10 năm thăng trầm của ĐTLA

16/08/2011 00:48 GMT+7

Khuôn mặt buồn rười rượi của bầu Thắng xuất hiện trên hầu hết các báo ra hôm qua khi Đồng Tâm Long An (ĐTLA) gục ngã trên sân nhà. Đó cũng là dấu chấm hết cho đội bóng một thời lẫy lừng...

Khuôn mặt buồn rười rượi của bầu Thắng xuất hiện trên hầu hết các báo ra hôm qua khi Đồng Tâm Long An (ĐTLA) gục ngã trên sân nhà. Đó cũng là dấu chấm hết cho đội bóng một thời lẫy lừng...

Có chút gì tiếc nuối nhưng cũng không thể không trách khi ĐTLA rơi vào vòng xoáy ngày hôm nay. Từ một đội bóng bản lĩnh với tinh thần mạnh mẽ, luôn là biểu tượng hàng đầu của bóng đá VN về sự trung thực trong thi đấu suốt một thập niên qua, ĐTLA đã trượt dài vì sự yếu kém của chính mình. Sự thiếu đầu tư và xuất hiện không ít bất cập trong quản lý, điều hành đã khiến cựu vô địch bóng đá VN không theo kịp xu thế và đang đánh mất sự tồn tại của mình ở V-League.

ĐTLA từng là một trong 2 biểu tượng của bóng đá VN đầu thập niên 2000 cùng với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Chính hai đội bóng doanh nghiệp này không chỉ đi đầu cả nước trong xu thế tiến lên chuyên nghiệp, mà còn tạo nên thế đối trọng rất hấp dẫn cho V-League trong suốt thời gian dài. Sự quyết liệt trong mỗi lần gặp nhau của họ luôn tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Với quyết tâm làm bóng đá sạch, bầu Thắng đã đi lên từ căn cơ, vừa đào tạo trẻ vừa tìm tòi những tài năng trong bóng tối. Thêm vào đó, việc được HLV Calisto hậu thuẫn, đặt nền móng qua việc xây dựng lối chơi phòng ngự phản công từng một thời làm chao đảo nhiều đội bóng khác, đã giúp ĐTLA đi từng bước vững vàng. Bắt đầu xuất hiện ở mùa bóng 2001-2002 với chức vô địch hạng nhất, chỉ chưa đầy 3 năm sau, thầy trò Calisto đã soán ngôi HAGL (khi đó đầu tư bằng nhiều cầu thủ giỏi với nhiều tuyển thủ QG và bộ ba Thái Lan Kiatisak, Dusit, Tawan) bằng 2 chức vô địch V-League 2005, 2006, vô địch Cúp QG 2005 và Siêu cúp 2006. Chính nhờ được xây dựng trên nền tảng thầy giỏi, tập thể đoàn kết, biết chọn lối chơi phù hợp với khả năng và luôn thể hiện tinh thần chiến đấu cao, ĐTLA dù lực lượng có lúc không mạnh vẫn luôn có vị trí tình cảm xứng đáng trong lòng người hâm mộ cả nước.

Thế nhưng mọi chuyện bắt đầu xấu với ĐTLA khi bầu Thắng để cho HLV Calisto ra đi vào năm 2008. Việc tạo điều kiện cho HLV Calisto lên tuyển QG là động thái thể hiện sự đóng góp tốt của ĐTLA, nhưng đằng sau đó đã hé mở những mâu thuẫn khi chuyên gia người Bồ Đào Nha từng công khai phát biểu ông muốn CLB được tăng cường, được bổ sung cầu thủ tinh nhuệ và phải được đầu tư thỏa đáng để vươn ra tầm xa hơn.


Nỗi buồn của ĐTLA sau trận thua đối mặt với việc xuống hạng chiều 14.8 - Ảnh: Khả Hòa
 

Nhưng điều này lại không phù hợp với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của bầu Thắng. Có lần chính Chủ tịch của ĐTLA tuyên bố ông không bao giờ ném tiền qua cửa sổ bằng việc mua về những cầu thủ VN với số tiền ngất ngưởng mà thực tế phong độ và lối chơi của họ không xứng đáng với giá trị như vậy. Chính vì không chạy theo những “món hàng” trên thương trường bóng đá và cũng rất kỹ lưỡng trong chi tiêu khi kinh tế bắt đầu khó khăn, nên ĐTLA là một trong số ít đội không gây ồn ào nào trên thị trường chuyển nhượng. Ngược lại, số trụ cột từng tạo dựng tên tuổi cùng với đội lại không tránh khỏi tác động bởi những đồng tiền nhảy múa hấp dẫn bên ngoài và để bảo đảm cuộc sống tốt hơn, họ đành phải dứt áo ra đi, như trường hợp của Việt Thắng, Tài Em rồi Minh Phương.

Không còn cầu thủ giỏi làm bệ phóng, không có những tên tuổi đủ sức tạo nên sự chặt chẽ trong lối chơi, không có những động thái đầu tư cho đội bóng khi mất quá nhiều hạt nhân mà chỉ làm theo kiểu cũ là nhặt những gương mặt có phong độ phập phù từ các đội hạng nhất, hạng nhì bổ sung nên ĐTLA trở nên kém cỏi. Nhưng quan trọng hơn hết là sai lầm trong việc thuê HLV ngoại khi chỉ trong một năm mà có đến 5 HLV thay nhau dẫn dắt, khiến ĐTLA quay cuồng với nhiều cách sắp xếp và đấu pháp khác nhau, từ đó đánh mất luôn bản sắc trong cách chơi và hiệu quả trong thi đấu.

Trên lý thuyết, cửa trụ hạng của ĐTLA vẫn còn nếu họ vượt qua Thanh Hóa và hy vọng Hòa Phát hoặc Hải Phòng sẩy chân trên sân nhà ở vòng đấu chót V-League. Nhưng thực tế đó chỉ là cơ hội nhỏ nhoi, nếu không muốn nói là không có khả năng xảy ra vì đối thủ của 2 đội trên sẽ không đá (Khatoco Khánh Hòa đã đủ điểm trụ hạng, còn Hà Nội ACB liệu còn tâm trí để chơi khi đã chính thức xuống hạng).

Do vậy, ĐTLA chỉ có thể kéo dài sự sống của mình ở V-League vài ngày trước khi khép lại 10 năm vinh quang bằng cái kết cay đắng.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.