Câu chuyện thấp bé nhẹ cân của Công Phượng trên đất Nhật

15/08/2016 21:24 GMT+7

Thể hình thấp bé của Công Phượng đã là rào cản rất lớn khi anh còn ở Việt Nam. Đến khi sang Nhật, điểm yếu của chân sút sinh năm 1995 càng thêm rõ rệt.

Hành trình nhọc nhằn đến với quả bóng tròn
Sinh ra trong gia đình có 6 người con ở quê nghèo xứ Nghệ, Công Phượng không có đủ điều kiện để phát triển như bao bạn cùng trang lứa khác. Đến năm 9 tuổi, cầu thủ sinh năm 1995 gầy đét như que củi nếu không muốn nói là suy dinh dưỡng.
Đến khi lớn lên, thể hình của Phượng vẫn không khá hơn. Điều đó đã vô tình khiến con đường đến với bóng đá của chân sút Nghệ An trở nên nhọc nhằn.
Năm 2006, Công Phượng bị chính lò đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An từ chối vì quá “mỏng cơm”. Mặc dù trước đó, Phượng đã góp công giúp đội bóng huyện Đô Lương giành 2 cúp vô địch. Không nản lòng, chân sút sinh năm 1995 năn nỉ ba đưa lên Gia Lai thi tuyển để tiếp tục niềm đam mê bóng đá.
Trải qua hơn một tuần ở nơi đất khách quê người, gió mưa, thiếu thốn, Công Phượng trúng tuyển vào Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai bằng chính năng lực của mình.
Thể hình không phải là lợi thế của Công Phượng Minh Tú
Nhưng câu chuyện thể hình của cầu thủ xứ Nghệ vẫn chưa dừng ở đó. Với chiều cao 1m68, Công Phượng không trở nên nổi bật ở hàng công. Cầu thủ sinh năm 1995 không thể tỳ đè, khả năng tranh chấp bóng tay đôi lại càng không. Cái Phượng có là kỹ thuật, là bản năng sát thủ trước khung thành. Điều đó là nên giá trị của cầu thủ xứ Nghệ khi còn ở Việt Nam.
Kém thế trên đất Nhật
Câu chuyện thấp bé nhẹ cân của Phượng vẫn có thể tạm chấp nhận khi ở Việt Nam. Bởi ngoài tiền đạo 1995 thì vẫn còn những cái tên khác thể hình cũng không khá. Nhưng khi sang đến Nhật, đó lại là câu chuyện khác.
Mới đây, Phượng đăng một bức ảnh mới lên trang cá nhân. Cầu thủ Việt Nam đứng cạnh một thủ môn Nhật cao 1m98 nặng 105kg. Người không thiên về chuyên môn, nhìn sơ qua bức ảnh sẽ bật cười vì sự dễ thương của “người tí hon” Công Phượng. Nhưng với những ai nghiên cứu về bóng đá thì lại thấy chua chát thay.
Cầu thủ trẻ Nhật Bản vốn dĩ có thể hình tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. Cứ nhìn vào U.16 nước ta và nước bạn sẽ thấy một trời một vực. Vậy nên, một cầu thủ có vóc dáng như Công Phượng chắc hẳn đã trầy trật rất nhiều ở đất khách nếu muốn bon chen vào đội hình đá chính.
Hình ảnh Phượng đăng lên trang cá nhân Chụp màn hình
May mắn thay, Phượng vẫn có thứ để làm nên thương hiệu, đó chính là kỹ thuật cá nhân và khả năng ghi bàn. Nếu Phượng không tài giỏi, câu chuyện có lẽ đã khác.
Vậy nên, chuyện Phượng hay Xuân Trường, Tuấn Anh ít khi được sử dụng ở Nhật hay Hàn Quốc không còn khó hiểu. Tính riêng chuyện thể hình thì chúng ta đã không thể cạnh tranh. Vậy nên, vấn đề còn lại thuộc về những tuyển trạch viên và đào tạo tài năng trẻ hiện tại. Chỉ mong câu chuyện của 5 năm nữa sẽ hoàn toàn khác đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.