Nguyễn Châu Hồng: Chỉ muốn sống chết cùng quê hương An Giang

26/04/2020 07:10 GMT+7

Bóng đá cả nước cũng như vùng châu thổ Đồng bằng Sông Cửu Long, không ai không biết đến cái tên Châu Hồng (sinh năm 1960, tại huyện Phú Châu, An Giang) một thời vang bóng, trấn giữ khu trung tuyến của đội tuyển An Giang và tuyển Việt Nam

17 tuổi được gọi lên đội tuyển tỉnh

Bóng đá của vùng đất Bảy Núi (An Giang) được hình thành và đi vào hoạt động mạnh sau năm 1975. Năm 1977, huyện Phú Châu tuyển chọn những cầu thủ có trình độ tốt để thành lập đội bóng, nhằm chuẩn bị tham dự mùa Giải bóng đá tỉnh An Giang lần đầu tiên. Nguyễn Châu Hồng là gương mặt trẻ, mới 17 tuổi đã được giao ngay vị trí tiền vệ trung tâm (theo sơ đồ chiến thuật 4-3-3).

Tại mùa giải này, Phú Châu giành chức vô địch với những trận thắng đầy thuyết phục với dấu ấn không nhỏ từ đôi chân “ma thuật” của Châu Hồng. Sau giải, Ban Huấn luyện đội tuyển tỉnh An Giang đã nhanh chóng điền tên anh vào đội hình chính thức vào cuối năm 1977. Thời điểm này bóng đá An Giang có những cái tên như Lưu Quốc Tân, Dương Thiện Phúc, Phương, Dũng, Quyền, Thẩm, 2 anh em: Mi Sên, Mi Tư,… cùng với Châu Hồng tạo nên bộ khung vững vàng. Vào thời đó, người xem thi đấu rất nhiều và ngưỡng mộ, không chỉ tại An Giang mà mở rộng qua nhiều chuyến du đấu ở ĐBSCL, hay tại TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh,...

Châu Hồng

Dương Thu

Đầu năm 1980, Giải bóng đá ĐBSCL thi đấu được xem là “mốc” lịch sử, dù Đồng Tháp lúc đó chính là đội bóng hùng hậu với các tên: Lộc “Nàm”, Bạch, Hảo, Chôm, Cang, Thái Học… hay đội Cửu Long (nay là Vĩnh Long) có 2 cặp anh em ruột Chí Thiện, Chí Trung; Quang Tòng, Quang Tiên; Lương Trung Minh, Tăng Khánh, A Lý, Văn Hường, Ngọc Lễ, Thành Châu,… Đội Tiền Giang có: Lê Văn Kéo, Lê Văn Kịch (Khanh- 2 anh em ruột), Lê Minh Quang, Thành Danh, Xuân Hương, Hoài Phong..đều rất hay, nhưng đội An Giang với lối đá tấn công rực lửa thông qua đôi chân của Châu Hồng đã đánh bại các đối thủ của mình để cùng Tiền Giang, Đồng Tháp có mặt tại mùa Giải bóng đá A1 toàn quốc 1980 đầu tiên (nay là V-League). Sau đó Châu Hồng cùng đội An Giang lại tiếp tục chơi thành công tại mùa giải 1981.

Nói về Châu Hồng giai đoạn đó, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận xét “ Châu Hồng có kỹ thuật lừa bóng và dẫn bóng nhanh, khéo léo. Đặc biệt khả năng tổ chức rất nhanh nhẹn và đa dạng nên làm chủ được khu giữa sân. Xem anh đá rất thích vì luôn xông xáo, chọn vị trí hay và biết cách tạo đột biến bởi những pha xử lý tinh tế”. Chính vì trình độ ở tuổi 22 phát triển mạnh mẽ như vậy, Châu Hồng đã lọt vào mắt xanh của Ban huấn luyện đội Hải Quan. Anh được mời về thi đấu hộ công sau lưng Nguyễn Văn Thành (Thành Gù). Lúc đầu, thi đấu vị trí tiền vệ biên trái, sau đó kéo vào giữa thi đấu tiền vệ tấn công (trong chiến thuật 4-4-2).

