Đắng cay nghiệp HLV

02/01/2010 09:48 GMT+7

Chỉ trong hai ngày, bóng đá Việt Nam xôn xao trước hai vụ thanh lý hợp đồng liên tiếp của V.NB với hai HLV tên tuổi, Tavares và Văn Sỹ. Câu chuyện gây chấn động ở cố đô Hoa Lư, một lần nữa, lại khiến người ta cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự khắc nghiệt và cả những bạc bẽo của nghề cầm sa bàn chỉ đạo trên sân cỏ. Dù đã có lúc, không ít người đã từng coi HLV là nghề thời thượng, một nghề có thể “hái” ra tiền

HLV Riedl đau đớn rời XM.HP chỉ sau 4 lượt đấu ở mùa giải 2009 - Ảnh: Bạch Dương

Chỉ trong hai ngày, bóng đá Việt Nam xôn xao trước hai vụ thanh lý hợp đồng liên tiếp của V.NB với hai HLV tên tuổi, Tavares và Văn Sỹ. Câu chuyện gây chấn động ở cố đô Hoa Lư, một lần nữa, lại khiến người ta cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự khắc nghiệt và cả những bạc bẽo của nghề cầm sa bàn chỉ đạo trên sân cỏ. Dù đã có lúc, không ít người đã từng coi HLV là nghề thời thượng, một nghề có thể “hái” ra tiền

Từ chuyện của Ninh Bình

Hai vụ thanh lý hợp đồng liên tiếp chỉ trong hai ngày của V.NB thực sự là minh chứng sống động nhất cho thấy hành nghề HLV “bấp bênh” đến mức nào. Văn Sỹ và Tavares, dù nhìn nhận trên khía cạnh nào, cũng là những người có “danh vọng”. Vậy mà cái cách họ bị đẩy khỏi Ninh Bình khiến người ngoài cuộc cảm thấy sốc.

Trở lại chuyện của Tavares. Lãnh đạo V.NB đã lý giải rất nhiều nguyên nhân khiến họ phải đưa ra quyết định “trảm” tướng chỉ sau hơn một tháng trời hợp tác. Lý do tiền bạc (yêu sách tăng lương của ông Tavares) có, những phát biểu “coi trời bằng vung”, làm ảnh hưởng đến nội bộ đội bóng cũng có. Nhưng sự thực rõ hơn hết thảy, vẫn là sự mếch lòng của bầu Trường với người “làm thuê” của mình. Ông bầu và bộ sậu quan chức của V.NB chưa thể nghe, cũng như chưa thể chấp nhận kiểu phát ngôn của ông Tavares, kiểu phát ngôn mà ai đó vẫn gọi là “văn hóa chửi”. Ông Tavares lần thứ ba phải rời Việt Nam để “hiểu hơn” về BĐVN, về sự khắc nghiệt khi đến cầm quân tại cái nơi mà ông vẫn cao giọng gọi là “vùng trũng”.

Nếu ông Tavares phải ra đi chỉ vì những phát ngôn làm “mếch lòng” lãnh đạo CLB, thì cái kết dành cho Văn Sỹ cay đắng hơn nhiều. V.NB có mặt tại V-League mùa giải này đều nhờ tài huấn luyện của Sỹ. Mấy năm trời lăn lộn ở V.NB, đã bao lần vị “tướng” trẻ gốc Nam Định cứu đội bóng cố đô thoát cảnh hiểm nghèo. Vậy mà đùng một cái, Sỹ lên tuyển và nhận được tin ở Hoa Lư, người ta đã mời ông Tavares về “đặt” vào chỗ của anh. Biết nói gì đây khi ông chủ của đội bóng muốn như vậy. Văn Sỹ hay bất kỳ HLV nào, được gọi mỹ miều là “tướng” đấy, nhưng xét đến cùng họ vẫn chỉ là những người làm thuê cho các ông bầu, không thể tự quyết định vận mệnh của mình.

Nghề bạc

Chuyện ở V.NB khiến dư luận bị “sốc” nhưng bản thân những HLV bóng đá thì không. Bước chân vào cái nghề mà chưa làm đã biết sẽ phải sống dưới áp lực, với búa rìu dư luận và nhất là sự bạc bẽo đến vô tình của cuộc chơi, nhiều HLV khi nói về tình cảnh của ông Tavares hay Văn Sỹ chỉ lắc đầu cám cảnh. Làm “tướng” cầm sa bàn trên sân cỏ Việt Nam bây giờ, đơn giản là chẳng biết ngày mai, liệu mình có bị “vứt” ra đường, kể cả là HLV danh tiếng và quá khứ thành công đến mấy.

