Ông bầu Quách Thành Lai từ trần: Dang dở tâm tư bóng đá TP.HCM

18/07/2018 16:25 GMT+7

Bóng đá Sài Gòn từng có thời rộn ràng với hàng loạt ông bầu, mỗi người một phách đầy cá tính, trong đó cách chơi lớn mà hào sảng, vô điều kiện đầy bình dị của ông Quách Thành Lai (tự bầu Hưng) luôn có một vị trí đặc biệt đến tận bây giờ, khi ông đã ra đi mãi.

Bầu Hưng rất giàu. Có giàu mới xây được một cơ ngơi thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á rộng 11 ha ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh trước đó toàn gồm lau sậy, ao sình.
Nhưng cái “giàu” của ông thể hiện ở tình yêu bóng đá vô điều kiện, gần 20 năm trước dám bỏ 150 tỉ đồng (năm 2001) xây trung tâm thể thao Thành Long với 1 sân bóng có mái che, 4 sân tập tiêu chuẩn, hồ bơi, sân tennis, bóng chuyền, bóng rổ, nhà hàng, nhà hát, câu cá giải trí, khách sạn…
Chơi lớn vậy, nhưng không đẩy thương hiệu mình lên như nhiều ông bầu khác. Ông bảo không phải tính cách của mình. Và làm bóng đá theo cách của mình.
Những người từng gần ông bầu này đều chung lời kể về những lần ông đi làm từ thiện mà không cần khoe ai cả. Họ kể ông thích thì chở vài chục tấn gạo xuống tận nơi cho người nghèo.
Hoặc rằm hay mùng 1, bất cứ ai buôn thúng bán bưng gì đi ngang công ty ở đường Phạm Đình Hổ (quận 6) ông đều kêu vào mua hết. Mua trả tiền đầy đủ nhưng không lấy hàng.
Điều này được sự xác nhận của nhà báo Phạm Ngọc Uyên (VTC), một cựu cầu thủ từng có 2 năm duyên nợ gắn với ông trong màu áo Thành Long trước khi theo nghiệp viết lách.
Anh kể: “Vào bữa ăn, bầu Hưng đến từng bàn ngoài việc hỏi các anh em ăn uống thế nào, nếu không ổn thì nói để báo đầu bếp điều chỉnh, rồi ông còn tự tay gắp thức ăn cho cầu thủ.
Phải nói là bầu Hưng đến với bóng đá bằng tình yêu vô điều kiện. Ông yêu cầu thủ như con thì mới mộc mạc, gần gũi như thế được. Rất bình dị, đúng chất Nam Bộ”.
Một góc trung tâm thể thao Thành Long, tổ hợp thể thao, giải trí, khách sạn... rộng 11 ha quy mô khép kín được bầu Hưng xây năm 2001, với tổng chi phí 150 tỉ đồng  Khả Hòa
Theo lời anh Ngọc Uyên, giai đoạn 1999-2000 dù đá phong trào nhưng đội Thành Long hễ thắng là được thưởng rất to, từ 20-30 triệu đồng. Đó là con số “khủng” bởi vàng khi đó chỉ hơn 400 ngàn đồng một chỉ. Các đội bóng lớn bấy giờ như Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM… có thưởng cũng chỉ đến từng đó.
Anh cho biết thêm về sự cưng chiều cầu thủ của ông: “Rồi thích thì ông thưởng cầu thủ vài trăm đô la Mỹ tiêu chơi. Thậm chí, ông tặng nhẫn vài chỉ vàng để anh em cầu thủ giữ làm kỷ niệm. Tôi còn nhớ ấn tượng về ngày thành lập công ty, bầu Hưng kêu nhân viên chở mấy bao tải tiền để chơi trò xổ số và phát thưởng cho nhân viên, cầu thủ.
Vậy đó, nhưng anh em toàn đùa nhau ra đường người ta cứ tưởng ông là dân làm thuê vì chỉ mặc áo thun cộc tay, quần cộc, mang dép lê. Còn cấp dưới của ông thì quần áo chỉnh tề, đóng thùng”.
Bầu Hưng là người gốc Hoa, quê ở Vĩnh Châu (trước Bạc Liêu, nay thuộc Sóc Trăng). Gia đình ông do thời cuộc phải lên Sài Gòn – Chợ Lớn lập nghiệp. Ông làm đủ thứ nghề từ làm bánh bột năng, đến bán bánh mì dạo… rồi sau này là cả cơ nghiệp lớn. 
Theo lời nhà báo Ngọc Uyên, trong những lần trà dư tửu hậu, bầu Hưng từng kể rằng hồi xưa muốn đến trường thì sáng nào cũng bán cho xong giỏ cần xé bánh mì mới đi học.
Bầu Hưng và HLV Trần Công Minh trong một trận đấu tại Thành Long. Bầu Hưng có tiếng thương người, rất hay giúp đỡ tất cả từ cầu thủ cho đến bà con xung quanh khu thể thao Thành Long hễ ai nghèo khó luôn được ưu tiên xét vào làm Khả Hòa
Thuở lam lũ nhất, 2 cha con ông từng ở nhà thuê, thậm chí nhà thuê còn bị cháy sạch, bao nhiêu tiền dành dụm tiêu tan… nhưng rồi ông đều tự đôi tay mình đứng dậy được và tạo ra sự nghiệp cho mình.
Như 3 lần ông phải mổ tim trong 30 năm kinh doanh vậy (có người khẳng định chắc nịch bầu Hưng đã đến 6 lần thay van tim), trước khi “trả” lại cho xã hội với trung tâm thể thao Thành Long và bệnh viện Hoàn Mỹ (bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam). 
Những câu chuyện như thế, người viết hỏi anh em cầu thủ từng chơi cho bầu Hưng đều chung gật đầu cái rụp, tin chắc kể thật vì ông chẳng có nhu cầu nói xạo.
HLV Trần Minh Chiến, từng cùng huyền thoại Tam Lang về Thành Long nắm đội cho biết bầu Hưng làm theo kiểu bóng đá rất riêng, rất hay giúp đỡ người.
Thành Long những năm đầu còn có lời, về sau toàn lỗ, mỗi tháng hàng trăm triệu đồng nhưng ông vẫn không nề hà. Chỉ sau này, khi yếu và buồn, ông mới lui vào ở ẩn trong thế giới khép kín của mình.
Có thể nói, bầu Hưng là tiêu biểu cho một giai đoạn bóng đá đặc biệt của TP.HCM, mang đậm sắc thái "đất phương Nam" khi chuyển mình giữa cơ chế nhà nước sang tư nhân hóa, nơi tính phóng khoáng, thượng võ của các ông bầu và tính chuyên nghiệp hóa vẫn chưa thực sự song hành.
HLV Hứa Hiển Vinh trong một buổi tập của học viện PVF vốn có một thời gian đặt đại bản doanh tại Thành Long. Từ khi PVF rút ra Bắc, Thành Long trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo vô cùng Khả Hòa 

