Trở về mái nhà châu Phi

11/06/2010 00:17 GMT+7

Hôm nay, lễ khai mạc World Cup 2010 với chủ đề “Chào đón thế giới trở về nhà” diễn ra trên sân vận động Soccer City ở thành phố Johannesburg.

Cổ động viên hào hứng trước lễ khai mạc - Ảnh: Reuters

Hôm nay, lễ khai mạc World Cup 2010 với chủ đề “Chào đón thế giới trở về nhà” diễn ra trên sân vận động Soccer City ở thành phố Johannesburg.

Hồi hộp đón chờ

Một không khí sôi động, đậm màu sắc châu Phi chính là điều mà những người xây dựng chương trình lễ khai mạc World Cup 2010 muốn mang đến cho khán giả xem trực tiếp trên sân Soccer City cũng như người hâm mộ toàn cầu. Ca khúc Sign of a Victory (Tín hiệu chiến thắng) sẽ đưa người hâm mộ vào không khí sôi sục của mùa lễ hội. Cùng với các ca sĩ R Kelly, Shakira trình bày ca khúc chủ đề là các điệu nhảy dân tộc của châu Phi; các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác ở lục địa đen cũng sẽ tham gia sự kiện này. Lần đầu tiên, khán giả thế giới được thưởng thức lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại châu lục này, vì thế cảm xúc ắt hẳn sẽ rất đặc biệt, rất khó quên.

Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc truyền thông của Ban tổ chức địa phương (LOC) Derek Carstens cho hay chủ đề của buổi lễ khai mạc là “Welcoming the World Home” (Chào đón thế giới trở về nhà). “Tất cả chúng ta đều có DNA của người châu Phi. Vì thế, World Cup lần này là một sự trở về nguồn cội. Cả thế giới cùng trở về nhà”, ông Carstens nói. Có lẽ ý niệm này xuất phát từ lý thuyết khởi tổ của loài người là từ châu Phi. Nhiều nhà khảo cổ học, di truyền học, nhân chủng học và sinh học đã khẳng định loài vượn người xưa nhất xuất hiện ở lục địa đen, sau đó thực hiện các cuộc di cư ra toàn cầu, hình thành nên loài người hôm nay. Chào đón thế giới trở về nhà nằm trong ý niệm đó.

Giới chức Nam Phi cũng muốn qua buổi lễ để đánh bóng hình ảnh đất nước, châu lục, muốn khẳng định với thế giới một vị thế của châu lục đen. “Vào thứ sáu này, tất cả chúng ta sẽ khoác áo thun, mang kèn vuvuzela để chào đón thế giới theo nghi thức trang trọng nhất”, Bộ trưởng Nghệ thuật và Văn hóa Lulu Xingwana nói.

Trong ngày hôm qua, nhiều hoạt động chào mừng World Cup đã diễn ra tại Johannesburg. Buổi hòa nhạc Kick-Off tổ chức trên sân vận động Orlando được truyền hình trực tiếp, thu hút khoảng 1 tỉ người xem trên toàn cầu. Đây cũng là lễ hội hiếm hoi tại World Cup mà chiếc kèn vuvuzela không được phép xuất hiện. Sự ồn ào của tiếng kèn là một nỗi khó chịu với cánh phóng viên, người hâm mộ và cả các cầu thủ. Bạn có thể ù tai một hồi nếu chẳng may ai đó thổi kèn vuvuzela cách bạn 1 mét. Tại nhiều buổi tập và trận giao hữu, vì tiếng kèn quá lớn, các đài truyền hình buộc phải ghi hình riêng và thu thanh riêng.

Một lễ diễn tập cho ngày khai mạc cũng đã diễn ra trên sân Soccer City. Tại khu Soweto, Bộ trưởng Vận tải Sibusiso Ndebele hôm qua đã ấn nút khai trương tuyến tàu điện ngầm mới. Hệ thống tàu điện Gautrain được xây dựng trước hết để phục vụ cho World Cup 2010, và đến nay cơ bản đã đưa vào hoạt động được các tuyến chính, như tuyến từ sân bay OR Tambo về khu Sandton và nối với khu Soweto, nơi có sân Soccer City.

