Cầu thủ có bị quá tải ở V-League trước khi lên tuyển quốc gia?

19/03/2021 08:24 GMT+7

Gần như chắc chắn lịch thi đấu V-League 2021 sẽ phải điều chỉnh bởi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã tuyên bố dời thời điểm tổ chức AFC Champions League . Và việc điều chỉnh này có thể sẽ dẫn đến tình trạng quá tải của các tuyển thủ quốc gia.

Giai đoạn 1 V-League sẽ phải kết thúc sớm

Một quan chức Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho hay: “Đến thời điểm này, mặc dù AFC đã quyết định sơ bộ về việc dời lịch thi đấu AFC Champions League khu vực Đông Á có sự tham dự của CLB Viettel, từ cuối tháng 4 sang cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhưng AFC chưa công bố ngày cụ thể. Nhưng VPF đã phải chủ động thiết kế lịch thi đấu dự phòng, nội dung thay đổi đáng kể thời điểm tổ chức của nhiều trận đấu thuộc giai đoạn 1. VPF dự kiến sẽ “thu gọn” 13 vòng của giai đoạn 1 V-League 2021 từ nay cho đến 9 hoặc 10.5, sau đó V-League sẽ nhường sân cho đội tuyển tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Sau khi thi đấu xong giải đấu quan trọng này, các tuyển thủ sẽ từ UAE trở về Việt Nam và những cầu thủ khoác áo CLB Viettel, Hà Nội FC, Sài Gòn FC sẽ chuẩn bị cho các giải đấu châu Á cấp CLB tại AFC Champions League, AFC Cup. Lịch thi đấu quốc nội vừa phải tương thích với lịch thi đấu của FIFA, AFC vừa phải phù hợp với lịch trình các giải đấu quốc tế khác trong năm như vòng loại U.23 châu Á dự kiến vào tháng 10, SEA Games 31 đều tại Việt Nam và AFF Cup”.

Đặng Văn Lâm gặp khó khi Cerezo Osaka có tuyển thủ Hàn Quốc cao 1m93 quá hay

Hiện tại, V-League đã trải qua 4 vòng đấu và nếu theo lịch thi đấu thay đổi (dự kiến sẽ được VPF công bố ngay sau khi AFC Cup công bố lịch thi đấu của AFC Champions League), với 9 vòng còn lại cho đến 10.5, các CLB dự kiến sẽ thi đấu 4 ngày/trận. Khoảng trung tuần tháng 4 (23, 24.4), các đội V-League và hạng nhất sẽ thi đấu vòng loại Cúp quốc gia.
Do điều kiện khách quan (ảnh hưởng dịch Covid-19), thể thức thi đấu của V-League đã buộc phải thay đổi bắt đầu từ mùa 2020 và mùa 2021 vẫn áp dụng chia V-League thành hai giai đoạn 1 và 2 (không phải thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm như mùa 2019 trở về trước). Giai đoạn 1 nhằm xác định top 6, tranh chức vô địch ở giai đoạn 2, top 8 tranh 1,5 suất trụ hạng. Do đó, tính chất các trận đấu của giai đoạn 1 sẽ rất căng thẳng. Mật độ thi đấu dày có thể sẽ là lý do dẫn đến nguy cơ thể lực giảm sút, thậm chí dễ chấn thương của các tuyển thủ khiến họ không thể đạt điểm rơi vào đúng lúc đội tuyển cần.

HLV Park, chưa kịp mừng đã vội lo vì các 'công thần' của tuyển Việt Nam

Dễ bị quá tải, chấn thương

HLV Park Hang-seo dự kiến sẽ triệu tập tuyển Việt Nam ngay sau khi vòng 13 V-League kết thúc và ông cần những con người khỏe mạnh, nhằm chuẩn bị cho các trận quan trọng còn lại của vòng loại World Cup 2022 vào tháng 6. Liệu các học trò của ông có bị rơi vào tình trạng bị vắt kiệt sức, quá tải trong quãng thời gian thi đấu V-League trong suốt 2 tháng trước đó?

