HLV tuyển quốc gia không nên nắm đội Olympic

29/12/2010 23:28 GMT+7

Theo tôi, một trong những lý do khiến đội tuyển bóng đá VN không thể bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup trong năm 2010 là do LĐBĐ VN và bản thân HLV trưởng vẫn còn nhập nhằng giữa tuyển quốc gia và đội Olympic.

HLV Calisto trực tiếp chỉ đạo đội Olympic tại ASIAD Quảng Châu trong khi phó mặc đội tuyển VN cho trợ lý - Ảnh: Huy Tường

Theo tôi, một trong những lý do khiến đội tuyển bóng đá VN không thể bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup trong năm 2010 là do LĐBĐ VN và bản thân HLV trưởng vẫn còn nhập nhằng giữa tuyển quốc gia và đội Olympic.

Ban đầu phương án tách đội Olympic ra để dự ASIAD và LĐBĐ VN giao cho HLV Phan Thanh Hùng trực tiếp dẫn dắt là hợp lý vì mục tiêu của đội bóng trẻ chúng ta tại Đại hội TDTT châu Á chỉ là phấn đấu vào vòng 2, vì sân chơi này vẫn quá tầm so với trình độ của bóng đá VN. Nhưng sau trận thắng Bahrain, HLV trưởng Calisto lại xuất hiện ở Quảng Châu. Nếu sự xuất hiện này chỉ để quan sát từ khán đài nhằm phát hiện những nhân tố mới bổ sung cho tuyển quốc gia thì có thể hiểu được, nhưng ông lại trực tiếp tham gia công tác chỉ đạo, quyết định lối chơi cho đội Olympic. Trên danh nghĩa thì HLV Phan Thanh Hùng vẫn làm, nhưng kỳ thực HLV trưởng đội tuyển đã lấn sân để điều hành mọi việc mà không hề có ý kiến nào từ LĐBĐ VN. Điều đó có nghĩa lãnh đạo LĐBĐ VN đã đồng thuận cũng như phó mặc mọi quyết định chuyên môn cho HLV Calisto bất chấp thời điểm đó đội tuyển VN đang tập trung ở Hà Nội và thiếu nhạc trưởng để chỉ huy.

Đây là một điều trái khoáy vì hơn hết thảy, AFF Cup mới là sân chơi có ý nghĩa nhất của bóng đá VN, cần có sự chuẩn bị kỹ càng và đầu tư thỏa đáng. Nhưng trong suốt gần 10 ngày ông Calisto đi Quảng Châu, đội tuyển dù vẫn do các trợ lý dẫn dắt tập luyện đều đặn, nhưng lấy gì bảo đảm có sự nghiêm túc và nỗ lực? Thực tế thể lực của đội tuyển yếu dần khi vào sâu trong giải AFF Cup, theo tôi không loại trừ khả năng gần 10 ngày trong tháng 11 (từ 9 - 17.11) khi không có HLV Calisto giám sát, các tuyển thủ đã không tích lũy tốt sức mạnh, nếu không muốn nói là có phần buông thả trong tập luyện. Khi HLV trưởng trở lại thì thời gian đá giải cận kề, chỉ tìm quân xanh như SLNA đá giao hữu để ráp nối chiến thuật. Có lẽ cả đội có phần ỷ lại thời gian tập trung dài đã đủ nền tảng thể lực, nhưng sự thật thì phần lớn đội hình thiếu cả sức mạnh lẫn sức bền, xuất hiện cả những vấn đề về tâm lý.

Có ý kiến bảo rằng HLV Rajagobal cũng nắm đội Olympic tại ASIAD và đội tuyển quốc gia Malaysia tại AFF Cup sau đó đâu có ảnh hưởng gì, vậy tại sao không cho HLV trưởng đội tuyển VN trực tiếp chỉ đạo 2 đội? Nhưng nên nhớ quan điểm dẫn dắt và xây dựng đội tuyển của Malaysia khác chúng ta. Họ lấy ASIAD làm điểm tựa để hình thành bộ khung với 16 cầu thủ tại Quảng Châu và chỉ bổ sung 6 cầu thủ khác ở nhà, nên lối chơi tuyển Malaysia định hình xuyên suốt. Còn đội Olympic VN chỉ là “sân sau” tăng cường 7 cầu thủ lên tuyển quốc gia, nhưng đá chính chỉ có 2-3 cầu thủ như Thành Lương, Anh Đức hay Trọng Hoàng hoặc Tấn Trường thì làm sao tạo sức bật cho đội tuyển vốn dựa quá nhiều vào các cựu binh đã qua thời sung sức? Nếu HLV Calisto làm như HLV Rajagobal thì mọi việc sẽ khác, nhưng ông lại làm theo cách riêng của mình, và rõ ràng chưa phải là lực đẩy tốt cho tương lai bóng đá VN.

Tóm lại, tôi nghĩ trong năm 2011, khi hình thành đội tuyển và đội Olympic, LĐBĐ VN nên có sự đánh giá rõ ràng mục tiêu. Nếu SEA Games là quan trọng nhất thì nên tập trung tối đa tài lực và vật lực cho một HLV trưởng, có thể vẫn là ông Calisto. Còn lại các sân chơi khác nên tạo cơ hội cho những HLV khác dẫn dắt. Chúng ta từng phê phán HLV Riedl nắm đội tuyển “2 trong 1” vào năm 2007 khiến cuối cùng ông phải ra đi, hay bài học nhãn tiền từ HLV Calisto vừa rồi thì không nên lặp lại sai lầm đó nữa.

HLV Nguyễn Văn Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.