Không có đối thủ, ông Lê Hùng Dũng làm Chủ tịch VFF

26/03/2014 00:44 GMT+7

Màn bầu cử các chức danh chủ chốt VFF xảy ra khá nhiều trục trặc và... hài hước, rất may không có sự cố đáng tiếc vào phút cuối.

Màn bầu cử các chức danh chủ chốt VFF xảy ra khá nhiều trục trặc và... hài hước, rất may không có sự cố đáng tiếc vào phút cuối.

 
Ông Lê Hùng Dũng dang tay đón chức Chủ tịch VFF - Ảnh: Ngô Nguyễn

Do không có đối thủ, ông Lê Hùng Dũng đã chiếm số phiếu gần như tuyệt đối (60/62 phiếu) để trở thành doanh nhân đầu tiên giữ chức Chủ tịch VFF tại Đại hội nhiệm kỳ 7 tiến hành hôm qua 25.3. Ngay khi kết quả kiểm phiếu được xướng lên, hội trường vỗ tay, còn ông Dũng nở nụ cười mãn nguyện.

Do ông Lê Văn Thành xin rút lui khỏi đề cử chức danh Phó chủ tịch tài chính tài trợ nên ông Đoàn Nguyên Đức cũng là ứng viên duy nhất và đã trúng cử với số phiếu 60/62 (đạt 96,77%). Ông Trần Quốc Tuấn trúng cử Phó chủ tịch chuyên môn (60/62 phiếu), ông Nguyễn Xuân Gụ giành chiến thắng sát nút trước ông Nguyễn Lân Trung để trúng cử chức danh Phó chủ tịch đối ngoại truyền thông với 32 phiếu. Ông Trung (thua 4 phiếu) vẫn trúng cử ủy viên BCH. Tổng thư ký là ông Ngô Lê Bằng.

Cùng với mục tiêu về kinh tế và hoàn thiện mô hình bóng đá chuyên nghiệp, VFF khóa 7 cũng đặt quyết tâm đội tuyển nam vào chung kết AFF Cup cuối năm nay, đội nữ vào vòng chung kết World Cup tại Canada 2015, đội U.23 VN (với nòng cốt là U.19 VN hiện nay) vô địch SEA Games 28 năm 2015 tại Singapore.

“Cầu cứu” người Nhật

Tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Việc thuê HLV ngoại hay sử dụng HLV nội với nhiều trường phái khác nhau đã đem đến kết quả thấp của các đội tuyển nam. HLV bị dư luận đòi phải từ chức, còn các quan chức VFF bị “đánh” tơi bời. Vì thế, ngoài trưởng giải người Nhật, VFF sẽ đề nghị Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản giới thiệu một HLV người Nhật có chất lượng dẫn dắt Đội tuyển quốc gia ngay trong tháng 4 để chuẩn bị cho AFF Cup 2014. Tính ưu việt và sức mạnh của người Nhật là ở tính kỷ luật, hệ thống, thận trọng nhưng chắc chắn, họ không tiến hành vội vàng nhưng đến một lúc nào đó lượng sẽ đổi thành chất trên một nền tảng rất vững chắc. Nếu đi theo cách này, chúng ta sẽ xây nhà từ móng đến phần thân và cuối cùng đến phần mái”.

Ông Lê Hùng Dũng nhìn nhận: “Sự thành công của đội U.19 quốc gia mà nòng cốt là U.19 của Học viện HAGL-IMG-Arsenal đã giúp VFF rút ra bài học là nếu như tuyển chọn cầu thủ theo tiêu chuẩn của mô hình các CLB nổi tiếng và tổ chức quy trình đào tạo theo đúng mô hình thì từ 7 - 8 năm, VN sẽ có lứa cầu thủ tốt. Chúng ta không lạc quan tếu nhưng cũng không yếm thế, bi quan, tự ti tới mức không nhìn thấy, cố tình hạ thấp hoặc không thừa nhận một thực tế là chưa bao giờ chúng ta có lứa cầu thủ trẻ tốt như bây giờ. VFF sẽ sớm nghiên cứu và trình các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách đặc biệt để hỗ trợ các CLB trong đào tạo trẻ theo mô hình hiện đại này, sao cho ai đi theo mô hình đó sẽ được ưu đãi rất nhiều mặt. Đó là nền móng vững chắc lâu dài cho sự thăng hoa của bóng đá VN thì tương lai”.

VFF sẽ hưởng lợi nếu có cá độ hợp pháp

Ông Dũng thuyết trình: “Bóng đá sống được dựa vào khán giả và các ông bầu. Nhưng khi các ông bầu làm ăn phát đạt thì các CLB được nhờ còn năm nào thua lỗ thì lãnh đạo CLB “phát sốt”. Bản thân tôi cũng từng chạy bạc cả mặt để lo tiền tài trợ cho VFF. Vậy lời giải cho bài toán kinh phí của bóng đá chuyên nghiệp VN, cho các CLB đến từ đâu? Câu hỏi rất cũ nhưng rất thời sự, nóng bỏng và câu trả lời cũng không có gì mới. Phải đá hay, đẹp, hiệu quả, không chỉ đá để đủ điểm trụ hạng, không móc ngoặc, chia điểm thì khán giả mới thương mà đến sân. VFF rất mong đợi Nhà nước sớm hiện thực hóa chủ trương cá cược bóng đá để VFF được nhận sự tái đầu tư từ cá độ hợp pháp. Chậm hợp thức việc cá cược bóng đá, sẽ gây thất thu một khoản khổng lồ mà bóng đá VN lại không được hưởng lợi”.

Theo ông Dũng, có một cách nữa để hút người xem, tăng giá trị bản quyền truyền hình các trận đấu của V-League là: “Nếu trọng tài trong nước tiếp tục yếu kém, VFF sẽ không cấm cản các trọng tài Malaysia, Singapore đến VN hành nghề”. Đối mặt với nhiều thách thức nhưng ông Dũng vẫn tự tin tuyên bố rằng, ở khóa tới, VFF sẽ kiếm được ít nhất 383 tỉ đồng (trung bình 100 - 130 tỉ đồng/năm), tăng 800% so với khóa trước, còn nguồn thu của Công ty VPF đạt 100 tỉ đồng/năm, nguồn thu của mỗi CLB chuyên nghiệp từ 40 - 50 tỉ đồng/năm.

Chúng ta chờ xem VFF sẽ làm được gì trước những tuyên bố tự tin của vị tân Chủ tịch VFF.

Lan Phương - T.K

>> Tân chủ tịch VFF: Cầu thủ cứ đá cho tốt, mọi thứ để VFF lo
>> Ông Lê Hùng Dũng trúng cử chủ tịch VFF
>> Hôm nay, bầu cử ở VFF
>> VFF bớt nói tăng làm
>> Vòng 9 V-League 2014: SLNA bức xúc VFF

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.