Thể lực là vấn đề sống còn

Mới đây, đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải đã thi đấu trở lại vòng 3 V-League sau hai vòng bị chấn thương và giúp Viettel FC ghi bàn.
Ông Park khen ngợi anh nhưng cái cần nữa mà ông nhắn nhủ tới Hải và các học trò khác là đừng để chấn thương tái diễn! Một HLV tại V-League cho biết: “VPF không thể không điều chỉnh lịch thi đấu trong nước. Do đó mong muốn của ông Park cũng là mong muốn của chúng tôi. Thể lực cầu thủ là vấn đề sống còn. Vì thế các đội sẽ phải có sự chuẩn bị kỹ cho từng vòng đấu”.
Khi V-League 2021 tái khởi tranh bằng các trận đấu bù vòng 3, một số tuyển thủ đã có dấu hiệu bị xuống sức khi trận đấu diễn ra căng thẳng. Ví dụ ở trận HAGL tiếp Bình Định trên sân nhà Pleiku, Tuấn Anh chơi cực tốt, điều tiết nhịp độ và lối chơi của HAGL nhưng đến phút 72, Tuấn Anh đã bị thay ra do thể lực đi xuống. Và đây cũng là một trong những lý do khiến HAGL càng về cuối trận càng đuối - dù vẫn thắng chung cuộc.

Quang Hải tệp tễnh xuống sân chúc mừng đồng đội, HLV Park thêm lo lắng

Nên nhớ rằng, Tuấn Anh là cầu thủ nội có tiền sử chấn thương “dày đặc” đến mức đôi chân khéo léo của anh được đi kèm với chữ mà không cầu thủ nào muốn - đôi chân “pha lê”. Tuấn Anh mới trở lại đội tuyển cách đây hơn 1 năm sau thời gian dài bị chấn thương và tại các trận vòng loại World Cup 2022 thi đấu năm 2019, Tuấn Anh đã chơi cực kỳ ấn tượng. Bởi thế, anh là một nhân vật mà ông Park rất cần cho chặng đường còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup. Ông Park chắc hẳn muốn giữ gìn đôi chân của Tuấn Anh (cũng như bất kỳ cầu thủ nào khác) hơn ai hết. Mới chỉ 1 trận tại V-League mà Tuấn Anh đã bị thay ra vì sức yếu, thử hỏi không lo lắng sao được khi sắp tới anh còn phải thi đấu liên tục?
Trở lại câu chuyện xa hơn. Tại SEA Games 30, Quang Hải cũng không thể chơi đến hết giải khi dính chấn thương ngay vòng bảng. Hải bị chấn thương do quá tải, và dư âm của chấn thương còn kéo dài đến tận vòng chung kết U.23 châu Á vào tháng 1.2020, khi U.23 Việt Nam sớm bị loại, không bảo vệ được ngôi á quân. Báo chí châu Á lúc đó còn viết về Hải: “Anh từng tỏa sáng tại U.23 châu Á 2018 với 5 bàn thắng quan trọng và đẹp mắt. Song ở giải đấu năm nay, tiền vệ sinh năm 1997 không có pha làm bàn cũng như không có đường kiến tạo nào”. Nguyên nhân phong độ không cao của Hải cũng xuất phát từ tình trạng quá tải. Với V-League 2021 đang diễn ra, ở vòng 4 hôm qua, anh tiếp tục không được đăng ký thi đấu do chấn thương. Nếu Hải kịp hồi phục để sớm trở lại từ vòng 5 hoặc vòng 6, liệu anh có đảm bảo thể lực tốt nhất trước khi lên tuyển sau gần 2 tháng tới? Cũng như HAGL, HLV Kiatisak cần phải giải quyết bài toán thể lực cho các học trò, ở đội Hà Nội, HLV Chu Đình Nghiêm và bác sĩ thể lực người Hàn Quốc phải tính toán việc sử dụng lực lượng sao cho cầu thủ của mình có thể đi được chặng đường dài. CLB bị tổn thất cầu thủ giỏi, cũng có nghĩa đội tuyển sẽ thiếu hụt nhân sự giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.