Các CLB V-League oằn mình với gánh nặng tài chính

19/07/2021 08:04 GMT+7

VPF đề xuất V-League 2021 khép lại vào tháng 3.2022 đang gây nhiều âu lo cho các CLB khi phải chịu thêm gánh nặng tài chính quá lớn, chưa kể những kẽ hở có thể tạo nên những cuộc chiến tương tàn để “cướp quân” của nhau.

Có nên quyết điều mình vẫn mơ hồ ?

V-League 2021 nếu dời sang 12.2.2022 mới thi đấu trở lại sẽ ngắt quãng đến 10 tháng trời, khiến quỹ thời gian dài thêm 6 tháng so với dự kiến. Điều này chắc chắn sẽ mang tới gánh nặng tài chính rất lớn cho các CLB. Tân Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn băn khoăn: “Tôi cho rằng việc giải đến tận tháng 2.2022 mới thi đấu tiếp là không khả thi vì quá nhiều bất cập. Chúng ta phải hiểu quyền lợi giữa đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và các CLB V-League - gần như cùng một cơ thể - phải đồng nhất với nhau.
Đầu tiên, việc kéo dài giải như vậy, với 10 tháng không thi đấu ảnh hưởng rất lớn tới tiền bạc của các CLB. Hợp đồng của các cầu thủ, BHL làm gì kéo dài như thế được, thông thường đến tháng 10 hoặc tháng 12.2021 là hết rồi vì FIFA quy định hợp đồng với cầu thủ phải ghi thời hạn cụ thể mới có hiệu lực. 10 tháng không đá, chỉ để gom quân đá trong vòng 1 tháng trời, vắt ngang sang 2022 sẽ để lại rất nhiều hệ lụy”.
Còn Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho biết: “Thời điểm này đa phần cầu thủ chuẩn bị hết hợp đồng đã đạt thỏa thuận, thậm chí ký hợp đồng với CLB khác rồi. Giả dụ chúng tôi bỏ thêm vài tỉ đồng cho mỗi cầu thủ để giữ chân đến hết tháng 3.2022, nếu họ ra sân đối đầu với chính CLB họ vừa ký hợp đồng thì đá đấm kiểu gì được nữa? Đây là thực tế có thật và sẽ tồn tại rất nhiều ở CLB Đà Nẵng và nhiều CLB chứ không phải cá biệt. Cuối cùng, dường như chúng ta đang cố gắng quyết một điều mơ hồ chính bản thân mình không nắm chắc được. Tôi thấy VPF từng cố gắng đá vào tương lai gần là 31.7, rồi 12.8 mà còn không được thì ai bảo đảm đến tháng 2.2022 sẽ chắc chắn 100% V-League đá được? Các CLB è cổ trả thêm một đống tiền lương, tiền lót tay thỏa thuận thêm rồi đến tháng 2.2022 không thể đá được thì làm sao? Ai dám bảo đảm và chịu trách nhiệm?”.
Các CLB oằn mình với gánh nặng tài chính1

