Vụ lật kèo lịch sử: Đồng Tháp và câu chuyện 'tiền đạo không bằng tiền mặt'

03/09/2020 08:40 GMT+7

Cho đến giờ chức vô địch giải A1 toàn quốc năm 1989 của đội Đồng Tháp vẫn là tiếng thơm cho bóng đá khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng có một giai thoại chính người trong cuộc kể lại về chuyện “lật kèo” của đội bóng này với người láng giềng Tiền Giang.

Đồng Tháp hên từ vòng bảng, nhưng…

Mùa giải tách hạng đầu tiên của bóng đá Việt Nam năm 1989 có đến 32 đội tham gia chia làm 3 nhóm, trong đó có 2 nhóm 11 đội và 1 nhóm 10 đội thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 7 đội đầu mỗi nhóm vào vòng 2. Khi đó cách tính điểm là thắng 2 điểm, hòa 1 điểm và thua 0 điểm. Tiền Giang ở nhóm A xếp hạng 4 với 12 điểm (thi đấu 10 trận, 4 thắng, 4 hòa và 2 thua), Công an Hải Phòng và Đồng Tháp ở nhóm B, đội bóng đất cảng xếp hạng 6 (thắng 3, hòa 3, thua 3, hiệu số 12-9), Đồng Tháp cũng thắng 3, hòa 3 và thua 3 nhưng hiệu số là 11-9 (thua đúng 1 bàn thắng) xếp hạng 8. Căn cứ thứ tự này, chỉ có Tiền Giang và Công an Hải Phòng vào thi đấu vòng 2, còn Đồng Tháp sẽ bị loại.
Nhưng vận may đã đến với thầy trò HLV Phạm Duy Tiến (khi đó ông Tiến là HLV trẻ tuổi nhất dẫn dắt một CLB, mới 28 tuổi) khi đội Sông Lam Nghệ Tĩnh (xếp nhì nhóm B) do đi Lào làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế, nên Đồng Tháp từ vị trí thứ 8 được đôn lên thay thế và vào thi đấu vòng 2 bảng 2 chung nhóm với Tiền Giang và Công an Hải Phòng cùng 3 đội khác là Dệt Nam Định, An Giang, Đồng Nai. Ở vòng 2 này thi đấu vòng tròn một lượt không có trận hòa, thắng vẫn 2 điểm nhưng nếu đội thua bằng đá 11 m thì có 1 điểm. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến khi xảy ra sự cố cầu thủ Tiền Giang tức giận rượt đuổi cầu thủ Đồng Tháp trên sân sau khi kết thúc trận ở lượt đấu áp chót vì cho rằng đội bóng láng giềng “bẻ kèo”, thì người ta mới biết có một liên minh mờ ám mà thời đó báo chí gọi là “liên minh ma quỷ”. Theo giao kèo, 3 đội Đồng Tháp, Tiền Giang và Công an Hải Phòng sẽ giữ trọn mỗi đội 2 điểm sau các cuộc đối đầu và tùy tình hình có thể để đội thua bằng 11 m nhằm có thêm 1 điểm. Với phương án này, Đồng Tháp phải thua Tiền Giang, Tiền Giang thua Công an Hải Phòng và Công an Hải Phòng thua Đồng Tháp.
2 trong 3 trận này diễn ra đúng kịch bản, nhưng ở trận Tiền Giang - Đồng Tháp lại không. Kết thúc 90 phút thi đấu 2 đội hòa 0-0 và theo giao kèo, Đồng Tháp phải thua để nhận 1 điểm còn Tiền Giang có 2 điểm. Nhưng khi đó Đồng Tháp rất muốn giành ngôi đầu bảng vượt qua Dệt Nam Định để lọt vào vòng bán kết, trong khi Tiền Giang đã hết cơ hội tranh chấp ngôi đầu (ở giai đoạn 2 lấy 3 đội đầu 3 bảng và đội nhì có thành tích tốt nhất vào bán kết - PV) nên đội bóng đến từ Cao Lãnh rất cần có 2 điểm, vì nếu thua chỉ 1 điểm thì sẽ xếp nhì bảng, thậm chí mất luôn cơ hội khi so với các đội nhì bảng khác. Chính vì vậy đội bóng của ông Phạm Ngọc Thành (hay gọi là ông Sáu Thành), Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp, khi đó đã quyết định lật kèo thắng luôn, bởi nghĩ rằng Tiền Giang có thua cũng chẳng phàn nàn gì. Ai dè sau trận đấu, chính ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang, đã điên tiết tìm cách “hỏi tội” đối thủ phá giao kèo cuộc chơi tay ba. Chính người trong cuộc kể lại “sếp” của Đồng Tháp lúc đó cho rằng kết quả chỉ là một tai nạn và khẳng định sẽ “bồi thường” cho Tiền Giang và cả Công an Hải Phòng. Sau đó Đồng Tháp chơi thăng hoa ở giai đoạn cuối, thắng Điện Hải Phòng ở trận bán kết và thắng luôn CLB Quân đội 1-0 ở trận chung kết để lên ngôi vô địch. Còn việc “bồi thường” thế nào vẫn là một bí ẩn.

Trận chung kết năm 1989 trên sân Hàng Đẫy: Thái Học (Đồng Tháp) tranh bóng cùng Trần Anh Quang (CLB Quân đội)

tư liệu

Câu nói bất hủ

Khi còn đương nhiệm, ông Sáu Thành từng nổi tiếng với câu nói để đời: “Tiền đạo không bằng tiền mặt”, ý muốn nói dù đội bóng có chân sút hay đến mấy đi chăng nữa thì cũng không thể qua nổi đồng tiền. Đồng Tháp có dùng điều đó để đánh đổi hay không thì chẳng ai biết, nhưng chắc chắn có một điều đội bóng này ở mùa giải năm 1989 vừa hay lại vừa may. Nếu không có thực lực thì chẳng thể nào đi đến trận cuối cùng, nhưng trên hành trình có rất nhiều câu chuyện may mắn bất ngờ. Nhiều người kể lại là sau chiến thắng vang dội trên, các cầu thủ được thưởng rất lớn và cả “đối tác” của đội cũng được hậu tạ hậu hĩnh. Thậm chí có người phải thuê hẳn mấy chiếc xe tải để… chở lúa từ Đồng Tháp về.
Ông Sáu Thành, người được coi là đạo diễn xuất sắc của chiến công năm đó, giỏi tính toán, cả khi mạnh lẫn lúc yếu. Chính ông giải thích: “Bóng đá thời nào cũng thế, có thực mới vực được đạo, tiền bạc chi phối nhiều thứ lắm. Bóng đá Đồng Tháp không thiếu nhân tài, nhưng phải có may mắn mới đi đến cùng”. Chính lời giải thích đó mà sau này mỗi lần nói về bóng đá Đồng Tháp, người ta cứ râm ran câu nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.

"Trần Công Minh tham gia bán độ không phải vì gia đình nghèo khó"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.