Khi SLNA không còn khuynh đảo

09/01/2010 22:49 GMT+7

Cái nôi đào tạo của SLNA từng khiến nhiều người phải thèm khát khi cho ra lò hàng loạt cầu thủ bóng đá sáng giá. Thế nhưng...

Khu nhà ở cho các đội trẻ của SLNA rất ẩm thấp trước đây

Cái nôi đào tạo của SLNA từng khiến nhiều người phải thèm khát khi cho ra lò hàng loạt cầu thủ bóng đá sáng giá. Thế nhưng...

Tìm tài năng từ giải “cup làng”

SLNA “nổi sóng” từ năm 1999 với những chiến tích đáng nể và họ luôn làm mưa làm gió trong các giải đấu trong nước. Đến năm 2003 thì chững lại với những năm “mất mùa” liên tiếp và chỉ lẹt đẹt với mỗi năm một “U” thi đấu thành công, còn lại đều bị loại từ vòng ngoài hoặc chỉ mang về giải phong cách an ủi.

Thời hoàng kim của bóng đá trẻ SLNA cũng có ngọn nguồn lịch sử của nó. Những năm 1990, ở Nghệ An bóng đá là môn thể thao phổ biến đến tận mọi ngõ ngách thôn xóm. Phong trào bóng đá trẻ rộn rạo khắp các vùng quê, từ thôn đến xã. Các huyện năm nào cũng có các giải đấu trẻ, người xem vây kín quanh sân.

Những người cầm quân của SLNA thời đó đã biết tìm nhân tài bóng đá từ những sân chơi “cúp bóng đá làng” này. Văn Quyến, Công Vinh và hàng loạt cầu thủ thành danh khác đều được SLNA phát hiện từ khi còn là những đứa trẻ đang ôm lưng trâu.

 

...và mới được xây dựng lại trong năm qua - Ảnh: Khả Hòa

Danh tiếng SLNA dần nổi như cồn khi “đá đâu thắng đó”. Nghề đá bóng ngày càng mang lại tiếng tăm và có tiền khiến nhiều phụ huynh và các cầu thủ nhí nuôi giấc mơ thành cầu thủ SLNA. Các em được tuyển chọn cứ thế mê tập luyện, đá hết mình. “Được phát hiện sớm, được cọ xát nhiều với những giải đấu nên các em đá rất tự tin. Anh em huấn luyện viên có tay nghề, nhiệt tình. Lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư. Những lợi thế này đã giúp SLNA thành công trong việc đào tạo cầu thủ trẻ” - Phó giám đốc điều hành kiêm Trưởng ban Đào tạo trẻ SLNA Nguyễn Đình Nghĩa, lý giải.

Cái khó bó cái khôn

Cũng trầy trật như đội bóng đàn anh ở giải V-League, 7 năm trở lại đây, SLNA không còn bá chủ hoàn toàn ở các giải đấu trẻ. Năm 2009 vừa rồi, đội U.21 SLNA cũng bị các đối thủ “đàn em” loại ngay trên sân nhà ở vòng ngoài.

Sự xuống dốc thành tích của SLNA khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu công tác đào tạo cầu thủ trẻ mấy năm nay có vấn đề? Mổ xẻ nguyên nhân này, ông Nghĩa cho rằng không phải bóng đá trẻ SLNA đi xuống mà là “mình chỉ đứng một chỗ trong khi người ta đang đi lên. Chúng tôi cũng tìm cầu thủ triển vọng để ươm mầm. Nhưng nguyên do là khó khăn cơ chế, về đồng tiền. Người ta có nhiều tiền, được quan tâm đầu tư nhiều trong khi SLNA trước khi cổ phần hóa vẫn loay hoay với bài toán tính cái ăn của con nhà nghèo” - ông Nghĩa nói. Mỗi năm, SLNA được UBND tỉnh rót hơn 2 tỉ đồng từ ngân sách cho công tác đào tạo trẻ. “Số tiền này chỉ đủ để duy trì chế độ dinh dưỡng ở mức trung bình cho cầu thủ” - Giám đốc điều hành SLNA Hồ Văn Chiêm  than thở.         

Ngoài hệ thống sân bãi tập luyện được cho là tạm ổn, điều kiện sinh sống của những cầu thủ trẻ đang được đào tạo tại SLNA từng gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước, nhiều người đến CLB SLNA từng giật mình khi nhìn thấy “tổng hành dinh” sơ sài đến mức bất ngờ của CLB. Riêng khu nhà ở cho các đội trẻ ẩm thấp, các em phải nằm giường tầng, mùa đông không có nổi máy nước nóng để tắm. Nhiều em không còn chỗ phải ở nhà hoặc tá túc ở nhà người thân. Mãi đến năm ngoái, sau nhiều năm kêu ca, UBND tỉnh mới đầu tư xây xong khu nhà 2 tầng. Trong điều kiện ăn, ở thiếu thốn đủ bề, nói như ông Chiêm “muốn làm cho tốt cũng khó”. 

Với hơn 2 tỉ đồng mỗi năm cho đào tạo trẻ, HLV và cầu thủ SLNA phải chật vật để sống và tập luyện. HLV cũng sinh nản khi nằm trong diện biên chế họ chỉ được trả 2,5 triệu đồng/tháng, HLV hợp đồng còn thấp hơn nhiều.    

“Sau khi cổ phần hóa, SLNA có điều kiện tự chủ hơn về tài chính để đầu tư cho tuyến trẻ. Đơn cử, chế độ khẩu phần ăn từ 30.000 đã tăng lên 50.000 đồng/ngày/cầu thủ kể từ khi chuyển đổi mô hình. Chúng tôi đã có phương án để cải thiện công tác đào tạo trẻ. Trước mắt, các cầu thủ sẽ phải kiểm tra, rà soát lại. Cầu thủ nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ phải loại thải, không còn chuyện nể nang như trước. Cổ phần hóa, thoát được cảnh nghèo túng, hy vọng SLNA sẽ khác hơn nhiều”, ông Chiêm hy vọng. 

 
Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng (ảnh): “SLNA có lợi thế nhiều mặt về công tác đào tạo trẻ so với các trung tâm đào tạo khác trong nước, lại có truyền thống bóng đá, “máu” bóng đá, đội ngũ huấn luyện viên trẻ, có năng lực và nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên công tác đào tạo trẻ của Sông Lam Nghệ An 4-5 năm lại đây có xu hướng xuống dốc mạnh. Nguyên nhân do cơ chế, tiền và tác động từ những đợt sóng gió, xáo trộn mạnh trong câu lạc bộ. Ngoài ra còn ở sự thiếu quan tâm của lãnh đạo câu lạc bộ. Những lý do trên đã ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo dẫn đến sa sút về chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ. Tôi hy vọng khi CLB đã được chuyển đổi mô hình thì công tác đào tạo trẻ sẽ được quan tâm và cải thiện hơn”.

 

Ảnh: Khả hòa

Tuyển thủ Lê Công Vinh (ảnh): Trước đây lò đào tạo trẻ SLNA rất có chất lượng và nhiều cầu thủ rất cố gắng với hy vọng “đổi đời”. Nhưng mấy năm gần đây do chậm chuyển đổi cơ chế nên đào tạo bóng đá trẻ của SLNA có phần sa sút. Hệ thống sân bãi, chế độ dinh dưỡng chưa được cải tiến nên SLNA chững lại và đánh mất thế mạnh của mình. Tôi nghĩ SLNA cần phải có những thay đổi thực tế hơn để hâm nóng trở lại “lửa” đào tạo, chứ đừng để lây lất như thời gian qua.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.