Đội vô địch vẫn bị đánh... tụt hạng

21/07/2010 09:21 GMT+7

Nếu Đồng Tháp giành chức vô địch V-League (ví dụ thế) nhưng vẫn khoác trên mình “tấm áo” của CLB nhà nước thì ngôi vị cao nhất trở nên vô nghĩa. Đội vô địch vẫn bị đánh… tụt hạng. Điều nghịch lý này hoàn toàn có khả năng xảy ra ở bóng đá VN. Tại sao vậy?

Đội CS.Đồng Tháp đang chạy đua lên chuyên nghiệp - Ảnh: B.D

Nếu Đồng Tháp giành chức vô địch V-League (ví dụ thế) nhưng vẫn khoác trên mình “tấm áo” của CLB nhà nước thì ngôi vị cao nhất trở nên vô nghĩa. Đội vô địch vẫn bị đánh… tụt hạng. Điều nghịch lý này hoàn toàn có khả năng xảy ra ở bóng đá VN. Tại sao vậy?

Theo quy định bắt buộc của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), tất cả các CLB đang thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp ở các quốc gia thành viên phải là doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng hoạt động tuân thủ theo luật pháp của các quốc gia đó.

Quy định này đã được AFC ban bố từ cách đây hơn 2 năm và hạn chót cho các CLB chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần là hết ngày 31.8.2010. Nếu LĐBĐ VN (VFF) hoặc bất kỳ một LĐ quốc gia nào khác không thực hiện theo đúng yêu cầu sẽ bị nhận nhiều hình thức xử phạt rất nặng từ AFC, trong đó nghiêm trọng nhất là cấm đội tuyển quốc gia thi đấu tất cả các giải quốc tế trong vòng 5 năm liền.

Cho đến thời điểm hiện tại, trong số 14 CLB đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp đã có 11 CLB đủ tiêu chí là một doanh nghiệp độc lập, bao gồm: Hà Nội T&T, Hòa Phát Hà Nội, B.Bình Dương, XM.HP, The Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, ĐT.LA, HA.GL, SLNA, K.Khánh Hòa, SHB Đà Nẵng. Chỉ còn 3 đội, tuy đang đứng tên cùng nhà tài trợ nhưng vẫn mang danh nghĩa thuần túy là CLB của địa phương, do địa phương quản lý gồm: CS.Đồng Tháp (ĐT), Lam Sơn Thanh Hóa và Megastar Nam Định.  

Trong khi thời hạn chuyển đổi sắp kết thúc (chỉ còn vỏn vẹn hơn 1 tháng nữa) thì V-League cũng đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nếu chẳng may một trong 3 CLB nhà nước nói trên, hoặc tình huống xấu nhất là cả 3 CLB này đều không kịp biến mình thành doanh nghiệp, một loạt chuyện oái oăm sẽ xảy ra. Mọi thứ tự của bảng xếp hạng cuối mùa giải sẽ bị đảo lộn “tung tóe”, hay nói chính xác hơn sẽ không còn chút giá trị nào!? Vì cứ theo luật mà làm, những đội không phải doanh nghiệp sẽ bị giáng xuống hạng Nhất năm sau.

Giả thiết, ĐT đứng đầu hoặc lọt vào top nọ top kia nhưng vì không phải doanh nghiệp thì top nọ top kia để làm gì. Đằng nào cũng không được chơi ở giải chuyên nghiệp năm 2011 nữa. Tương tự, hiện Thanh Hóa đang vật vã để tránh đi play-off, nhưng nếu không kịp chuyển đổi thì một vé play-off cũng chẳng có. Xuống ngay hạng Nhất đi. Nam Định – đội bóng gần như đang tuyệt vọng trong cuộc đua trụ hạng, nếu không là doanh nghiệp thì tuyệt vọng là… hơi thừa. Đằng nào cũng chẳng thể tồn tại ở V-League mùa sau.

Và dĩ nhiên, nếu đã có những đội nghiễm nhiên xuống hạng bởi không (hay chưa kịp) tuân thủ theo quy định của AFC thì lại có những đội được rơi vào cảnh “mèo mù vớ cá rán”, “ngư ông đắc lợi”. Bất luận thành tích bết bát thế nào đi chăng nữa nhưng đã được gắn mác doanh nghiệp, tấm “giấy phép” này sẽ giúp CLB đó đường hoàng ở lại giải ngoại hạng.

Theo chúng tôi được biết, 3 đội bóng nhà nước cũng đang hớt hải để chạy đua với thời gian nhưng mọi thứ còn đang khá rối. Chẳng hạn như Nam Định. Tập đoàn Megastar đã có tham vọng mua đứt CLB này từ cuối tháng 4 nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn định giá tài sản.

