Tại cuộc bỏ phiếu ở đại hội trên, ông Mohannadi - một trong sáu đại biểu của AFC được bầu vào Hội đồng quyền lực nhất của FIFA, tuyên bố khiếu nại có sự ưu ái cho Qatar là không có cơ sở. “Khiếu nại không có căn cứ thực sự. Tôi không biết ông ấy (Chung Mong-gyu) có ý định gì khi nộp đơn khiếu nại này nhưng chúng tôi đã làm việc với họ trong một thời gian dài, với cả Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc”, ông Mohannadi nói sau Đại hội AFC được tổ chức ở một khách sạn sang trọng tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Ông Chung Mong-gyu không còn giữ chức vụ gì trong AFC CHỤP MÀN HÌNH
|
Quan chức bóng đá người Qatar còn nói thêm: “Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với ông Chung và tôi hy vọng rằng điều này sẽ không làm hỏng mối quan hệ giữa hai bên”. Trước đó, sau cuộc bỏ phiếu, Hàn Quốc đã gửi đơn khiếu nại lên ủy ban bầu cử của AFC, cáo buộc Qatar đã đề nghị cử tri của đại hội về một chuyến du lịch miễn phí tới Doha được cho là để “lấy lòng” trong cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, một lời mời tương tự tới Seoul (Hàn Quốc) lại không được chấp nhận.
Theo AFP, việc ông Mohannadi được bầu vào Hội đồng FIFA đã khiến ông Chung mất “suất”. Ông Chung hiện là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc, từng là Phó chủ tịch AFC và được bầu vào Hội đồng FIFA trong năm 2017.
Sau khi gửi đơn khiếu nại, ông Chung - Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, cho biết không mong đợi ủy ban bầu cử sẽ đảo ngược kết quả bỏ phiếu. Khi được hỏi liệu nghi ngờ cuộc bỏ phiếu bầu cử không công bằng, ông Chung nói với AFP rằng: “Vâng, đó là lý do tại sao chúng tôi phàn nàn. Tôi không nghĩ rằng kết quả sẽ bị đảo ngược. Chúng tôi đã bỏ phiếu rồi ... nếu có thể làm được gì thì tôi không biết, tùy thuộc vào ủy ban bầu cử quyết định”.
Ông Mohannadi được bầu vào Hội đồng FIFA và bị nghi là có sự ưu ái AFP
|
Hôm 6.4, Đại hội AFC đã bỏ phiếu bầu các vị trí trong tổ chức cho nhiệm kỳ 2019 - 2023, trong đó ông Sheikh Salman bin Ebrahim al Khalifa được bầu tái đắc cử chức chủ tịch kiêm Phó chủ tịch FIFA.
Thật vậy, nghi ngờ có sự gian lận từ Hàn Quốc không phải không có cơ sở bởi ông Mohannadi (người vẫn giữ chức Phó chủ tịch AFC) từng ra tranh cử chức Chủ tịch AFC lần này. Tuy nhiên, vào phút chót, quan chức bóng đá Qatar cùng ứng viên khác là Mohammed Khalfan Al-Romaithi (UAE) bất ngờ rút lui, dẫn đến ông Sheikh Salman không còn đối thủ trong cuộc bỏ phiếu tranh chiếc ghế quyền lực nhất bóng đá châu Á.
Bình luận (0)