Công Vinh: 'Nên pháp lý hóa bảo hiểm cho cầu thủ bằng hợp đồng'

23/09/2015 10:27 GMT+7

(TNO) Công Vinh là mẫu cầu thủ mẫu mực của làng bóng đá Việt Nam không chỉ về thái độ tập luyện, thi đấu mà còn ở cách anh 'ứng xử' rất chuyên nghiệp với chính… đôi chân của mình.

(TNO) Công Vinh là mẫu cầu thủ mẫu mực của làng bóng đá Việt Nam không chỉ về thái độ tập luyện, thi đấu mà còn ở cách anh 'ứng xử' rất chuyên nghiệp với chính… đôi chân của mình.

Công Vinh (áo đỏ) được xem là cầu thủ Việt Nam duy nhất tự bỏ tiền túi mua bảo hiểm cho đôi chân của mình - Ảnh: Khả Hòa
Cho đến thời điểm này, Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam duy nhất (thậm chí còn là VĐV Việt Nam duy nhất) tự bỏ tiền túi mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm đôi chân). Được biết, số tiền này không ít, có thể lên tới vài tỉ đồng. Công Vinh đã chia sẻ những quan điểm xung quanh việc một cầu thủ nên như thế nào để bảo vệ chính mình.

Vinh nói: “Cầu thủ bóng đá là một nghề nghiệp đặc biệt và sự nghiệp được tạo dựng từ chính đôi chân. Vì thế, bản thân cầu thủ phải có ý thức tự bảo vệ thứ “tài sản” quý giá mà mình đang có. Một trong những cách bảo vệ, không chỉ là mua bảo hiểm mà cần có một bản hợp đồng chặt chẽ với CLB chủ quản”.

* Xin anh trình bày rõ hơn về vấn đề này!

Cầu thủ Công Vinh: Ở Việt Nam, có hai dạng hợp đồng giữa cầu thủ và CLB. Thứ nhất là cầu thủ trẻ do CLB đó đào tạo từ nhỏ (10 tuổi) đến năm 18 tuổi. Sau đó, cầu thủ này có nghĩa vụ thi đấu cho CLB đã có công đào tạo mình đến trong vòng 7 năm (trước đây 5 năm, và mới nâng lên 7). Trong suốt thời gian này, ở bản hợp đồng, cầu thủ không có quyền đòi hỏi điều gì ở CLB cả mà phải chấp nhận mọi điều khoản do CLB đưa ra. Khi bị chấn thương lúc tập luyện hay thi đấu, sẽ được CLB sẽ chi trả tủy theo mức độ nặng nhẹ nhưng chỉ được điều trị trong nước mà thôi.  

Nhưng sau 25 tuổi (trước đây 23 tuổi), sau thời gian cống hiến cho CLB đã nuôi mình từ nhỏ, cầu thủ chính thức được coi là cầu thủ chuyên nghiệp, có quyền được đàm phán với CLB mà mình muốn khoác áo.

Thông thường, các CLB tại Việt Nam chỉ sẽ chỉ đưa ra điều khoản là điều trị trong nước nếu cầu thủ bị chấn thương nặng. Khi khi tiến hành đàm phán, cầu thủ phải nêu ra chính kiến và đề nghị thiết thực là: Trong trường hợp bị chấn thương nặng sẽ phải được đưa ra nước ngoài điều trị và CLB sẽ chi trả toàn bộ số tiền đó. Không chấp nhận chữa trị trong nước. Nếu hai bên thống nhất thì mới ký hợp đồng và cứ chiểu theo mọi quy định trong bản hợp đồng đó để thi hành, sẽ tránh được các rắc rối sau này.

Những năm trước đây, do thương thảo rất kỹ với Hà Nội T&T ngay từ đầu nên khi tôi chấn thương, CLB đã đưa tôi sang Bồ Đào Nha mổ dây chằng và khoản tiền 1,2 tỉ đều do Hà Nội T&T chi trả, chưa kể tiền ăn ở khách sạn.
Công Vinh (trái) luôn ý thức rất chuyên nghiệp về nghề cầu thủ - Ảnh: Khả Hòa
* Anh có nắm được bao nhiêu phần trăm cầu thủ ở Việt Nam khi đàm phán đã đưa ra yêu cầu được điều trị chấn thương ở nước ngoài?

Cầu thủ Công Vinh: Tôi không biết chính xác vì hợp đồng luôn là vấn đề được bảo mật. Nhưng tôi nghĩ rằng một số CLB lớn ở Việt Nam rất trân trọng đôi chân cầu thủ. Kể cả trong trường hợp trong hợp đồng không có điều khoản đó, họ vẫn tình cảm, tạo điều kiện tốt nhất đưa cầu thủ bị chấn thương nặng ra nước ngoài.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là cầu thủ nên “pháp lý” hóa mọi yêu cầu của mình bằng hợp đồng. Giải quyết bằng tình cảm tính sau. Nên chủ động đề nghị những điều mà mình cảm thấy cần thiết cho sự nghiệp. Muốn thế cầu thủ phải am hiểu luật, am hiểu các quy định có liên quan đến nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi tối đa cho chính mình. Tôi cho rằng, sự đòi hỏi được điều trị ở nước ngoài chính là một cách để tránh rủi ro cho bản thân.

* Khá nhiều cầu thủ ở Việt Nam nói với chúng tôi rằng, họ chỉ mới biết đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và cảm thấy xa lạ với bảo hiểm thân thể!

Cầu thủ Công Vinh: Ở giải Ngoại hạng Anh, cầu thủ luôn có bằng cử nhân hay bằng đại học và họ luôn hiểu được giá trị bản thân mình, giá trị thương hiệu do đôi chân mình tạo ra. Cũng ở Anh hay các nước khác, cầu thủ có manager (người quản lý) đứng ra lo liệu mọi thứ cho cầu thủ, kể cả khi cầu thủ không “hạnh phúc” với một CLB nào đó và muốn đi CLB khác. Ở các nước, còn có có Hiệp hội cầu thủ - là nơi đứng lên đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ. Nhưng tại Việt Nam, chưa hề có khái niệm manager hay Hiệp hội cầu thủ.

Vì thế, cầu thủ phải tự có ý thức nghề nghiệp, phải hiểu biết và nắm được những điều cơ bản nhất trong đàm phán hợp đồng. Tự tạo cho mình hành trang tốt về văn hóa nữa, ngoài vấn đề thuộc về chuyên môn. Đó cũng là một cách “bảo hiểm” tự thân hữu hiệu nhất.

Nhưng có lẽ, cầu thủ phải bảo vệ lẫn nhau. Nếu tránh được những pha va chạm thô bạo thì tốt hơn cho chính mình và cho đồng nghiệp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.