Các CLB sẽ khó kham nổi kinh phí khi mùa giải kéo dài

ẢNH: MINH TRẦN - ĐÔNG NGHI

Có CLB đội kinh phí vượt ngưỡng 100 tỉ đồng

Mối bận tâm của ông Bùi Xuân Hòa là có thật vì thực tế từ trước khi giai đoạn 1 khép lại, nhiều ngôi sao nội và ngoại sắp hết hợp đồng trong năm 2021 đã đạt thỏa thuận với CLB mới cho mùa 2022. Ngân sách các đội đều đã đóng khung nên gánh nặng thêm nhiều tháng nuôi quân có thể đè bẹp một số CLB mỏng tài chính. Giám đốc điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán cho biết: “Nghèo nhất V-League như chúng tôi mà mỗi tháng đã phải chi 1 tỉ đồng tiền lương. Nếu giải kéo dài thêm 5 - 6 tháng CLB lấy đâu tiền lương trả cho các cầu thủ? Lúc đó phương án khả dĩ là thanh lý hợp đồng hoặc giảm lương. Nhưng như thế sẽ rất bất cập và khó giữ quân. Tôi tin rằng nếu V-League 2021 cứ kéo dài không biết ngày mai như thế này thì không chỉ các CLB nghèo mà chính những CLB khá hơn cũng thấm đòn”.
Con số 1 tỉ đồng/tháng của CLB Nam Định là... khiêm tốn, vì nhiều lãnh đạo CLB ở V-League khẳng định: “Tiền lương mỗi tháng của các CLB trung bình khá tại V-League từ 1,7 - 2 tỉ đồng/tháng, không thể thấp hơn!”. Lương một cầu thủ V-League trung bình dao động từ 25 - 40 triệu đồng/tháng kèm lót tay 500 - 800 triệu đồng/năm. Lương các ngôi sao có thể lên đến 40 - 60, thậm chí 70 triệu đồng/tháng, tương ứng tiền lót tay có thể lên đến 3 tỉ đồng/năm và đang ngày một tăng lên. Thế nhưng chưa thấm vào đâu so với lương ngoại binh khi một anh Tây “bèo” đã 7.000/USD tháng kèm lót tay ít nhất 50.000 USD/năm. Ngoại binh xịn thì ít nhất lương phải từ 10.000 - 20.000 USD/tháng và tiền lót tay từ 100.000 - 200.000 USD/năm. V-League 2021 nếu kéo dài thêm 6 tháng đồng nghĩa quỹ lương, lót tay của mỗi CLB sẽ đội lên gấp rưỡi vì hầu hết sẽ phải thương thảo lại hợp đồng để cầu thủ đồng ý đá thêm từ tháng 10.2021 đến hết tháng 3.2022.
Điều này cũng được xác nhận bởi một chủ tịch CLB phía nam, với những dấu hỏi: “Ngân quỹ hoạt động trung bình 80 - 90 tỉ đồng/năm đã bị đội lên rất nhiều, vượt ngưỡng 100 tỉ đồng chỉ riêng trong mùa 2020 khi dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng nặng nề như năm nay. Nếu V-League 2021 kéo dài đến hết tháng 3.2022 thì quỹ chi đội bóng sẽ còn bị đẩy lên khủng khiếp nữa. Đó là chưa kể nguồn tiền quảng cáo, tài trợ kiếm được cũng tạo ra sức ép rất lớn khi gần cả năm trời CLB không thể thi đấu dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của nhà tài trợ. Ở Thai League mỗi CLB trung bình nhận khoảng 20 tỉ đồng tiền bản quyền truyền hình nên cũng đỡ được phần nào thiệt hại do dịch Covid-19, còn tại VN thì gần như con số không. Năm 2020, FIFA có gửi tiền để hỗ trợ cho các liên đoàn bóng đá thành viên và dòng tiền đó đã sử dụng như thế nào? Liệu năm nay FIFA có gửi thêm hỗ trợ không, và liệu các CLB V-League khi chịu thêm gánh nặng nửa năm nuôi quân có được hỗ trợ không?”.

Nguy cơ các CLB đi đêm phá hợp đồng cầu thủ

Ngoài ra, lãnh đạo nhiều CLB cảnh báo việc các CLB phải thương thảo lại hợp đồng với cầu thủ để gia hạn thêm nửa năm có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Ông Bùi Xuân Hòa bày tỏ: “Những cầu thủ giỏi thường hợp đồng sẽ rất rắc rối, đặc biệt là các ngoại binh. Nếu các CLB V-League phải thương thảo lại hợp đồng với các cầu thủ sẽ tạo kẽ hở để nhiều đội lắm tiền nhảy vào phá đám. Nhiều đội bóng đã chốt và đưa trước tiền cho một số cầu thủ ngôi sao hoặc ngoại binh cho mùa 2022 nhưng nay giải kéo dài như vậy thì có nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc. Cầu thủ cũ chưa đi thì sao người mới tới được, trong khi lương và lót tay theo thỏa thuận phải trả từ tháng 10, 11.2021, thậm chí từ tháng 7.2021 để giữ chân họ. Mà cầu thủ cũ giữ lại, gia hạn thêm 6 tháng đồng nghĩa là tiền lương, lót tay đội lên 50% nữa thì CLB cũng... chết! Thêm nữa, không phải ngoại binh hay nào cũng sẵn lòng chờ đến tháng 2.2022 mới đá vì độ chênh thời gian với các giải khác như Thai League, hoặc châu Âu... Tiền lệ V-League khẳng định chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng các CLB lớn, nhiều tiền đi kích động, dụ dỗ các ngôi sao của đối thủ về CLB mình để làm suy yếu thực lực của nhau”.
Lo ngại nhà tài trợ bỏ CLB nếu giải bị hủy
Bên cạnh các ý kiến bày tỏ sự bất an khi giải tạm hoãn đến tháng 2 năm sau, cũng có một vài CLB lo lắng: “Nếu giải hủy ngay bây giờ thì chúng tôi có thể sẽ không được giải ngân nốt số tiền từ nhà tài trợ. Đầu mùa, nhà tài trợ rót 1/3 số tiền trong khoản chi phí vài chục tỉ đồng. Nếu CLB không thỏa mãn một số điều kiện đã ký kết thì không được nhận đầy đủ khoản tiền từ nhà tài trợ. Trong hợp đồng đôi bên cũng có ghi rõ nếu CLB không thực hiện đúng các điều khoản bởi các nguyên nhân khác nhau thì nhà tài trợ có quyền hoặc rút hợp đồng (không tiếp tục tài trợ) hoặc giảm số tiền tài trợ, tùy vào tình hình thực tế. Khoản tiền trả lương cho đội vào thời điểm giải tạm ngưng vào khoảng 8 tỉ đồng nhưng nếu giải bị hủy, chúng tôi có thể bị mất khoảng 20 - 30 tỉ đồng từ nhà đầu tư”.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc VPF, nói với báo chí: “Trong cuộc họp trực tuyến vào đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã hiểu được tâm tư của CLB là nếu không hoàn thành mùa giải, họ có nguy cơ bị nhà tài trợ phạt hoặc phải đền bù hợp đồng”.  Trung Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.