Sân bóng ngày càng thiếu an toàn

09/04/2010 09:45 GMT+7

Một trong những nguyên nhân khiến các trọng tài xử lý thiếu kiên quyết, thiếu mạnh tay đó chính là sức ép từ khán đài. Hiện xét về độ an toàn, sân Bình Dương chính là một trong những sân được xem là an toàn nhất V-League hiện nay.

Khán giả trên sân Pleiku ném đồ vật xuống sân trận HA.GL gặp BD - Ảnh: B.D

Một trong những nguyên nhân khiến các trọng tài xử lý thiếu kiên quyết, thiếu mạnh tay đó chính là sức ép từ khán đài. Hiện xét về độ an toàn, sân Bình Dương chính là một trong những sân được xem là an toàn nhất V-League hiện nay.

Dù mỗi trận đấu ở sân này luôn có trung bình trên 10 ngàn khán giả, nhưng các trọng tài khi điều khiển trận đấu ở đây rất ít khi phải chịu đựng những trận chửi rủa hoặc quăng vật lạ, bao vây sau trận đấu. Một phần là bởi sân Bình Dương luôn làm tốt công tác an ninh nhưng lý do quan trọng nhất là văn hóa cổ vũ khá “lành” của người dân ở đây.

Sân Đồng Tháp là một trong những sân có đông khán giả nhất ở Việt Nam và thường được gọi là “chảo lửa”. Những năm trước đây, sân Đồng Tháp cũng từng được coi là rất an toàn. Nhưng ở mùa giải 2009 trong trận đấu CS.Đồng Tháp tiếp XM.Hải Phòng, khán giả sân Cao Lãnh đã để lại ấn tượng rất xấu. Cho rằng trọng tài Nguyễn Trọng Thư làm việc thiếu công minh, sau trận đấu người hâm mộ Đồng Tháp đã “quây” vị trọng tài này đến nghẹt thở. CĐV CS.Đồng Tháp thậm chí còn lấy cả điện thoại di động để làm “vũ khí” tấn công trọng tài và cầu thủ đội khách.

Sân Pleiku của HA.GL cũng tương tự. Những mùa trước sân này vốn rất an toàn và là điểm đến an tâm cho các đội khách và các trọng tài. Nhưng sức nóng ở sân bóng này đã tăng lên nhiều vì khán giả trong những mùa giải gần đây. Đặc biệt là trong các trận đấu mà HA.GL tiếp kình địch B.Bình Dương ở cả mùa bóng trước lẫn mùa bóng này, khán giả ở sân Pleiku đã tỏ ra rất kích động và BTC sân này vừa phải nộp phạt cách đây không lâu.

Theo anh Hồng Hải, từng là chủ tịch Hội CĐV TMN.CSG, hiện tượng bạo lực từ khán đài, dẫn đến các cầu thủ khách, các trọng tài và thậm chí là các cầu thủ nhà cảm thấy lo âu và không thể thi đấu với tâm lý thoải mái xuất phát từ hiệu ứng dây chuyền. Đa số các CĐV đến sân chủ yếu để thư giãn với những pha bóng trên sân chứ không nhằm mục đích tiêu cực nào khác. Chỉ có một thành phần nhỏ đến sân với những ý đồ không trong sáng. Sự kích động từ nhóm này dễ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền trên khán đài, đặc biệt là khi đội chủ nhà bị trọng tài thổi bất lợi. Một nguyên nhân khác nữa là cầu thủ Việt Nam đang có xu hướng ngày càng bạo lực hơn khi thi đấu trên sân. Chính những tình huống vào bóng thiếu fair-play trên sân đã dẫn đến sự phẫn nộ của khán giả. Nếu những tình huống đó xảy ra mà trọng tài xử lý không chính xác thì rất dễ gây kích động khán giả. Tuy nhiên, anh Hải cũng thừa nhận là nhiều CĐV chưa ý thức được trách nhiệm của một người vào sân xem đá bóng. Bởi cho dù những trọng tài có sai sót thì họ vẫn là người đang làm nhiệm vụ điều khiển một trận đấu và cần được tôn trọng. Khán giả có phản ứng thì cũng cần phải ở trong phạm vi cho phép và cần tránh những hành vi phản cảm.

A.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.