Ông Quách Thành Lai (tự bầu Hưng) đã từ trần lúc 16 giờ 20 phút ngày 16.7.2018, hưởng thọ 68 tuổi. Lễ nhập quan ngày 17.7. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 21.7 (nhằm 9 tháng 6 Mậu Tuất), sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại nghĩa trang Triều Châu, Dĩ An (Bình Dương).

Phận xuồng nhỏ trước sóng lớn
Chỉ 3 tháng sau khi nhận CLB TP.HCM từ Ngân hàng Đông Á, tháng 1.2005, bầu Hưng xin trả lại đội bóng về Sở VH-TT-DL vì “không kham nổi”. Chữ kham như ông miêu tả cùng Thanh Niên khi đó là: “Việc chậm trễ trong khâu thủ tục khiến 2 doanh nghiệp nước ngoài tuyên bố rút lui không tài trợ 5,2 tỉ đồng cho đội bóng. Nói thật, số tiền này ngay cả các đội chuyên nghiệp cũng khó tìm, huống hồ là đội hạng Nhì.
Các công ty nước ngoài đều có những chiến lược dài hạn và họ không thể chờ lâu hơn, bởi sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Tôi đã cố thuyết phục nhưng vô vọng. Tôi cảm thấy những tâm huyết của mình cứ như lục bình trôi. Tôi đã trao đổi rất nhiều lần với các anh lãnh đạo Liên đoàn bóng đá TP.HCM nhưng chờ mãi, chờ mãi mà không thấy gì cả.
Tôi vừa mới mổ tim xong, cứ nghĩ đến chuyện bỏ đội là tôi cảm thấy ngực đau nhói. Có thể người hâm mộ cho rằng tôi chỉ hứa cho sướng miệng rồi bỏ nhưng tôi không phải là loại người bạc tình bạc nghĩa như vậy. Tôi chỉ cảm thấy tủi thân và tự an ủi mình rằng "phận xuồng nhỏ chỉ nên chạy trong rạch nhỏ, đừng ra sông lớn mà sóng lớn”...”. Đến tháng 5.2005, CLB TP.HCM ra mắt, bầu Hưng là chủ tịch đầu tiên. Nhưng giấc mơ CLB TP.HCM sẽ là một thế lực xứng với vị thế thành phố cho đến nay vẫn dang dở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.