Nên cho cầu thủ nhập tịch cơ hội

13/08/2010 09:10 GMT+7

Trong khi HLV Calisto và VFF còn đang rối bời trong việc tuyển quân cho cả đội tuyển VN lẫn đội U.23 thì có một nguồn tài năng “sờ sờ” ngay trước mắt nhưng lại không được khai thác: cầu thủ VN nhập tịch!

Kesley (phải) từng khoác áo tuyển Việt Nam trong năm 2009 -  Ảnh: Bạch Dương

Trong khi HLV Calisto và VFF còn đang rối bời trong việc tuyển quân cho cả đội tuyển VN lẫn đội U.23 thì có một nguồn tài năng “sờ sờ” ngay trước mắt nhưng lại không được khai thác: cầu thủ VN nhập tịch!

Nhìn ra thế giới…

“World Cup 2010 là cơ hội để các cầu thủ chứng tỏ với thế giới rằng tuyển Đức mạnh mẽ và chơi thứ bóng đá ấn tượng như thế nào. Có những cầu thủ không sinh ra ở Đức hoặc không mang trong mình toàn bộ dòng máu Đức, nhưng họ có hộ chiếu Đức và có mặt ở đây, bảo vệ màu cờ sắc áo của tuyển Đức. Có lẽ sự hiện diện của họ đã góp phần không nhỏ giúp đội chơi ấn tượng đến vậy ở Nam Phi” – Xin được lấy toàn bộ bình luận của “hoàng đế” Franz Beckenbauer để mở đầu bài viết này. Có vẻ như câu chuyện của một đội tuyển cách xa chúng ta hàng vạn dặm cũng đáng để cho bóng đá VN phải học tập.

Klose, Podolski – cặp tiền đạo Đức có gốc Ba Lan. Mesut Ozil – linh hồn của tuyển Đức có bố mẹ người Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu vệ Sami Khedira gốc Tunisia. Ngoài 4 trụ cột nêu trên, Đức còn sở hữu tới 7 cầu thủ khác gốc ngoại hoặc mang trong mình một phần dòng máu lai ngoại. Nên nhớ rằng, Đức là một đất nước có nền bóng đá phát triển bậc nhất thế giới. Ấy vậy mà họ đã sẵn sàng tận dụng tối đa tài năng của những cầu thủ không mang dòng máu Đức thuần chủng và chính sách trọng dụng nhân tài một cách đa dạng như vậy đã đem lại những hiệu quả to lớn đến không ngờ.

Và không chỉ Đức, rất nhiều đội tuyển lớn của thế giới cũng đã từng sử dụng cầu thủ nhập tịch. Phải kể đến Pháp với thiên tài Zidane có gốc Algeria, với Thuram có gốc Guadeloupe - một quần đảo khá xa lạ nằm ở phía đông biển Caribe.

Kesley thay Công Vinh! Tại sao không?

Trong khi đó, một đất nước có nền bóng đá vốn được coi là vùng trũng của thế giới như VN lại đang lãng phí nguồn chất xám là cầu thủ không mang dòng máu Việt nhưng đã nhập tịch. Chính sách nhập tịch cầu thủ của Chính phủ VN đã được dư luận hoan nghênh nhiệt liệt. Điều đó thể hiện rõ mong muốn thu hút nhân tài trên lĩnh vực thể thao của đất nước ta, nhằm thúc đẩy bóng đá VN phát triển. Tuy nhiên, hiện tại, chính sách này chưa được áp dụng một cách triệt để. Nghĩa là số lượng cầu thủ nhập tịch tại VN đang có chiều hướng tăng nhưng ở một phương diện nào đó, họ chưa được coi là cầu thủ VN. Bằng chứng là có nhiều cầu thủ nhập tịch có chất lượng về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức nhưng không hiểu vì lý do gì lại không được chiêu mộ vào đội tuyển quốc gia. Họ hoàn toàn xứng đáng được khoác áo đội tuyển VN, được cống hiến cho đất nước mà họ đã chọn làm quê hương máu mủ thứ 2 của mình.

Những cầu thủ nhập tịch đủ tiêu chuẩn

Huỳnh Kesley Alves (B.Bình Dương)
Lê Tostao (LS.Thanh Hóa)
Trần Lê Martin, Phan Lê Issac (HP.HN)
Lê Văn Tân (Jonathan, K.Khánh Hòa)
Đinh Hoàng La, Hoàng Vissai (V.Ninh Bình)
Phan Văn Santos (N.Sài Gòn)
Nguyễn Hoàng Helio (SLNA)
Nguyễn Rogerio (SHB.Đà Nẵng)
Nguyễn Trung Sơn (Quảng Nam XT)

Trong những cuộc trò chuyện gần đây, một vài cầu thủ nhập tịch đã tâm sự rất thật rằng, sự xả thân của họ trong những lần được gọi vào đội tuyển VN là sự xả thân không vụ lợi, không toan tính. Họ muốn tận hiến tất cả khả năng của mình cho tuyển như bất kỳ một cầu thủ VN da vàng nào khác. Và họ cảm thấy bị hẫng hụt, khi cánh cửa vào tuyển bị đóng sập trước mắt mà không rõ nguyên nhân.

