Vén màn bí mật FIFA - Kỳ 2: Bố già của các bố già

16/05/2015 00:00 GMT+7

Sang năm, khi Olympic 2016 diễn ra tại Rio de Janeiro, thì một trong những nhân vật quan trọng nhất trong quá trình vận động giúp Brazil trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử đăng cai Olympic mùa hè - tiến sĩ Joao Havelange - sẽ tròn 100 tuổi. Ông cũng từng là “bố già” trong hàng ngũ chóp bu của FIFA.

Sang năm, khi Olympic 2016 diễn ra tại Rio de Janeiro, thì một trong những nhân vật quan trọng nhất trong quá trình vận động giúp Brazil trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử đăng cai Olympic mùa hè - tiến sĩ Joao Havelange - sẽ tròn 100 tuổi. Ông cũng từng là “bố già” trong hàng ngũ chóp bu của FIFA.

Havelange, nhân vật quyền lực và cũng dính líu nhiều vụ “tiền chảy đầy túi” của FIFA - Ảnh: AFP
Hàng loạt vụ tham nhũng
Ông già gân Havelange chỉ mới rời khỏi cương vị trong Ban lãnh đạo IOC hồi năm 2011, và cũng chỉ vừa từ chức Chủ tịch danh dự FIFA hồi năm 2013. Havelange rút lui đâu phải vì tuổi tác. Chẳng qua, ông buộc phải làm thế vì hàng loạt scandal tham nhũng bị phanh phui!
Đấy là khi ông làm Chủ tịch FIFA trong giai đoạn 1974 - 1998 và là thành viên IOC trong giai đoạn 1963 - 2011. Không cần bàn: Havelange (sinh năm 1916) đương nhiên là thành viên IOC lớn tuổi nhất và giữ ghế lâu nhất, cũng chính là Chủ tịch FIFA lớn tuổi nhất và giữ ghế lâu nhất trong lịch sử. Vậy hãy hình dung: câu chuyện sẽ như thế nào nếu chúng ta gắn liền hàng chục năm “làm mưa làm gió” ở vị trí chóp bu của Havelange với tình trạng tham nhũng?
Xin nhắc lại, chỉ là “hình dung” thôi, chứ đâu ai nói 24 năm lèo lái FIFA của Havelange là 24 năm tham nhũng, hối lộ! Dù sao đi nữa, thực tế quả đã có rất nhiều vụ tham nhũng "được khẳng định" chứ chẳng còn là những lời tố cáo vu vơ. Thực tế là Havelange đã không ít lần phải nộp lại tiền, tất nhiên chỉ trong những vụ ông không còn con đường nào khác. Có lúc, Havelange thoát tội đơn giản vì khi sự việc xảy ra tại Thụy Sĩ thì quốc gia này chưa xem "hối lộ thương mại" là một tội. Có lúc, Havelange được hưởng quyền miễn khởi tố dành cho người trên 90 tuổi.
Lịch sử bóng đá thế giới khác nhau như trời và vực trong hai giai đoạn trước và sau khi Havelange chiếm được chiếc ghế chủ tịch FIFA. Đó là vào năm 1974. Trước đó, "bóng đá thế giới" chỉ là bóng đá châu Âu và
Nam Mỹ. Havelange đi khắp châu Á hoặc châu Phi, đến tận các hòn đảo bé tí ở Thái Bình Dương hoặc Caribbe để vận động tranh cử. Với ông thì lá phiếu của quần đảo Cook (dân số chỉ khoảng 15.000) chẳng khác lá phiếu của Anh, Đức hoặc Ý trên bàn họp FIFA. Quá đơn giản. Và Havelange thắng dễ Stanley Rous trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA 1974.
Bắt tay với đại gia
Vấn đề là ở chỗ, Havelange cần có tiền để thực hiện lời hứa đối với hàng trăm quốc gia thuộc thế giới thứ ba trong bóng đá, những nước đã bỏ phiếu cho ông. Havelange phải bắt tay với Horst Dassler. Người ta biết Horst Dassler là con trai của Adolf Dassler, tức người sáng lập hãng Adidas. Nhưng Havelange biết Horst Dassler như một nhân vật khác, quan trọng và cần thiết hơn. Đó là một nhân vật siêu phàm trong lĩnh vực đàm phán, dàn xếp, và thực hiện những việc cần làm khi người ta không thể đàm phán với nhau.
Cái giỏi của Horst Dassler rất giống cái giỏi của "Bố Già" trong tiểu thuyết của Mario Puzo. Một ví dụ nhỏ: chỉ cần một cái búng tay của Dassler thì toàn bộ số giày mà hãng Puma (của người chú ruột) gửi cho VĐV của họ trong một kỳ Olympic có thể "tình cờ" được giao trễ vài ngày so với công việc tương tự của Adidas, ở cùng một kỳ Olympic!
Cặp bài trùng Dassler - Havelange kéo về hàng ngũ FIFA hàng loạt "đại gia" thuộc đủ mọi lĩnh vực: Coca-Cola, Gillette, Seiko, Canon, Camel, JVC, Fuji... từ đó tạo ra cả một thế giới riêng và khép kín của “những ông chủ”. Havelange thành lập Công ty ISL để quản lý tiền bạc do các tập đoàn kinh tế rót vào. Ông lập ra các loại hình U.20 World Cup, U.17 World Cup... vừa để FIFA "tiêu tiền", vừa để làm hài lòng các nước đã bỏ phiếu cho mình. Bản thân giải World Cup sẵn có thì tăng vọt từ 16 đội khi Havelange chiếm ghế Chủ tịch FIFA đến 32 đội khi ông ra đi. Từ một trò chơi đơn thuần, bóng đá trở thành ngành kinh doanh có doanh số khoảng 25 tỉ USD mỗi năm dưới thời Havelange. Và ông giữ mãi cương vị chủ tịch FIFA suốt 24 năm. Havelange phải bằng mọi cách đưa “cánh tay phải” Sepp Blatter lên thế chỗ ông vì không muốn sổ sách FIFA bị đưa ra ánh sáng.
Tiểu ban Đạo đức của IOC đã phải điều tra Havelange về cáo buộc nhận 1 triệu USD trong vụ ISL phá sản và buộc ông từ chức. Một cuộc điều tra cho thấy Havelange và Chủ tịch LĐBĐ Brazil Teixeira đã nhận hối lộ 40 triệu franc Thụy Sĩ trong giai đoạn 1992 - 2000. Ở FIFA, cuộc điều tra tội danh biển thủ nhằm vào Havelange dừng lại vào năm 2010, khi ông đồng ý nộp lại một số tiền lớn. Khó mà liệt kê cho hết những ví dụ như thế. Nhưng Havelange trước tiên là một luật sư cứng cựa. Ông biết những chỗ cần dừng, những chỗ cần lách, những chỗ cần che chắn... Ông vừa điều hành, vừa thách thức cả thế giới bóng đá suốt vài chục năm mà vẫn bình chân như vại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.