Châu Hồng (hàng ngồi bìa trái) trong đội hình Hải Quan tham dự giải vô địch A 1 toàn quốc 1983

Tư liệu

Thời điểm này, đội bóng Hải Quan rất mạnh với Hồ Thanh Cang, Lê Kim Thanh (tức Bình lùn), Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần, Hồ Thanh Dũng, Minh Nhí, Nguyễn Văn Thành, Tô Văn Hải, Vũ Nhật Thành.. nên Châu Hồng đã phải nỗ lực rất nhiều mới “tồn tại” trong rừng sao. Anh nói “Thời đó đá cho Hải Quan rất sướng vì đi đâu ai cũng biết. Bởi Hải Quan là đội luôn biết thích nghi với bất cứ lối đá nào, rắn cũng được mà mềm mại thì vẫn tuyệt hay. Chính Hải Quan là đội khiến cho nhiều đội phía Bắc phải “chùn chân” mỗi khi đối đầu vì sức mạnh đồng đội và từng cá nhân luôn vô cùng ăn ý và gắn kết. Tôi tự hào khi có một giai đoạn vàng son trong đội hình mạnh như thế”

Sau 2 mùa giải, Châu Hồng trở về An Giang thi đấu cho đội quê nhà bỏ qua rất nhiều lời mời gọi tiếp tục “lập nghiệp” tại Sài Gòn. Lý do như anh tâm sự “Các chú lãnh đạo tỉnh muốn xây dựng lại đội bóng cho tốt nên rất cần những người có kinh nghiệm như tôi làm đầu tàu. Tôi lại nặng tình với quê hương nên không nỡ nhìn nơi mình sinh ra lớn lên lại lận đận với thành tích bóng đá vì vậy tôi dứt bỏ lời mời hậu hĩnh của bóng đá TP.HCM để về lại An Giang”.

Châu Hồng (thứ 2 từ phai cùng Trần Ngọc Thái Tuấn (bìa trái) đã mang lại niềm tin và sức sống mãnh liệt cho An Giang, kéo khán giả đến sân đông

Dương Thu

 

Quay lại An Giang, Châu Hồng như một ngôi sao sáng trên mãnh đất Bảy Núi khi mang hết khả năng, vốn liếng tích lũy từ việc chơi cho Hải Quan để dìu dắt lớp đàn em. Với chiếc băng đội trưởng, Châu Hồng không chỉ là thủ lĩnh trên sân mà còn là người rất tình cảm, sống rất chan hòa ngoài đời, được đồng đội quý mến. Dưới sự dẫn dắt của anh, An Giang đã 2 lần giành hạng ba giải vô địch quốc gia năm 1987 và 1990 (đều sau CLB Quân đội và Quảng Nam Đà Nẵng).

Trong đó ấn tượng nhất chính là lần đánh bại Cảng Sài Gòn (lúc đó là đương kim vô địch) bằng đá 11m ở tứ kết sau đó thắng luôn Phú Khánh 3-1 ở trận tranh hạng ba. Còn năm 1990, An Giang chỉ thúc thủ trước CLB Quân đội (có Hồng Sơn khi đó mới tỏa sáng) bằng đá 11m ở bán kết trên sân Nha Trang. Năm 1991, Châu Hồng từng được bầu vào đội hình 11 cầu thủ tiêu biểu xuất sắc của bóng đá Việt Nam.

Lần đầu tiên xuất ngoại bối rối như trẻ thơ

Gắn bó và phấn đấu miệt mài trên sân cỏ, cùng với những thăng trầm của bóng đá An Giang, Châu Hồng đã khoác trên mình chiếc áo Tuyển Quốc gia vào năm 1991, thời gian này Việt Nam góp mặt trở lại kỳ SEA Games 16 tại Philippines.

Châu Hồng (hàng ngồi thứ 3 từ trái) cùng tuyển Việt Nam dự SEA Games 1991

Tư liệu

“Khi đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 16, tôi cũng như nhiều đồng đội không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng chính cái lần đầu tiên đó đã đem lại cảm giác thoải mái, thi đấu hết mình và chúng tôi suýt tạo nên bất ngờ. Chuyến thi đấu đó, tôi cũng như nhiều cầu thủ trong đội tuyển như: Trần Xuân Lý, Lê Khắc Chính, Quản Trọng Hùng, Đinh Thế Nam, Đoàn Ngọc Tuấn, Lưu Tấn Liêm, Đặng Dũng, Lư Đình Tuấn, Đỗ Văn Minh, Hà Vương Ngầu Nại, Chu Văn Mùi..rất nhiều người chưa từng trải qua cảm giác được xuất ngoại. Thế nên, suốt thời gian tập huấn ở Hà Nội rồi ở TP.HCM, trước khi lên đường sang Philippines tham dự SEA Games 16, chúng tôi vô cùng háo hức”.