Từ hôm qua, các trường học ở Nam Phi cũng bắt đầu nghỉ một tháng để dành thời gian cho World Cup.

Những nỗi âu lo

Trước trận khai mạc hai ngày, tôi chuyển đến một nơi trọ mới. Đó là khu nhà trọ Football Fan Village ở Parktown, Johannesburg. Đây là một dãy nhà ký túc xá, với giường tầng, nhà tắm, phòng bếp chung. Mỗi phòng chứa khoảng 20 người, gồm cổ động viên từ Anh, Mỹ tới Argentina, Mexico. Trong một khu nhà trọ như thế, không khí luôn vui. Các cổ động viên bóng đá từ khắp năm châu tụ tập hát hò, ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Mọi người coi nhau như bạn bè, bắt tay và cụng ly nhau chan chát. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng lo ngại, đó là an ninh. Ở nơi đây, chẳng ai có thể lường trước việc gì sẽ xảy ra. Khi tôi hỏi Puntura Pedro, một chàng trai gốc Mexico sống ở California (Mỹ), đến cổ vũ đội tuyển xứ xương rồng: “Anh có sợ bị cướp không?”. “Có chứ! Nhưng vì bóng đá, tôi vẫn tới đây. Cẩn thận một chút chắc cũng chẳng sao”, anh đáp.

Vào rạng sáng hôm thứ tư vừa rồi, hai phóng viên Bồ Đào Nha và một đồng nghiệp Tây Ban Nha đã bị cướp tấn công khi đang ngủ trong khách sạn Nutbush Boma ở Magaliesburg. Theo người đứng đầu khách sạn, ông Nick Mauerberger, thì vụ việc xảy ra do sự lơi lỏng của cảnh sát. May mắn là trong hai ngày 9 và 10.6, cảnh sát đã tóm được ba thủ phạm của vụ cướp, thu lại một số tài sản cho các nhà báo. Cảnh sát cũng đã tăng cường lực lượng tới bảo vệ xung quanh khách sạn Nutbush Boma. Chỗ tôi ngụ tại Football Fan Village không phải là khách sạn chuyên dành cho nhà báo, nhưng mỗi ngày cũng có một xe cảnh sát túc trực phía trước, với súng ống, áo chống đạn kín như bưng.

Vụ việc tại khách sạn Nutbush Boma không là cá biệt. Trước đó một ngày, 3 phóng viên Trung Quốc cũng bị cướp máy chụp hình giữa ban ngày tại khu Auckland Park ở trung tâm Johannesburg. Bọn cướp có vũ khí đã tấn công chiếc xe chở 3 phóng viên và cướp đi phương tiện tác nghiệp của họ. Trước đó còn có tin phóng viên đài SBS của Úc cũng bị cướp tại Johannesburg. Kèm theo đó là vụ chặn xe cướp tiền và bắn chết cảnh sát ở khu Soweto hôm 6.6.

Những vụ việc trên cùng với các khuyến cáo của cảnh sát càng làm cho người khác xứ khi tới đây thêm lo ngại. Quả thực, nhìn những ngôi nhà ở trung tâm Johannesburg với lưới dây điện trần giăng xung quanh tường rào cũng đủ cho ta hình dung về những nguy cơ đang rình rập, dù rằng nỗ lực của nước chủ nhà đến nay là rất đáng ghi nhận.

Ngoài ra, một trong những nỗi phiền toái ở Johannesburg trong dịp World Cup là tình trạng cúp điện bất thình lình. Hầu hết các nhà khách, khách sạn đều có khuyến cáo về khả năng thành phố cúp điện mà không thông báo trước. Trên các đường phố, giới chức treo những tấm biển ghi: “Câu trộm điện sẽ giết chết năng lượng thành phố”.

Đỗ Hùng
(từ Johannesburg)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.