Bóng đá 'tình nghĩa' ở V-League

25/08/2015 06:06 GMT+7

V-League đang vào hồi gay cấn nhất bởi số phận của các đội bóng sẽ được định đoạt ở những lượt đấu cuối. Và thật đáng lo khi nhiều trận đấu đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ban tổ chức giải.

V-League đang vào hồi gay cấn nhất bởi số phận của các đội bóng sẽ được định đoạt ở những lượt đấu cuối. Và thật đáng lo khi nhiều trận đấu đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ban tổ chức giải.

Hàng thủ SLNA chơi vật vờ nhìn Công Phượng (áo trắng) đi bóng như chỗ không người - Ảnh: Minh Trần
Thua vì “thương” đối thủ
Hai ngày trước trận đấu trên sân Pleiku, một vài cầu thủ Sông Lam Nghệ An (SLNA) đưa lên Facebook cá nhân bức ảnh chụp chung với cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong đó có Công Phượng. Ông Nguyễn Hồng Thanh, trưởng đoàn bóng đá SLNA, thừa nhận không thể quản nổi thái độ và hành vi của cầu thủ trên sân cỏ. Ông Thanh nói: “Tôi rất buồn là cầu thủ SLNA đã không đá quyết liệt và máu lửa như tôi mong đợi, chỉ vì họ quá “thương” HAGL sắp rơi vào bờ vực xuống hạng”. Ông Thanh dùng cụm từ lạ: “SLNA đá tích cực trong… hòa bình”. Điều này càng chứng minh một thực tế: Ở SLNA và có thể ở nhiều đội bóng khác, mong muốn chủ quan của lãnh đạo không song hành với suy nghĩ cầu thủ và dẫn đến chuyện đội bóng có thể bị “bán đứng”.
Nhưng đâu phải chỉ có cầu thủ “nằm”, đôi khi chính một động thái bất thường nào đó “thương” đội đang có nguy cơ rớt hạng từ phía lãnh đạo hay BHL cũng gây hình ảnh phản cảm, như chuyện Hải Phòng cất hết 2 ngoại binh tấn công giỏi để rồi tự thua trên sân Cần Thơ.
Tình cho không biếu không
Càng ngày người hâm mộ càng thấy rõ những đội bóng đã đủ điểm an toàn trụ hạng hoặc không còn khả năng vươn lên tranh ngôi thứ cao tự cho phép mình dễ dãi theo kiểu “tình cho không biếu không” ở những vòng cuối. Nghĩa là có thể họ không vì tiền, không vì những móc nối theo kiểu cho điểm đối thủ mùa này để nhận lại mùa sau, mà đơn giản là thấy thích, thấy “thương” hoặc vì một lý do “em ngã chị nâng” nào đó, sẵn sàng chơi không hết sức trong vài trận đấu để tỷ số lệch lạc một cách không đúng khả năng của hai bên.
Với kiểu chơi bóng thiếu tích cực như vậy, rõ ràng người xem không còn hào hứng với V-League, chưa đến sân mà đã biết kết quả sẽ nghiêng về bên nào. Từ vòng 20 đến nay, hầu như vòng nào cũng có ít nhất 1 trận đấu không phản ánh trung thực kết quả, người hâm mộ đành cười xòa “lại cứu nhau rồi”. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, khán giả và nhà tài trợ rồi sẽ quay lưng với giải vô địch quốc gia VN.
Trả lời báo chí, Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc cho biết BTC giải cũng lường trước sẽ có những trận đấu ở vài vòng cuối các đội chơi không đúng sức và BTC đã hợp tác với Cục Cảnh sát hình sự (C45), các đơn vị phòng chống tội phạm trật tự xã hội để hành động một cách âm thầm. Nhưng với bóng đá “tình nghĩa” thì chỉ có con mắt chuyên môn của BTC mới đưa ra phán xét bằng quy chế bóng đá chuyên nghiệp và quy định kỷ luật của VFF. Điều này đòi hỏi dũng khí của BTC chứ không phải ngồi chờ “chứng cứ đâu” rồi mới luận tội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.