Phía sau cái chết của cầu thủ Morosini

16/04/2012 03:57 GMT+7

Cái chết của tiền vệ Piermario Morosini không những gây bàng hoàng trong lòng bóng đá Ý mà còn là lời cảnh báo về nguy cơ đột quỵ ngày càng gia tăng trên sân cỏ thế giới.

Cái chết của tiền vệ Piermario Morosini không những gây bàng hoàng trong lòng bóng đá Ý mà còn là lời cảnh báo về nguy cơ đột quỵ ngày càng gia tăng trên sân cỏ thế giới.

Xe cảnh sát thành “tội đồ”?

Phút 31, trận đấu trên sân Pescara thuộc giải Serie B hôm 14.4, tiền vệ Morosini của CLB Livorno (được CLB Udinese cho mượn) bất ngờ ngã gục xuống sân do tim ngừng đập. Sau nỗ lực cứu chữa bất thành của đội ngũ y tế tại chỗ, Morosini lập tức được đưa đến Bệnh viện Santo Spirito. Thế nhưng, dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức vẫn không thể giúp Morosini sống lại. Anh đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 25. Hung tin khiến đồng đội, đồng nghiệp và những ai có mặt trên sân Pescara không thể cầm được nước mắt. “Thật không may là cậu ấy đã qua đời trước khi đến bệnh viện”, bác sĩ chuyên khoa tim Edoardo De Blasio nói với tờ Gazzetta dello Sport.

 
Morosini đột quỵ trên sân do bị bệnh tim - Ảnh: Reuters

Trước sự cố trên, Liên đoàn Bóng đá Ý lập tức quyết định hoãn các trận đấu ở Serie A và Serie B diễn ra cuối tuần qua, trong khi Ủy ban Olympic nước này triệu tập các liên đoàn thể thao để làm lễ tưởng nhớ Morosini. Tuy nhiên, ngay sau cái chết của Morosini, một cuộc điều tra được mở ra, trong đó sẽ tập trung vào sự cố một chiếc xe cảnh sát đã cản lối ra vào sân vận động, khiến xe cứu thương bị chậm trễ. Thủ môn Luca Anania của CLB Pescara bức xúc: “Do lối ra vào bị chặn bởi một xe cảnh sát nên buộc lòng mọi người phải phá một cánh cửa nhỏ của sân để đưa Morosini ra xe cứu thương”. Trong khi đó, ông Paloscia, tiến sĩ chuyên về tim mạch, nói với Hãng tin ANSA: “Một phút chậm trễ hay ít hơn trong nỗ lực cấp cứu những trường hợp như thế có thể dập tắt hy vọng sống sót của bệnh nhân”.

Một cuộc đời bi kịch

 

Những cái chết do đột qụy

Marc Vivien Foe (Cameroon - CLB Man.City, năm 2003), Miklos Feher (Hungary - CLB Benfica, 2004), Antonio Puerta (Tây Ban Nha - Sevilla, 2007), Naoki Matsuda (Nhật Bản - Matsumoto Yamaga, 2011)… đều gục ngã trên sân do đột quỵ vì bệnh tim đã để lại nhiều nỗi đau trong lòng bóng đá thế giới. Trường hợp hy hữu nhất là tiền vệ Fabrice Muamba của CLB Bolton trong trận FA Cup ngày 17.3 cũng bị đột quỵ, nhưng sau 78 phút ngừng thở, Muamba đã sống sót một cách kỳ diệu.

Morosini (sinh tại Bergamo và khởi nghiệp ở CLB Atalanta) trải qua quãng đời niên thiếu trong bi kịch gia đình. Mẹ mất khi anh 15 tuổi, thời điểm mà anh được gọi vào tuyển U.17 Ý, sau đó được triệu tập lên tuyển U.21 thi đấu ở giải vô địch châu Âu 2009. Hai năm sau ngày mẹ qua đời, cha anh cũng đột ngột ra đi, rồi người anh trai tàn tật cũng tự vẫn sau đó, chỉ còn lại chị gái - người cũng mang trên thân thể những khuyết tật. Thế nhưng, bi kịch như tiếp thêm nghị lực và ý chí cho Morosini theo đuổi nghiệp bóng đá. “Đó là một nỗi đau lớn của chúng tôi, bởi chúng tôi đã mất đi một tấm gương sáng của cộng đồng bóng đá. Anh ấy xứng đáng đại diện cho niềm đam mê bóng đá cháy bỏng…”, một cầu thủ tuyên bố trên trang web của giải Serie B.

Hôm qua, trên các phương tiện truyền thông, người hâm mộ thế giới đồng loạt kêu gọi các cơ quan đứng đầu thể thao phải lập tức có những biện pháp kiểm tra y tế nghiêm ngặt hơn đối với các VĐV, trong đó đặc biệt là về bệnh tim. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter ngoài việc gửi lời chia buồn đến gia đình và đồng nghiệp của cầu thủ xấu số trên, còn hứa sẽ nhanh chóng tổ chức một cuộc thảo luận với các chuyên gia y tế về bệnh tim nhằm ngăn chặn những sự cố đáng tiếc trên sân cỏ thế giới.

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.