Chia chác huy chương SEA Games

06/09/2013 03:30 GMT+7

Việt Nam và một số nước trong khu vực, vì nhiều lý do khác nhau, đã chấp nhận việc nước chủ nhà Myanmar khống chế số lượng huy chương ở một số môn tại SEA Games 27.

Việt Nam và một số nước trong khu vực, vì nhiều lý do khác nhau, đã chấp nhận việc nước chủ nhà Myanmar khống chế số lượng huy chương ở một số môn tại SEA Games 27

Một quan chức của ngành thể thao đã kể lại rằng, cuối năm ngoái, trong cuộc họp sơ bộ của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, Myanmar cho biết môn nào mà chủ nhà không đoạt ít nhất 1/5 tổng số HCV của môn đó thì sẽ không tổ chức. Myanmar còn chủ động đề nghị nếu muốn họ tổ chức những môn là thế mạnh của các nước (nhưng vốn không phải sở trường của chủ nhà) thì nên giúp Myanmar có huy chương. Vì thế, tại cuộc họp hội đồng mới đây, hoàn toàn không bất ngờ khi Myanmar một lần nữa yêu cầu VN nhường cho họ 7 HCV môn vovinam.

Chia chác huy chương SEA Games
Thể dục dụng cụ là môn Olympic bị loại khỏi SEA Games chỉ vì Myanmar không có khả năng tranh chấp huy chương - Ảnh: Khả Hòa

Chưa hết, cũng theo quan chức nói trên, Myanmar đã đưa vào nhiều môn thế mạnh của mình (dự tính nước này sẽ đoạt ít nhất khoảng 20 - 30 HCV), trong đó có nhiều môn như cờ truyền thống mà các nước hầu như không chơi. Ở một số môn thuộc Olympic, đáng tiếc nhất khi Myanmar gạt bỏ môn bơi cự ly 50 m ngửa mà tài năng trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên không có đối thủ. Myanmar đã bỏ đấu kiếm, thể dục dụng cụ. Môn boxing cũng bị hủy một vài hạng cân thế mạnh của VN. Ở môn vật, Myanmar cũng không đồng ý cho VN đăng ký hai hạng cân lớn (ở cả vật cổ điển, vật tự do). Hay như bi sắt, Myanmar đề nghị Thái Lan, Lào, VN, Campuchia giúp Myanmar có thể đoạt HCV ở cả đơn nam, đơn nữ. “Nhiều môn đã “xong xuôi” hết cả rồi. Ví dụ như pencak silat, muay… Cứ giao kèo hay “đàm phán”, thỏa thuận trước, thì làm sao được coi là thể thao chân chính”, quan chức này đã thốt lên như vậy. 

Tạo điều kiện chứ không phải phân chia ?

 

Myanmar cho biết môn nào mà chủ nhà không đoạt ít nhất 1/5 tổng số HCV của môn đó thì sẽ không tổ chức

Ở một góc nhìn khác, ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN nói: “Có sự khác nhau về điều lệ của Olympic với SEA Games - Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á. Do một số nước trong khu vực còn chưa phát triển về thể thao mà các nước mạnh phải giúp đỡ. Sự “nhường nhịn” huy chương chỉ thường xảy ra ở một số môn ở một vài kỳ SEA Games. Có sự ưu tiên nhất định dành riêng cho nước chủ nhà khi các nước đồng ý không cử VĐV mạnh sang tham dự. Nhưng không có chuyện phân chia huy chương mà chỉ là tạo điều kiện cho một số môn chưa phát triển rộng rãi có cơ hội xuất hiện tại đại hội. VN muốn phát triển môn vovinam nên đã đề nghị Myanmar tổ chức môn này và cần có cách làm riêng là nên tạo điều kiện cho chủ nhà có thành tích. Tạo điều kiện chứ không phải phân chia sẵn huy chương vì các VĐV Myanmar có thực tài và họ cũng đã sang VN tập huấn”.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng nhìn nhận, một số nước chủ nhà thường khống chế số lượng HCV tối đa của các nước mạnh. Hơn nữa do trình độ phát triển thể thao của khu vực chưa đồng đều và nếu chỉ tổ chức các môn Olympic thì các nước như Lào, Campuchia, Đông Timor, Brunei khó có thể theo kịp nên phải đưa vài môn “đặc thù” trong khu vực vào. Quan chức của Tổng cục cho hay, sự đa dạng về văn hóa là một đặc điểm của Đông Nam Á và các nước luôn muốn quảng bá rộng rãi, trong đó VN muốn quảng bá vovinam, đá cầu… Myanmar đã chấp nhận đăng cai môn võ này của VN thì VN không thể giành hết số HCV và phải có sự khống chế mà VN phải chấp nhận!

Lan Phương

>> Điền kinh VN đặt mục tiêu đoạt 12 HCV SEA Games 27
>> Quý Phước gặp thử thách lớn tại SEA Games 27
>> U.23 Thái Lan lại đối mặt nguy cơ vắng mặt ở SEA Games 27
>> Thể thao Thái Lan 'nổi loạn' trước thềm SEA Games 27

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.