Hôm qua, HLV Trần Văn Phúc – nguyên phó chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia đã chia sẻ: “Bóng đá VN đang thử nghiệm chuyên nghiệp suốt 10 năm qua và trong quãng thời gian khá dài ấy, nếu không có sự xuất hiện của cầu thủ ngoại thì không hiểu, nền bóng đá của chúng ta bị trôi về đâu? Cầu thủ ngoại đã tạo ra sự canh tranh cần thiết trong môi trường CLB và khi những cầu thủ ngoại giỏi được nhập tịch VN, được gọi vào đội tuyển VN chắc chắn sẽ tạo ra sự cạnh tranh cần thiết trong môi trường đội tuyển. Tất nhiên, cũng không gọi ồ ạt mà nên khống chế. Ví dụ như triệu tập 30 cầu thủ để chuẩn bị cho AFF Cup 2010 thì trong đó có khoảng 2 – 3 cầu thủ nhập tịch. Và khi ra sân thi đấu thì chỉ đăng ký 1 – 2 cầu thủ nhập tịch”.

Lời khuyên của ông Phúc rất đáng để VFF suy ngẫm. Trong bối cảnh hiện tại, Công Vinh - tiền đạo số 1 VN đang dưỡng thương tại Bồ Đào Nha và đến tháng 10 mới quay lại VN, trong khi tháng 12 đã khởi tranh AFF Cup. Liệu Vinh có kịp hồi phục cả về phong độ lẫn thể lực và tinh thần để cùng các đồng đội gánh vác trách nhiệm bảo vệ thành công cúp vàng. Tại sao không nghĩ đến phương án thay Vinh bằng một tiền đạo khác rất xứng đáng: Huỳnh Kesley!

Hoặc thủ môn của đội tuyển VN đang thiếu khi Tấn Trường phải quay trở lại đội U.23, chỉ còn duy nhất Dương Hồng Sơn. Tại sao không nghĩ đến phương án gọi Đinh Hoàng La?

“Cứ nhìn vào đội tuyển Đức sẽ thấy: chính chính sách trọng dụng các tài năng không mang dòng máu Đức đã đem lại cho họ những thành công nhất định. Khi đoạt vị trí thứ 3 thế giới, họ đều là những người Đức, mang danh dự và niềm tự hào của dân tộc Đức. Với VN, HLV Calisto vẫn mong mỏi có cầu thủ nhập tịch, ví dụ như Kesley trên hàng tiền đạo, hay tiền vệ Rogerio Nguyễn. Hy vọng chúng ta sẽ có cơ chế và chính sách hợp lý hơn trong việc trọng dụng cầu thủ nhập tịch để phát triển bóng đá nước nhà” - Xin được lấy phát biểu đầy trăn trở của ông Nguyễn Lân Trung – phó chủ tịch VFF làm kết của bài viết này. Và mong hy vọng của ông Trung sẽ không chỉ là hy vọng!

Xu hướng chung của thế giới

Tại World Cup 2010 vừa qua, tuyển Bồ Đào Nha có đến ba cầu thủ nhập tịch thi đấu, đó là hậu vệ Pepe, tiền vệ Deco và tiền đạo Liedson. Cả ba cầu thủ này đều là người Brazil nhưng đã chơi bóng vài năm tại Bồ Đào Nha, sau đó được nhập tịch và gọi vào đội tuyển quốc gia.

Trong đội hình tuyển Ý tại World Cup vừa qua cũng có tiền vệ Mauro Camoranesi là cầu thủ nhập tịch. Vốn là người Argentina, nhưng sau nhiều năm khoác áo các CLB Ý là Verona và Juventus, anh đã được nhập tịch. Đến tháng 2.2003, HLV tuyển Ý khi đó là Giovanni Trapattoni đã gọi Camoranesi vào đội tuyển. Ở lần tập trung gần đây nhất, HLV Cesare Prandelli cũng đã triệu tập một cầu thủ nhập tịch khác vào tuyển Ý. Đó là Amauri (ảnh), tiền đạo gốc Brazil. Vào tháng 1.2009, chân sút này từng từ chối lời mời vào tuyển Brazil của HLV Carlos Dunga để chờ cơ hội thi đấu cho tuyển Ý. Đến tháng 4.2010, anh chính thức được công nhận là công dân Ý và đã góp mặt trong trận giao hữu giữa Azzurri và Bờ Biển Ngà cách đây vài ngày.

 

L.H

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.