Bản quyền truyền hình hiển nhiên đang là miếng bánh ngọt vô cùng béo bở đối với các giải bóng đá trên toàn thế giới. Và nhờ những khoản tiền khổng lồ ấy mà những đội bóng từ trung bình đến khá hoàn toàn có thể mơ mộng tạo nên một bước ngoặt đổi đời. Thế nhưng, các đội bóng V-League lại đang đi ngược với xu thế ấy.
Trông Ngoại hạng Anh, ngẫm buồn với V-League
Bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam đã thuộc về K+ - Ảnh: Reuters
|
Câu chuyện bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam cuối cùng cũng đi đến hồi kết khi K+ tuyên bố sở hữu thành công bản quyền phát sóng giải đấu được xem là hấp dẫn nhất hành tinh trong vòng 3 mùa giải (từ 2016 - 2019). Một cái kết có lẽ được xem là lợi đủ đường với tất cả các bên liên quan. Nhà đài K+ tiếp tục giữ được vũ khí sống còn trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đối thủ khác ở Việt Nam. Người hâm mộ tiếp tục có cơ hội được thưởng thức "món ăn" vốn đã song hành xuyên suốt 2 thập kỷ. "Gã môi giới" MP&Silva dù ít dù nhiều cũng có lãi. Và sâu xa hơn nữa, giải Ngoại hạng Anh nói chung và 20 CLB thi đấu ở hạng đấu cao nhất xứ sương mù tiếp tục thu về những khoản tiền béo bở.
Không phải tự dưng các CLB tại giải hạng Nhất nước Anh lại cố sống cố chết để giành tấm vé thăng hạng Premier League. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên những người hâm mộ Aston Villa thất thần thì chứng kiến đội bóng của họ lần đầu tiên trong lịch sử 24 năm Premier League phải nói lời chia tay bởi bên cạnh vấn đề chuyên môn hay danh dự là cả một bài toán khổng lồ về kinh tế. Giá trị bản quyền truyền hình tại giải Ngoại hạng Anh tăng phi mã từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Và với tổng thu từ miếng bánh béo bở này trong giai đoạn 2016-2019 được dự đoán ở mức 5,136 tỉ bảng thì so với giai đoạn khởi điểm từ 1992 - 1997, giá trị của nó đã tăng gấp 27 lần. Chỉ so sánh với giai đoạn 3 năm gần đây, số tiền bản quyền truyền hình của 3 năm tới đây cũng đã tăng hơn 71%, với mỗi trận đấu sắp tới sẽ có giá trị lên tới 10,19 triệu bảng.
Lợi nhuận bản quyền truyền hình được phân định rạch ròi giữa nhà đài trong nước và các nguồn thu từ nhà đài trên toàn thế giới. Và thống kê từ Totalsportek cho hay, mùa trước đội đứng cuối cùng của Ngoại hạng Anh cũng thu về tới 97 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình. Trong khi đội vô địch là 146 triệu bảng. Một con số khổng lồ, đủ để các CLB đổi đời và đủ sức giữ chân những cầu thủ tốt nhất khi góp mặt ở giải Ngoại hạng Anh. Đó cũng là lý do mà vì sao những đội bóng trung bình khá hiện tại ở giải đấu này vẫn đủ sức quật ngã các đại gia lắm tiền nhiều của cỡ Chelsea, Man City hay Manchester United.
Đó là câu chuyện của giải Ngoại hạng Anh - giải đấu số 1 về kiếm tiền trên toàn thế giới. Và tất cả hẳn nhiên sẽ bị sốc nặng nếu đột ngột nhìn sang những số liệu tài chính của V- League. Tất nhiên sẽ là khập khiễng nếu đi so sánh một giải đấu hiện đang là điển hình cho mọi mơ ước của những nhà làm kinh tế bằng bóng đá với một giải đấu vẫn đang trong quá trình từng bước phát triển như ở Việt Nam. Nhưng không thể không phủ nhận một thực tế, V-League đang rất khó khăn trong việc đi tìm một miếng bánh ngọt cho riêng mình.
