CLB ở V-League cắn răng chịu đựng khi cầu thủ chấn thương

22/09/2015 16:22 GMT+7

(TNO) Từ chấn thương của cầu thủ Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải (SLNA) cho thấy, vấn đề bảo hiểm cho cầu thủ ở bóng đá Việt Nam thật nan giải.

(TNO) Từ chấn thương của cầu thủ Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải (SLNA) cho thấy, vấn đề bảo hiểm cho cầu thủ ở bóng đá Việt Nam thật nan giải.

Dự đoán chi phí chữa trị cho chấn thương chân của Anh Khoa hơn 1 tỉ đồng - Ảnh: Đông Nghi
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận ra rằng, từ trước đến nay, khi cầu thủ không may bị chấn thương thì CLB chủ quản phải lo toàn bộ chi phí chữa chạy chứ không quan tâm đến vấn đề bảo hiểm, điều này khiến gánh nặng kinh tế của các CLB càng nặng hơn, bởi một mùa giải có khi phải chi thêm tiền tỉ để chữa trị cho cầu thủ.

Trao đổi với chúng tôi ông Võ Thành Nhiệm - Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An nói: “Chúng tôi chỉ mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho cầu thủ theo đúng luật lao động. Nếu không may cầu thủ gặp chấn thương thì CLB phải tự chi trả chi phí chữa trị. Điều này có hơi bất cập nhưng nếu mua các loại bảo hiểm khác thì chi phí rất cao, CLB chưa kham nỗi. 

Ngoài ra, cầu thủ thi đấu không ổn định, nay đá mai đòi chuyển nhượng nên Đồng Tâm Long An chưa tính đến chuyện mua thêm các loại bảo hiểm khác. Dù vậy, bất cứ cầu thủ nào của đội dính chấn thương chúng tôi đều chạy chữa đến nơi đến chốn như Tài Em, Hoàng Lâm… Có trường hợp như Đình Hiệp, ngày mai hết hợp đồng nhưng hôm nay bị đứt dây chằng, Đồng Tâm Long An cũng bỏ tiền chữa cho Hiệp khỏi hẳn rồi mới thanh lý hợp đồng”.

Trưởng đoàn CLB Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Tấn Anh thì bày tỏ: “Tôi chưa thấy các công ty bảo hiểm tại Việt Nam chào mời các gói bảo hiểm thân thể cầu thủ. Nếu có chúng tôi cũng nghiên cứu và sẽ tham gia vì dù giá mua bảo hiểm sẽ rất cao, nhưng CLB sẽ yên tâm khi cầu thủ của mình không may bị chấn thương. Như trường hợp của Tuấn Anh, Bùi Xuân Hiếu, Hoàng Anh Gia Lai phải chi một khoản tiền rất lớn để chữa trị cho họ. Nếu như có bảo hiểm, chúng tôi sẽ khỏe hơn nhiều”.
Tuấn Anh (áo trắng, HAGL) từng gặp chấn thương cả 2 chân - Ảnh: Minh Trần
Tại Sanna Khánh Hòa, CLB mua cho cầu thủ 2 gói bảo hiểm là bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, những gói bảo hiểm này chủ yếu cho những trường hợp bệnh thông thường như ốm sốt, sổ mũi. Khi chấn thương nặng như gãy tay gãy chân, bị đau gối… CLB phải xử lý theo cách khác.

Nguyên kế toán của CLB Sanna Khánh Hòa, ông Tuấn Anh cho biết: “Trong những trường hợp này, các gói bảo hiểm đều không dùng được. CLB biết như thế sẽ thiệt thòi về tài chính nhưng biết làm sao được, cầu thủ người ta cống hiến cho mình mà bị đau, nên CLB sẽ đứng ra chi trả hết”.

Trường hợp của Sanna Khánh Hòa có thể xem là tiêu biểu cho các đội bóng ở V-League. Ví dụ như Đồng Nai, họ có mua bảo hiểm tai nạn trong thi đấu cho cầu thủ. Nhưng từ kinh nghiệm bản thân, họ không mua gói bảo hiểm đắt tiền bởi nói như lãnh đạo CLB thì “chờ thanh toán bảo hiểm tai nạn cũng nhiêu khê lắm!”. 

Còn như ở CLB XSKT.Cần Thơ, thậm chí còn không mua bảo hiểm. Phó chủ tịch CLB ông Trần Minh Tâm cho biết: “Chúng tôi không mua bảo hiểm cho cầu thủ. Còn bản thân họ ai muốn mua thì tự mua. Nhưng tôi từng nghe câu chuyện Công Vinh mua bảo hiểm cho đôi chân của mình nhưng kết quả là thế nào?

Thay vì bỏ tiền ra mua bảo hiểm rồi lại nhiêu khê, chúng tôi xác định là lấy tiền đó để chữa trị cho cầu thủ. XSKT.Cần Thơ xác định sẽ có trách nhiệm với mọi chấn thương của cầu thủ. Không chỉ là đang còn hợp đồng mà nếu cầu thủ đã hết hợp đồng nhưng từng bị đau khi đá cho CLB thì chúng tôi cũng sẽ lo hết. CLB Không để cầu thủ phải chi một xu nào hết!”.
Bóng đá là môn thường xảy ra va chạm, rất dễ dẫn đến chấn thương - Ảnh: Minh Trần
Chúng tôi đưa vấn đề này đến lãnh đạo CLB SHB.Đà Nẵng - nơi có cầu thủ Trần Anh Khoa đang chờ ngày sang Singapore điều trị chấn thương chân nghiêm trọng sau cú vào bóng của Quế Ngọc Hải ở vòng 25 V-League 2015, giám đốc điều hành Bùi Xuân Hòa nói: "Là CLB chuyên nghiệp, chúng tôi rất ý thức được việc phải bảo vệ đôi chân cầu thủ của ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với chính cầu thủ đó cũng như cho chính CLB. 