Một lần nữa, câu hỏi về tình huống xấu nhất lại được đặt ra, nếu NĐ, ĐT, TH không kịp cổ phần hóa, việc tổ chức V-League 2010 phỏng có ích lợi gì?

Ông Nguyễn Hưng Thái: “Nam Định chưa chắc hoàn thành việc chuyển đổi”

Hôm qua (20.7), trong thời điểm chỉ còn 40 ngày nữa là đến hạn chót hoàn thành cổ phần hóa CLB, chủ tịch CLB M.Nam Định (M.NĐ) Nguyễn Hưng Thái, thừa nhận M.NĐ mới chỉ làm được một nửa khối lượng công việc.

Trao đổi cùng TNTNTT, ông Nguyễn Hưng Thái tiết lộ: “Điều khiến lãnh đạo CLB lo lắng nhất hiện nay chính là thời hạn hoàn thành thủ tục cần thiết chuyển đổi thành doanh nghiệp đến ngày 31.8 sẽ hết hạn. Dù rất nỗ lực, nhưng đến nay, M.NĐ mới thực hiện được 50% lộ trình cổ phần hóa. Những trình tự để chuyển đổi CLB thành doanh nghiệp nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm mới thấy nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Giữa nhà tài trợ Megastar và Nam Định cũng đang duy trì tiếng nói chung, nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này. Nhưng quả thực, chính tôi cũng không dám chắc liệu M.NĐ có kịp hoàn tất quá trình chuyển đổi trước hạn cuối cùng”.

Ông Thái ưu tư: “Chúng tôi chưa dám chắc điều gì. Quy định là như vậy và nếu không thực hiện được, M.NĐ đành chấp nhận xuống hạng. Dù sao, còn nước còn tát, 40 ngày cuối cùng sẽ là lúc M.NĐ chạy đua với thời gian để hoàn thành 50% công việc còn dang dở”.

Bình Minh

Thanh Hóa lách luật?

Liên quan đến công tác chuyển đổi mô hình CLB hiện nay sang mô hình doanh nghiệp bóng đá, hôm qua 20.7, trao đổi với TNTNTT, ông Trần Quốc Hưng, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành CLB bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại tỉnh Thanh Hóa đang tích cực xúc tiến quá trình chuyển đổi mô hình từ CLB trực thuộc ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch sang mô hình “Doanh nghiệp bóng đá” chuyên nghiệp. Theo kế hoạch, việc chuyển đổi này sẽ xong trước ngày 10.8.2010 (hạn chót của VFF là ngày 31.8).

Một nguồn tin của TNTNTT cho biết: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chọn và chỉ định 2 doanh nghiệp tại địa bàn Thanh Hóa phối hợp cùng 2 doanh nghiệp ở tỉnh ngoài (giám đốc là con em Thanh Hóa) liên danh thành lập doanh nghiệp bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa. Doanh nghiệp bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa sẽ theo mô hình công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa tiết lộ thông tin về 4 doanh nghiệp cùng liên danh thành lập Doanh nghiệp bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa, nhưng dư luận ở Thanh Hóa cho rằng, dù doanh nghiệp nào tham gia, “nguồn sữa” nuôi đội bóng vẫn từ ngân sách của tỉnh Thanh Hóa cấp cho đội bóng hoạt động. Và đây thực sự cũng chỉ là cách lách luật, đối phó tình thế của LS Thanh Hóa mà thôi.

Liên quan đến công tác chuyển đổi mô hình CLB hiện nay sang mô hình doanh nghiệp bóng đá, hôm qua 20.7, trao đổi với TNTNTT, ông Trần Quốc Hưng, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành CLB bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại tỉnh Thanh Hóa đang tích cực xúc tiến quá trình chuyển đổi mô hình từ CLB trực thuộc ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch sang mô hình “Doanh nghiệp bóng đá” chuyên nghiệp. Theo kế hoạch, việc chuyển đổi này sẽ xong trước ngày 10.8.2010 (hạn chót của VFF là ngày 31.8). Một nguồn tin của TNTNTT cho biết: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chọn và chỉ định 2 doanh nghiệp tại địa bàn Thanh Hóa phối hợp cùng 2 doanh nghiệp ở tỉnh ngoài (giám đốc là con em Thanh Hóa) liên danh thành lập doanh nghiệp bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa. Doanh nghiệp bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa sẽ theo mô hình công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa tiết lộ thông tin về 4 doanh nghiệp cùng liên danh thành lập Doanh nghiệp bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa, nhưng dư luận ở Thanh Hóa cho rằng, dù doanh nghiệp nào tham gia, “nguồn sữa” nuôi đội bóng vẫn từ ngân sách của tỉnh Thanh Hóa cấp cho đội bóng hoạt động. Và đây thực sự cũng chỉ là cách lách luật, đối phó tình thế của LS Thanh Hóa mà thôi.

Ngọc Minh

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.