Bóng đá Việt Nam có tiềm năng lớn hơn nhiều nước châu Á

10/09/2020 09:10 GMT+7

“Tôi rất may mắn khi được chung một con thuyền với HLV Park Hang-seo cùng Philippe Troussier và tôi sẽ nỗ lực tối đa để hỗ trợ họ, đưa bóng đá Việt Nam tiến lên phía trước, đạt được những giá trị to lớn trong tương lai”, Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Yusuke Adachi nhấn mạnh trong lễ ra mắt ngày 9.9.

“Tôi không phải ảo thuật gia”

Bóng đá Việt Nam từng trải qua hai đời giám đốc kỹ thuật người Đức và lần đầu tiên, VFF ký hợp đồng (thời hạn 3 năm từ tháng 7.2020 - 31.1.2023) với một chuyên gia Nhật Bản. Ông Adachi nhấn mạnh: “Nếu không tin tưởng tôi, có lẽ VFF không thể giao cho tôi nhiệm vụ hết sức khó khăn này. Tôi hiểu giám đốc kỹ thuật là một vị trí rất quan trọng. Và bản thân tôi đã cân nhắc rất kỹ trước khi đảm nhiệm vai trò này. Tôi sẽ cố gắng làm việc với tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm với bóng đá Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ góp một phần nhỏ bé cùng bóng đá Việt Nam để biến những ước mơ thành hiện thực”.

Còn quá sớm để nhận xét, bóng đá VN đang đứng ở vị trí nào của bóng đá thế giới nhưng như tôi vừa khẳng định, bóng đá VN 
có rất nhiều tiềm năng, thậm chí còn lớn hơn nhiều nước châu Á khác

Ông Adachi, Giám đốc kỹ thuật VFF

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: “Cách đây ít ngày, ông đã chia sẻ rằng mục tiêu của ông là giúp bóng đá Việt Nam đánh bại bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc để đứng ở ngôi đầu châu Á, lọt vào top 8 thế giới. Có vẻ như ông chưa quá hiểu về bóng đá Việt Nam nên đã đưa ra cái đích mà ngay đến người Việt Nam như chúng tôi cũng thấy khó trở thành hiện thực”. Ông Adachi trả lời thẳng thắn: “Đánh bại bóng đá Nhật Bản là giấc mơ của tôi. Từng là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, tôi biết rằng bóng đá Nhật Bản đã dành tới 30 năm để phát triển. Trong quá khứ, bóng đá Nhật Bản còn không thắng được Hồng Kông hay Malaysia nhưng nhờ có sự đầu tư đúng đắn, bóng đá Nhật Bản hiện tại đã có thể đánh bại được hầu hết các nước của châu Á. Nếu chúng ta đặt ra một lộ trình thích hợp thì tương lai, bóng đá Việt Nam cũng có thể chạm đến cái đích tốt đẹp nào đó. Có thể, việc thắng bóng đá Nhật Bản trong thời gian ngắn hạn, chúng ta có thể chưa thực hiện được. Nhưng Việt Nam có tiềm năng. Tôi nghĩ 30 năm tới, bóng đá Việt Nam có thể đánh bại được Nhật Bản, tuy không dễ dàng. Tôi không phải là ảo thuật gia. Nhưng với những gì đã và đang có, Việt Nam có thể hiện thực hóa được nhiều kế hoạch lớn lao”.

Cùng tìm ra “đấu pháp” chung

Trong ngày nhậm chức cách đây 3 năm, HLV Park Hang-seo từng đặt kỳ vọng đưa tuyển Việt Nam lọt vào top 100 thế giới và bây giờ đang ở thứ hạng 96 thế giới. Ông Adachi dành cho ông Park những lời có cánh: “Lợi thế cho tôi là sẽ làm việc với hai HLV tài giỏi là Park Hang-seo và Philippe Troussier - người từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản. Ông Park đang làm rất tốt nhiệm vụ với tuyển Việt Nam. Ông cũng hiểu bóng đá Việt Nam hơn tôi. Ông Troussier cũng vậy. Thật tốt khi hợp tác với họ. Chúng tôi sẽ kết hợp để tìm ra “đấu pháp” chung cho việc phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai. Nhưng có lẽ tôi sẽ không chỉ làm việc với hai HLV nước ngoài của Việt Nam mà còn các HLV nội khác nữa. Mục tiêu đầu tiên của tôi là nghiên cứu nền bóng đá Việt Nam. Chúng tôi sẽ gặp các HLV, trao đổi một số thông tin về tình hình bóng đá. Bức tranh tổng thể sẽ đẹp hơn nếu có sự phối hợp nhuần nhuyễn của tất cả các bên, bao gồm cả VFF”.
Ông Adachi tiết lộ: “Đối với tôi, bóng đá là sở thích gần như duy nhất. Nhưng tôi cũng thích đi bộ, xem phim, nghe nhạc. Khi đến VN, tôi rất thích món ăn của VN, đặc biệt là phở. Tôi cũng ăn khá nhiều cá. Ăn ngon nên tôi phải đi bộ nhiều hơn để có vóc dáng tốt”. Ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch VFF, cho biết VFF không có gói hỗ trợ riêng để trả lương cho ông Adachi nhưng nguồn hoạt động chung thì VFF vẫn có đủ để trả lương cho Giám đốc kỹ thuật VFF.
“Ông đã từng làm thầy của nhiều HLV tại Việt Nam như Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức... Theo ông, bóng đá Việt Nam cần khoảng bao nhiêu HLV giỏi và trong lăng kính của ông, yếu tố nào quyết định sự thành bại của một nền bóng đá: đào tạo trẻ, đội tuyển quốc gia, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp...”, Báo Thanh Niên đưa ra câu hỏi khác. Ông Adachi nói: “Theo thống kê, Đức đứng đầu thế giới về số lượng HLV chuyên nghiệp được đào tạo mỗi năm. Tại Nhật Bản, khoảng 80.000 HLV có bằng cấp và khoảng 100 khóa học HLV/năm. Thống kê cũng chỉ là tương đối nhưng nếu nhìn vào dân số của Việt Nam, Nhật Bản - hai nước gần tương đương nhưng ở Việt Nam mỗi năm chỉ có hai khóa học dành cho HLV. Nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của bóng đá thì phải mở thêm nhiều khóa huấn luyện hơn. Tôi xin nhấn mạnh là để có những HLV có chất lượng thì chúng ta cần có những khóa huấn luyện chất lượng dành cho họ”.
Ông Adachi phát biểu tiếp: “Tôi đề cao tất cả yếu tố cấu thành một nền bóng đá mạnh. Thứ nào cũng quan trọng và có giá trị riêng. Nếu thiếu một yếu tố, bóng đá không thể phát triển được. Sẽ khó có một đội tuyển mạnh nếu như không có một chân đế rộng và vững. Ý tôi muốn nói đến cả bóng đá phong trào. Còn quá sớm để nhận xét, bóng đá Việt Nam đang đứng ở vị trí nào của bóng đá thế giới nhưng như tôi vừa khẳng định, bóng đá Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, thậm chí còn lớn hơn nhiều nước châu Á khác. Cầu thủ Việt Nam có kỹ năng, tuy tầm chưa thể bằng cầu thủ thế giới nhưng rất chăm chỉ, cần cù và đoàn kết. Bóng đá Nhật Bản phát triển được cũng chính là thành quả của sự cần cù, chăm chỉ. Tôi không rõ khi nào Bóng đá Việt Nam có thể làm được như vậy, nhưng với đức tính của mình, bóng đá Việt Nam sẽ làm được điều đó, chỉ là sớm hay muộn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.