Vầng hào quang giả tạo

29/03/2010 09:13 GMT+7

Chính phủ giết chết bóng đá TBN”. Đó là dòng tít chạy dài trên trang nhất tờ Marca vào tháng 11.2009 khi Thủ tướng Zapatero tuyên bố chấm dứt “Luật Beckham”. Năm 2004, chính phủ TBN ban hành đạo luật giảm thuế cho người nước ngoài đến làm việc tại TBN nhằm thu hút nhân tài.

Real Madrid và Barca là hai đội bóng hào nhoáng nhất thế giới nhưng thực ra, họ là những con nợ khổng lồ - Ảnh: AFP

Chính phủ giết chết bóng đá TBN”. Đó là dòng tít chạy dài trên trang nhất tờ Marca vào tháng 11.2009 khi Thủ tướng Zapatero tuyên bố chấm dứt “Luật Beckham”. Năm 2004, chính phủ TBN ban hành đạo luật giảm thuế cho người nước ngoài đến làm việc tại TBN nhằm thu hút nhân tài.

Theo đó, người nước ngoài nào có thu nhập trên 600 ngàn euro/năm chỉ phải đóng thuế ở mức thuế suất 23%. Beckham là một trong những người được hưởng lợi đầu tiên từ luật này nên người ta quen gọi nó là “Luật Beckham”. Nhờ ưu đãi về thuế này nên giải Liga thu hút được nhiều cầu thủ.  

Hủy bỏ “Luật Beckham” nghĩa là mức thuế suất thuế thu nhập trở về 43%. Và theo nhiều người, đây là đòn đánh chí mạng vào nền công nghiệp bóng đá TBN với 85 ngàn chỗ làm và doanh thu hàng năm lên tới 9 tỉ euro.

Mùa hè vừa qua, số tiền các CLB Liga ném vào thị trường mua bán cầu thủ là 455 triệu euro, tăng 72% so với mùa trước, đứng đầu thế giới. Nhưng thực chất số tiền này chỉ là cái mặt nạ che giấu những phiền muộn ở Liga. Mùa trước, dù đoạt cú ăn ba song Barca chỉ lãi có 8,8 triệu euro và đang còn nợ 350 triệu euro. Real Madrid chi 258 triệu euro mua cầu thủ mới song ông chủ tịch Perez chỉ có đủ số đó sau khi mượn 2 ngân hàng thân tín 151 triệu euro. Số nợ của Real hiện đang là 683 triệu euro. Ông Perez khẳng định rằng tiền sẽ đẻ ra tiền khi ông đầu tư mạnh nhưng thực tế khán giả đến sân Bernabeu giảm 7% so với mùa trước, số áo đấu Real bán ra còn thua Chelsea.

Các CLB bóng đá khắp nơi trên đất TBN đều là các con nợ khổng lồ. Valencia nợ hơn 600 triệu euro. Họ đang dùng cách bán bất động sản đi để trả nợ (Real năm 2001 bán sân tập của họ với giá 447 triệu euro cho chính quyền Madrid để lấy tiền trả nợ) nhưng không được vì bất động sản đang đóng băng. Hiện giờ, Valencia có 2 sân: sân cũ thì chưa bán được, sân mới thì không đủ tiền để hoàn thiện nốt. Atletico nợ 300 triệu euro, Depor nợ 120 triệu euro, Mallorca đang tìm người mua lại CLB còn Celta Vigo và Real Sociedad rơi vào vòng quản lý của chính quyền...

“Gắng sức cạnh tranh với Real và Barca chỉ có đi đến chỗ diệt vong. Họ là những thực thể không thể biến mất được”, giám đốc thể thao Monchi của Sevilla nhận xét. Sevilla thành công về tài chính là nhờ chiến thắng trên sân cỏ và lãi từ việc mua bán cầu thủ. Song điều thứ hai đang biến mất vì thị trường không còn sôi nổi nữa, điều đầu tiên chưa chắc họ đã duy trì được, họ vừa sa thải HLV Jimenez vì kết quả thi đấu không tốt.

Theo cựu chủ tịch hiệp hội cầu thủ TBN, các đội bóng ở TBN đang nợ tổng cộng 3,5 tỉ euro từ các nguồn, nợ lương cầu thủ hơn 100 triệu euro. Giải Liga thu hút cầu thủ giỏi nhất thế giới, tuyển TBN là ĐKVĐ châu Âu, Barca đang giữ cúp Champions League... rõ ràng nền bóng đá TBN là lớn nhất nhưng đó chỉ là vầng hào quang giả tạo nếu nhìn vào số nợ trên.

Song nợ thì nợ, các đội bóng tại TBN không dễ “chết” như các đội bóng ở Anh. Các CLB thường dùng quyền lực của cảm xúc như một kiểu tống tiền để tồn tại. Sporting Gijon chẳng hạn, khi đội này đứng bên bờ vực phá sản, chính quyền thành phố Gijon đã bỏ tiền ra trả hết nợ cho đội với lý luận: “Gijon không có Sporting thì không còn là Gijon nữa”.  

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.