cho BĐN). Lo ngại mất người, HLV Dunga buộc phải rút Felipe Melo ra sớm nên tuyến giữa Brazil càng chơi không tốt. Hòa 0-0 bằng thế trận phòng ngự chặt, cả hai đội đều đạt được mục tiêu của mình. Như vậy, Brazil đứng đầu bảng G và nếu vượt qua được đội nhì bảng H ở vòng 2 thì nhiều khả năng sẽ gặp Hà Lan ở tứ kết. Đó sẽ là một trận đấu “chung kết” sớm được chờ đợi.

Chính vì Brazil và BĐN chủ động “bắt tay” nên Bờ Biển Ngà dù rất nỗ lực để thắng CHDCND Triều Tiên 3-0 (do Yaya Toure, Romaric và Kalou ghi), song chiến thắng này không còn ý nghĩa.

Quang Tuyến - Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.