Khi cầu thủ chấn thương, cuộc sống của anh ta không những bị xáo trộn mà ngay việc tập luyện, thi đấu của CLB cũng bị ảnh hưởng lớn. Cũng vì thế mà lãnh đạo CLB cũng đã có kế hoạch mua bảo hiểm đôi chân cho cầu thủ từ lâu.

Nhưng kế hoạch và dự định là một chuyện, thực tế có thực hiện không có khi lại nằm kiểm soát của chính chúng tôi. Tại sao vậy, lãnh đạo CLB SHB.Đà Nẵng đã từng đến một số công ty bảo hiểm tại Việt Nam và đề nghị mua gói bảo hiểm đôi chân. Nhưng không một công ty nào bán cả vì trong danh sách các trường hợp được mua bảo hiểm của các công ty làm gì có gói bảo hiểm dành cho thể thao.

Chính vì vậy mà mỗi khi cầu thủ SHB.Đà Nẵng bị chấn thương, CLB luôn phải tự chi trả toàn bộ. Mà mỗi ca đưa ra nước ngoài phẫu thuật, tốn khoảng 20.000 đến 30.000 USD.

Với trường hợp của Anh Khoa, đến thời điểm này cũng chưa biết rõ mức độ nghiêm trọng thật sự như thế nào vì chúng tôi chưa nhận được tư vấn từ phía bệnh viện Singapore. Do đó cũng chưa thể biết chi phí sẽ vào khoảng bao nhiêu. Tuy quyết định kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam yêu cầu Quế Ngọc Hải phải chi trả toàn bộ nhưng chúng tôi chưa nghĩ đến việc này. Dù sao Anh Khoa cũng là cầu thủ của SHB.Đà Nẵng, ai lại ép "thằng bé con" đến mức ấy".
Ông Doãn Văn Phương - Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa: "Do tính chất của các trận đấu ở giải V-League hiện nay khá quyết liệt, những va chạm giữa cầu thủ hai đội trên sân nhiều khi dẫn tới chấn thương rất nặng cho các cầu thủ. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các cầu thủ cũng như hạn chế thiệt hại trong trường hợp cầu thủ bị chấn thương, ngay từ khi nắm đội bóng, Tập đoàn FLC đã rất quan tâm đến việc mua bảo hiểm cho các cầu thủ.
Trong mùa giải tới, tất cả các cầu thủ của CLB FLC Thanh Hóa sẽ được mua bảo hiểm thân thể, nếu nói là CLB mua bảo hiểm đôi chân cho các cầu thủ cũng được. Đơn giản, bởi các cầu thủ cũng là người lao động và họ phải được bảo vệ, hạn chế những thiệt hại do rủi ro có thể xảy ra trong quá trình luyện tập, thi đấu

Những cầu thủ trụ cột ở CLB, cũng như những cầu thủ chất lượng, có mức phí chuyển nhượng cao mà CLB sẽ ký hợp đồng trong tương lai, lãnh đạo CLB sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có những mức hợp đồng bảo hiểm đôi chân tương ứng".

Ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành SLNA: "Lâu nay, SLNA không mua bảo hiểm đôi chân cho cầu thủ của CLB vì bảo hiểm này rất đắt tiền. SLNA thường khó khăn về tài chính nên hàng năm dù muốn bảo vệ cho cầu thủ nhưng không có tiền để mua loại bảo hiểm này. Cầu thủ chỉ được mua bảo hiểm y tế thông thường và quyền lợi được hưởng rất hạn chế khi bị chấn thương. Bảo hiểm đôi chân là vấn đề mà chúng tôi trăn trở từ lâu nhưng chưa có điều kiện để thực hiện được".

Ông Phạm Thanh Hùng - chủ tịch CLB Than Quảng Ninh: "Khi tiếp quản đội bóng từ người tiền nhiệm, tôi không thấy có vấn đề liên quan tới mua bảo hiểm đôi chân cho các cầu thủ. Ngoài việc mua bảo hiểm thân thể cho toàn bộ đội bóng theo đúng quy chế và luật lao động hiện hành, bản thân tôi cũng chưa tính tới chuyện này trong mùa giải vừa qua.

Sắp tới, lãnh đạo đội sẽ có những cải tổ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cầu thủ để họ yên tâm cống hiến cho đội bóng. Trong đó có cả những vấn đề tương tự như trên. Tất nhiên, các cầu thủ nếu muốn mua bảo hiểm đôi chân thì phải đề đạt để chúng tôi bàn bạc và có phương án thích hợp. Nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có cầu thủ nào bày tỏ nguyện vọng. 

Ông Nguyễn Quốc Hội - chủ tịch CLB Hà Nội T&T: "CLB mới chỉ mua bảo hiểm y tế chứ không tổ chức mua bảo hiểm đôi chân cho các cầu thủ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.