Bài học nào cho những cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại?

12/02/2019 09:10 GMT+7

Không phải đợi đến thời điểm này, khi bóng đá Việt Nam (VN) đạt được một vị thế mới trên đấu trường quốc tế, làn sóng cầu thủ xuất ngoại mới trở nên rầm rộ. Từ rất nhiều năm trước cũng đã có những nhân vật lĩnh ấn tiên phong, dù chưa để lại quá nhiều ấn tượng đậm nét.

Phát pháo đầu tiên có cả nước mắt, nụ cười

Là cầu thủ đầu tiên của VN và duy nhất của thế hệ vàng ra nước ngoài thi đấu, cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức được CLB Chongqing Lifan - Trung Quốc mời ký hợp đồng năm 2001 khi anh ở thời kỳ hoàng kim. Anh được chiêu mộ theo phương thức “hàng đổi hàng”. Nghĩa là ở tuổi 29, Đức trở thành gương mặt đại diện của thương hiệu xe máy Lifan tại VN, còn tập đoàn này nâng số tiền tài trợ cho đội Công an TP.HCM lên cao hơn so với mùa giải 2000.
Mặc dù là cầu thủ giỏi của VN nhưng khi sang môi trường mới, Huỳnh Đức vẫn bị choáng ngợp, thậm chí bị rơi vào tình trạng “sốc nhiệt”. Anh không hòa nhập được hoàn toàn với CLB mới và chỉ được ra sân 4 lần, ghi vỏn vẹn 1 bàn thắng và cả 4 trận đấu, Đức đều bị thay ra. Anh thừa nhận dù chuyến đi chỉ mang yếu tố thương mại nhưng do thiếu sự chuẩn bị tốt nên nhiều lúc phải “nuốt” nước mắt để thấy mình chưa đủ sức cạnh tranh chỗ đứng ở môi trường chuyên nghiệp.
[VIDEO] VĂN LÂM "BẮN" TIẾNG ANH NHƯ GIÓ TẠI THÁI LAN
Một số sự cố về nghề nghiệp lại khiến cuộc đời cầu thủ của trung vệ Lương Trung Tuấn rẽ sang một lối khác. Sau khi rời HAGL để đầu quân cho Bình Định năm 2004, cựu cầu thủ sinh năm 1975 này đã được sự hỗ trợ đắc lực từ cựu danh thủ Kiatisak để sang Thái Lan thử việc. Chỉ sau 3 buổi tập, anh được ký hợp đồng chơi bóng mùa giải 2005. Trung Tuấn kể lại: “Giai đoạn đó, bóng đá Thái Lan đạt trình độ khá cao so với VN nên để thích ứng được với môi trường mới, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Ý thức tốt, tập chăm chỉ, không vi phạm nội quy của đội trên sân cũng như lúc sinh hoạt đời thường, chủ động giao tiếp thân thiện với các đồng nghiệp mới và còn chịu khó học cả tiếng Thái để dễ nói chuyện hơn. Cầu thủ Thái lúc thi đấu luôn tuân thủ nghiêm ngặt đấu pháp, kỷ luật chiến thuật từ đầu đến cuối. Tôi có chút niềm vui và tự hào vì tuy chỉ chơi 1 năm ở Thái Lan nhưng cũng đóng góp một phần công sức vào top 4 của Cảng Thái Lan tại Thai-League.

Công Vinh từng phải nhận ánh mắt thù hằn

Cựu tiền đạo Lê Công Vinh sở hữu một sự nghiệp đầy hào quang lẫn nước mắt. Anh cũng là cầu thủ đã 2 lần xuất ngoại ở 2 nền bóng đá hoàn toàn khác biệt. Năm 2008, sau khi giành chức vô địch AFF Cup cùng đội tuyển VN, Công Vinh được HLV Calisto giới thiệu đến với CLB Leixoes của Bồ Đào Nha.
Vinh nhớ lại: “Năm 2009, khi sang Bồ Đào Nha, tôi đã bị choáng bởi sự thật rất phũ phàng. Tôi sang 2 tháng không được chuyền bóng, tập lủi thủi một mình dù đã rất cố gắng hòa nhập. Các cầu thủ nhìn tôi theo kiểu không biết tôi sang đây làm gì, thậm chí tôi còn phải nhận cả những ánh mắt thù hằn. Nhờ cắn răng chịu đựng và miệt mài tập, tôi đã dần dần được thay đổi cách đối xử”.
Lần xuất ngoại đầu tiên của Vinh đã không thành công nhưng cũng giúp anh bản lĩnh, dạn dày hơn cho lần xuất ngoại lần thứ 2 năm 2013 với bến đỗ là Nhật Bản. CLB Consadole Sapporo ở J-League 2 đón nhận Vinh bằng tất cả tấm lòng. Từ HLV đến cầu thủ không nhìn anh bằng ánh mắt “mang hình viên đạn” mà dành cho Vinh sự nhiệt tâm, tôn trọng tối đa. Chỉ một thời gian rất ngắn, Công Vinh đã ghi bàn đầu tiên giúp đội nhà thắng 4-1 trước CLB Đại học Hokkaido tại vòng 2 Emperor Cup (Cúp hoàng đế Nhật Bản). Sau 4 tháng chơi khá ổn, lãnh đạo đội bóng đề nghị Vinh ký tiếp hợp đồng 2 năm, nhưng anh từ chối vì cảm thấy còn nhiều điều phải cố gắng để khẳng định giá trị, để được ra sân thường xuyên.
Thời điểm đó, Vinh đã chia sẻ trên trang cá nhân: “4 tháng để hòa nhập ở môi trường mới không phải chuyện đơn giản. Ngày nào cũng vắt kiệt sức để tập. Rồi khác biệt về văn hóa, thời tiết, ngôn ngữ và nhiều vấn đề khác nữa phải học, phải thay đổi cho phù hơp liên tục”. Vinh kết luận trong hoàn cảnh đó được ra sân là mừng rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.