“Nếu VFF xử không nghiêm sẽ khuyến khích bạo lực phát sinh”

23/04/2010 00:07 GMT+7

Hôm qua, nhân lễ ký kết quy chế phối hợp về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá với LĐBĐ VN, đại tá Hồ Sỹ Tiến - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14 - Bộ Công an) đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn và ông Hồ Sỹ Tiến cam kết sẽ cùng xử lý tiêu cực triệt để - Ảnh: T.V

Hôm qua, nhân lễ ký kết quy chế phối hợp về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá với LĐBĐ VN, đại tá Hồ Sỹ Tiến - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14 - Bộ Công an) đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

* C14 nhìn nhận thế nào về các hiện tượng tiêu cực của bóng đá VN, thưa ông?

- Tại VN chưa xuất hiện vụ nào lớn, mang mức độ thật sự nghiêm trọng như ở nền bóng đá một số nước khác bị tổ chức tài phiệt thao túng. Cá độ bóng đá ở VN còn mang tính chất tự phát và gần đây khi cơ quan bảo vệ pháp luật làm quyết liệt, những đối tượng mua bán độ chuyển sang bóng đá quốc tế. Còn việc nhường điểm ở một số trận đấu, theo chúng tôi không phải vì mục đích kinh tế mà vì lãnh đạo các CLB hoặc cầu thủ của hai đội này quen thân với nhau nên sẵn sàng chia sẻ điểm với tỷ số hợp lý nào đó. Tuy nhiên, điều này cho thấy, bóng đá VN còn đơn giản, chưa chuyên nghiệp. Nếu còn tồn tại thứ bóng đá tình cảm thì bóng đá VN sẽ mất niềm tin ở khán giả và không thể phát triển được.

* Thưa ông, những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực sân cỏ có được xử lý hình sự không?

- Tôi hay xem bóng đá VN qua tivi và nhận thấy tại V-League gần đầy đã xảy ra nhiều vụ xung đột trên sân giữa cầu thủ với nhau, giữa cầu thủ với trọng tài và cả sự cố trên khán đài. Bạo lực sân cỏ là vấn nạn không thể chấp nhận được. Nếu bạo lực gây thiệt hại nặng nề về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng thì những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Năm ngoái, một số cổ động viên quá khích Hải Phòng vì có hành vi gây rối trật tự công cộng nên Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án.

Năm 2005, VFF và C14 cũng đã từng ký kết quy chế phối hợp về phòng, chống tiêu cực và ngay sau đó, một loạt những vụ án điểm đã được phanh phui như vụ 7 cầu thủ U.23 bán độ tại SEA Games 23, vụ một số HLV hối lộ và trọng tài nhận hối lộ...

* Ông có khuyến cáo nào với VFF về các hình thức xử lý đối với những trường hợp vi phạm?

- VFF phải cân nhắc để xử lý một cách rất thận trọng, chuẩn xác các vụ việc. Tất nhiên không thể yêu cầu hoàn hảo 100% nhưng nếu xử lý không chính xác sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận, như vụ Công Vinh vái trọng tài hay vụ sân Nam Định. Tôi mong các quyết định của VFF không gây phản ứng quá trái chiều. Nếu xử không nghiêm sẽ vô tình khuyến khích bạo lực. C14 đề nghị VFF phải thường xuyên trao đổi thông tin trước khi đưa ra các quyết định xử lý kỷ luật cho đúng đắn. Với những nghi vấn thì VFF phải phối hợp với công an để bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi sẽ điều tra xác minh, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Không nên xử lý nóng vội, chưa đạt được sự đồng thuận của các bên. VFF, BTC giải phải cùng nhau phối hợp để nhắc nhở trọng tài, cầu thủ.

Đối với một số sân mà hiện tượng vi phạm đã trở thành quá trình lâu dài, từng bị xử lý hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái diễn thì phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát với các khán giả trước khi vào sân. Thậm chí, cần áp dụng những quy định nghiêm khắc như cấm khán giả đến sân. Và để đánh giá hành vi phản ứng của khán giả thì VFF nên căn cứ vào hậu quả xảy ra, để xem chỉ cần xử lý hành chính hay phối hợp với công an tiến hành xử lý hình sự. C14 luôn mong muốn cùng với VFF, phòng là tốt nhất đối với các tệ nạn tiêu cực từ đội tuyển, đến các CLB và các giải đấu...

* C14 đánh giá thế nào về sự đóng góp của báo chí trong phòng, chống tiêu cực?

- Trong thời gian qua, chúng tôi thu thập rất nhiều thông tin từ báo chí về những biểu hiện tiêu cực trong bóng đá. Nếu có bài viết về trận đấu có dấu hiệu tiêu cực, chúng tôi sẽ xác minh.

Theo đại tá Hồ Sỹ Tiến dự kiến trong tháng 6 tới, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ đề án đấu tranh phòng, chống tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc. “Cá độ bóng đá cũng là một trong những hình thức đánh bạc. Hiện nay, mỗi năm, VN thất thoát hàng nghìn tỉ đồng vì cá độ bất hợp pháp. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì đề án sẽ đưa vào chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm. Từ đó mới có thể thành lập các trung tâm cá độ hợp pháp trong tương lai” - ông Tiến nói.

Lan Phương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.