Cũng phải nói thêm một thực tế rằng, quãng thời gian tập huấn ở Nhổn (Hà Nội), nhiều anh em trong đội dao động về tư tưởng giữa việc tiếp tục ở lại đội tuyển hay trở về địa phương. Ở Nhổn những ngày đó phải nói là rất buồn, giữa đồng không hiu quạnh, sau buổi tập, anh em cứ đi ra đi vào và đập muỗi. Nhưng cũng có nhiều “chiến hữu” bỏ về, còn tôi quyết định ở lại. Khi bước lên máy bay sang Philippines, cảm giác lâng lâng khó tả”, Châu Hồng nói về lần xuất ngoại đầu tiên đó

Châu Hồng (hàng trên thứ 2 từ trái) cùng tuyển Việt Nam sang Philippines dự SEA Games 1991

ảnh tư liệu

 

“Ngày ấy đội có “cây hài” Chu Văn Mùi nói chuyện dí dỏm suốt cả ngày nên quãng đường sang Philippines trở nên ngắn và anh em rất vui. Sang đến nơi, mỗi cầu thủ được phát 3 USD/ngày để có tiền tiêu vặt. Khoản tiền không lớn nhưng ngày đó rất quý. Nhiều người còn không dám tiêu để đem về làm kỷ niệm. Thêm nữa, trước khi lên đường, các cầu thủ được phát mỗi người 2 đôi giày, 1 đôi để tập, đôi còn lại dùng khi thi đấu. Cầm đôi giày mới được sản xuất từ nước Đức, tôi cứ vân vê, nhiều buổi tập về không muốn cởi ra vì cảm giác đi giày mới rất thích. Rồi khi đến khách sạn bên Philippines, tôi cứ nhớ mãi chuyện khi bước vào bàn ăn ở khách sạn, dùng bữa kiểu buffet, nhiều anh em không biết lựa ăn món gì, vì là lần đầu tiên được ăn nhiều thứ đến như vậy. Thế nên, dù nhiều người đã 30 tuổi rồi nhưng lúc đứng trước bàn ăn, như trẻ thơ, ánh mắt ai cũng bối rối”, Châu Hồng kể lại như một kỷ niệm khó quên.

 Bất ngờ khi trở lại

2 năm sau chuyến xuất ngoại đó, Châu Hồng giã từ sân cỏ, chuyển sang làm công nhân tại Công ty Xuất nhập khẩu Thắng Lợi tỉnh An Giang. Tưởng đâu công việc này sẽ đi theo mình suốt quãng đời còn lại. Nhưng thật bất ngờ, cơ duyên khi Phó Giám đốc Sở TDTT An Giang Âu Xuân Đôn gọi Châu Hồng quay lại làm công tác huấn luyện bóng đá, bởi đội bóng An Giang thi đấu không thành công tại mùa giải 2000-2001, phải xuống hạng. Anh đã đồng ý khi cùng với Ban huấn luyện đội An Giang “khởi động” trở lại… và năm 2003 nhanh chóng đưa đội bóng tỉnh nhà lên lại hạng nhất và thành lập được CLB Bóng đá tỉnh, nhằm quản lý tập trung toàn bộ các tuyến đào tạo.

Châu Hồng từng chỉ đạo Thủ môn Minh Nhựt

Dương Thu

Châu Hồng và tác giả bài viết

Tuyết Sương

7 năm liền gắn bó, thì lúc này tỉnh Tà Keo (Vương quốc Campuchia) địa phương kết nghĩa với An Giang đã mời Châu Hồng đến làm chuyên gia bóng đá cho địa phương Tà Keo 3 năm liền (2010- 2012). Từng bước, đội Tà Keo trở thành đội bóng mạnh, liên tục lọt vào tốp dẫn đầu giải quốc gia. Cuối năm 2012 anh trở về nắm đội An Giang, tại mùa giải này đội bóng chính thức lên hạng thi đấu ở Giải bóng đá Vô địch quốc gia mùa bóng năm 2014. Tuy nhiên, tại mùa giải 2014, đội bóng không thể trụ hạng. Và cứ thế, những cuộc thay đổi, lên xuống hạng- nhưng Châu Hồng vẫn tiếp tục gắn bó với bóng đá An Giang, bây giờ là trên cương vị trợ lý hỗ trợ kinh nghiệm cầm quân và trui rèn tâm lý, bản lĩnh thi đấu cho cầu thủ .

Châu Hồng trên sân Long Xuyên chuẩn bị cho giải hạng nhất quốc gia

Dương Thu

Châu Hồng cho biết thêm: “ Cống hiến cho bóng đá và tỉnh nhà, tôi từng được Nhà nước cấp cho 1 lô đất 85m2 vào năm 1991 để rồi năm sau tôi cất được căn nhà nhỏ cấp 4, chỉ cách sân vận động An Giang hơn 1km, làm cơ ngơi cho vợ tôi buôn bán tạp hóa để nuôi 2 đứa con ăn học (nay- con trai 32 tuổi và con gái 25 tuổi). Thêm vào đó người hâm mộ tỉnh nhà luôn động viên, cổ vũ tôi hết mình khi tôi còn là cầu thủ cũng như mỗi khi tôi dẫn quân thi đấu trong thời gian còn làm HLV trưởng. Chính sự thương yêu và cách đối xử có tình có nghĩa đó nên tôi đã quyết định dù có ai chào mời về đội bóng nào, tôi cũng khước từ và chỉ muốn sống- chết trên quê hương An Giang này thôi” 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.