Tính đến hiện tại, việc bán bản quyền truyền hình V- League vẫn đơn thuần là trao đổi bằng thời lượng quảng cáo chủ yếu cho các nhà tài trợ của giải nhằm thắt chặt mối quan hệ. Một số ít cũng đến từ các doanh nghiệp khác nhưng kinh phí thu được cũng rất nhỏ nhoi. Và cũng có nghĩa rằng, số tiền mà các CLB tại V.League thu được là rất khiêm tốn.
Vồ hụt cả trăm tỉ đồng và đại gia MP&Silva
Năm 2010, bản quyền phát sóng V-League được Liên đoàn bóng đá Việt Nam quyết định bán cho Truyền hình An Viên (AVG) với bản hợp đồng lên tới 20 năm - Ảnh: Khả Hòa
|
Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hiện tại không nhận được một đồng nào tiền mặt từ việc bán bản quyền truyền hình. Những khó khăn trong suy thoái kinh tế cộng với việc chất lượng V-League tăng trưởng thấp khiến giải đấu gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các đối tác mua bản quyền truyền hình. Và nhìn vào thực tế hiện tại, V-League và bản thân VPF hẳn nhiên sẽ tiếc nuối khi vô hụt khoản đầu tư kếch xù suýt chút nữa đã thành hiện thực cách đây 5 năm về trước.
Cuối năm 2010, bản quyền phát sóng V-League được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định bán cho Truyền hình An Viên (AVG) với bản hợp đồng lên tới 20 năm. Giá bản quyền V-League mùa 2011 có giá là 6 tỉ đồng và mỗi năm tăng luỹ tiến 10%. Điều đó có nghĩa rằng nếu mọi thứ hoạt động đúng theo cam kết đề ra thì tổng giá trị bản quyền truyền hình V-League trong vòng 20 năm sẽ lên tới 342 tỉ đồng, với số tiền được chia theo tỷ lệ 40% - 40% - 20% (VFF - đội nhà - đội khách).
Tuy nhiên mọi chuyện đã không xuôi chèo mát mái như dự tính ban đầu. Sau khi VPF thành lập, công ty này đã lấy lại hợp đồng bản quyền truyền hình V-League và khi nhận quyền chuyển giao từ AVG và cam kết khai thác tối thiểu 50 tỉ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình. Thế nhưng một lần nữa câu chuyện bản quyền truyền hình lại đổ bể khi bầu Kiên vướng vào vòng lao lý.
Đâu chỉ mỗi câu chuyện AVG, bầu Kiên và VPF. Trên thực tế V-League cũng suýt chút nữa bán được bản quyền truyền hình cho MP&Silva, đối tác thường xuyên của nhà đài Việt Nam trong các thương vụ liên quan đến EURO, Wolrd Cup và Premier League.
Nhà thầu này từng có ý muốn sở hữu bản quyền V-League nhưng đến phút chót họ quyết định từ chối Việt Nam để quay sang ký bản hợp đồng tiền tỉ với giải vô địch Malaysia. Lý do lần này xuất phát từ cơ chế, khi các đài truyền hình địa phương tại nước ta luôn phải có được quyền trực tiếp các trận đấu của đội bóng họ trong khi MP&Silva muốn lại muốn độc quyền nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ việc thương thảo, phân phối với các nhà đài trong nước và trong khu vực khác.
Câu chuyện lợi nhuận từ bản quyền truyền hình đã bị V-League hai lần "vồ hụt" như thế. Và dẫu rằng VPF và các CLB V-League đang nỗ lực hết sức để cải thiện chất lượng và thu hút khán giả thì việc có được những khoản tiền từ truyền hình xem ra vẫn sẽ còn rất khó.
Bình luận (0)