Chẳng thế mà nhớ lại mùa giải 2009, chỉ tính riêng từ khi trái bóng bắt đầu lăn, đã có tổng cộng 12 HLV bị mất việc giữa chừng. Còn nếu tính cả trong giai đoạn chuẩn bị trước đó, con số ấy là 20 người. Mà trong số những người “xấu số”, có cả những tên tuổi lừng danh, từ HLV Vương Tiến Dũng, Vital đến cả A.Riedl.

Một lần tâm sự, HLV Vương Tiến Dũng đã cười nhạt bảo: “Sẽ nói với con mình, không bao giờ đi theo cái nghiệp bạc bẽo này”. Nhưng với bản thân ông (và những đồng nghiệp khác), bóng đá như đã “ăn vào máu”. Nó là lý do ông chấp nhận sự nghiệt ngã, khi chứng kiến XM.HP “đá” mình ra đường ngay sau chiến công giành hạng ba V-League 2008, dù bản thân ông chưa hề gây ra bất kỳ lỗi lầm gì.

HLV A.Riedl, khi trở lại Hải Phòng thế chân chính ông Dũng, thậm chí còn có “mác” đội tuyển trước đó làm “bảo hiểm”. Thế mà chỉ sau hơn 5 tháng trời và vỏn vẹn 4 trận đấu chính thức (thua 3), “cái mác” ấy cũng chẳng cứu được ông tránh khỏi kết cục xách va-li cay đắng rời sân Lạch Tray theo lối cửa sau. Mà cay đắng thay, quyết định sa thải được Ban lãnh đạo XM.HP đưa ra, ông Riedl thậm chí còn được biết sau cả... báo chí.

Còn rất, rất nhiều những người sẽ cùng chia sẻ nỗi cay đắng trong nghề ấy cùng HLV A.Riedl, khi mà sự kiên nhẫn của các ông chủ trở nên xa xỉ, khi mà áp lực thành tích luôn song hành nguy cơ “thân bại danh liệt” bất kỳ lúc nào. Năm ngoái, trong 8 tháng V-League đã có 12 HLV mất việc. Mùa giải này, con số ấy hứa hẹn sẽ không dừng lại bởi những người may mắn như Huỳnh Đức luôn chỉ là thiểu số.

Các lần thay tướng ở V-League 2009

HA.GL: Dusit được tín nhiệm đầu mùa nhưng rồi không thành công. HLV Chatchai lên thay Dusit nhưng rút lui không lâu sau đó vì lý do gia đình. Dusit lại lên thay Chatchai.

ĐT.LA: Hansson thay Công Minh dẫn dắt ĐT.LA khởi đầu V-League 2009. Sau đó Công Minh thay Hansson rồi cuối cùng Jose Luis lại thay Công Minh.

XM.Hải Phòng: Riedl thay Vương Tiến Dũng dẫn dắt từ đầu nhưng ra đi sau 3 vòng đấu, Đinh Thế Nam thay Riedl, sau đó Vương Tiến Dũng thay Đinh Thế Nam.

B.Bình Dương: Vital thay Lê Thụy Hải cầm trịch, sau đó Minh Dũng thay Vital và cuối cùng Mai Đức Chung thay Minh Dũng.

Thanh Hóa: Nguyễn Văn Tiến thay Trần Văn Phúc dẫn dắt Thanh Hóa khởi đầu cuộc “vượt lũ”, sau đó Triệu Quang Hà thay Nguyễn Văn Tiến nhưng cũng chỉ trụ được trong một tháng, cuối cùng Nguyễn Văn Tiến trở lại thay Triệu Quang Hà.

Thể Công: Vương Tiến Dũng nắm đội từ đầu nhưng sau đó bị thay bằng Lê Thụy Hải.

CS.Đồng Tháp: Trong giai đoạn chuẩn bị V-League 2009, HLV Phạm Công Lộc đã được chỉ định thay HLV Phạm Anh Tuấn.

M.Nam Định: Nguyễn Thế Cường thay Nguyễn Ngọc Hảo nhằm giúp đội “đổi vận”.

T&T.Hà Nội: Nguyễn Hữu Thắng thay Triệu Quang Hà sau giai đoạn một V-League 2009 để trục lại một “con tàu đắm”.

A.T

Bình Minh

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.