Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn: VPF phải mang lại bóng đá sạch

14/12/2011 01:53 GMT+7

Được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL giao nhiệm vụ giám sát và theo dõi Đại hội cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) vào ngày hôm nay 14.12, ông Phạm Văn Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT quan ngại nhất khâu nhân sự của VPF.

Được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL giao nhiệm vụ giám sát và theo dõi Đại hội cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) vào ngày hôm nay 14.12, ông Phạm Văn Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT quan ngại nhất khâu nhân sự của VPF.

Ông Tuấn nói: “Tôi cho rằng, cũng như bất kỳ một tổ chức mới được thành lập nào, vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt chính là nhân sự. Bởi đó là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức, và VPF cũng không nằm ngoài quy luật này. Hơn nữa, VPF được thành lập trong bối cảnh có nhiều biến động của bóng đá Việt Nam. Trong hoàn cảnh hiện tại, việc tìm được những người có tâm, có bản lĩnh, kinh nghiệm chuyên môn kết hợp với các doanh nhân sáng lập để điều hành tốt hoạt động của VPF nhằm mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam là vấn đề khá nan giải”.

Báo Thanh Niên cùng nhiều tờ báo khác đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng “bình mới rượu cũ” của Công ty VPF. Để tránh vết xe đổ mà Ban Tổ chức giải đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã mắc phải ở những mùa giải trước, theo ông, VPF phải thay đổi ở những điểm mấu chốt nào?

Mục tiêu ra đời của VPF là nhằm tổ chức, điều hành V-League một cách chuyên nghiệp, khắc phục những vấn đề bất cập mắc phải trong thời gian trước đây. Vì là một công ty mới được thành lập, bị ràng buộc bởi các quy định của luật Doanh nghiệp, luật Thể dục, thể thao và các quy định có liên quan của FIFA, VFF, nên chắc chắn VPF phải hoạt động một cách hết sức minh bạch, nhất là về tài chính. Do đó, tôi cho rằng những cán bộ chuyên môn của VFF được cử sang VPF cần thể hiện được bản lĩnh và trách nhiệm của mình, tránh lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong tổ chức, điều hành giải đấu.

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đã nói rõ, khi Công ty VPF ra đời sẽ có nhiều khó khăn nảy sinh. Lãnh đạo ngành kỳ vọng gì ở VPF và còn những điều gì lo lắng?

Tôi kỳ vọng VPF sẽ hoạt động một cách hiệu quả, đúng tôn chỉ và mục đích đã đề ra của mình, góp phần vào mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam. Đối với những vấn đề còn băn khoăn, lo lắng, quan trọng nhất là phải đoàn kết và tập hợp được trí tuệ, kinh nghiệm của các doanh nhân với đội ngũ cán bộ chuyên môn bóng đá trong việc điều hành hoạt động của VPF, họ phải đồng lòng vì mục đích chung. Vấn đề tiếp theo là phải giải quyết một cách hài hòa giữa lợi ích kinh tế với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của những đối tượng tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Cuối cùng, dù có gặp phải bất cứ khó khăn nào, VPF cũng phải thực hiện bằng được nhiệm vụ chính trị của mình, đó là góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức bóng đá trong sạch của người hâm mộ nước nhà.

8 giờ 30 sáng nay, Đại hội cổ đông Công ty VPF sẽ được chủ trì bởi Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ngoài lãnh đạo Tổng cục TDTT còn có sự chứng kiến của ông Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đại diện Bộ Tài chính, Kiểm toán... Sẽ có đầy đủ 28 CLB tham dự nhưng chỉ 24 CLB được đóng góp vốn cùng với VFF (vì còn 4 CLB hạng nhất chưa phải chuyên nghiệp). Chiều qua, ban trù bị đã rà soát lại công việc của Đại hội.

Dự kiến, Hội đồng quản trị sẽ gồm 9 thành viên, trong đó VFF được giới thiệu 3 quan chức gồm ông Lê Hùng Dũng, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn - Tổng thư ký. 14 CLB ngoại hạng sẽ có 4 đại diện, 10 CLB hạng nhất được góp vốn sẽ chỉ có 1 đại diện. Ngoài ra, Hội đồng quản trị sẽ bầu thêm một thành viên có uy tín xã hội, sau đó sẽ chỉ định Tổng giám đốc và các chức danh của ban điều hành trên cơ sở đồng thuận của các cổ đông.

Nhật Duy

Lan Phương
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.