Siết chặt việc xin nhập tịch của cầu thủ

04/02/2010 23:44 GMT+7

Nhiều CLB V-League đang đứng trước tình cảnh “dở khóc dở cười” khi lỡ đăng ký cầu thủ đang xin nhập tịch là nội binh, vì không hiểu những xét duyệt chặt chẽ mới của Luật Quốc tịch.

Sẽ có không nhiều cầu thủ ngoại trở thành cầu thủ VN như Nguyễn Rogerio - Ảnh: Khả Hòa

Nhiều CLB V-League đang đứng trước tình cảnh “dở khóc dở cười” khi lỡ đăng ký cầu thủ đang xin nhập tịch là nội binh, vì không hiểu những xét duyệt chặt chẽ mới của Luật Quốc tịch.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp cho biết: “Ngay khi mùa giải 2009 chưa kết thúc, một số CLB đã chuẩn bị các thủ tục để tiến hành nhập tịch cho cầu thủ. Trước khi mùa giải 2010 chính thức khởi tranh, Bộ Tư pháp đã nhận được đơn xin nhập tịch của các cầu thủ sau: Das Silva, Deiryo (Ninh Bình), Jonathan, Issifu (Khánh Hòa), Helio, Thierry (SLNA), Aniekan, Williams (Hải Phòng), Issawa, Tshamala (ĐTLA), Marcelo, Toledo (HAGL)... Trong khi đợi xét duyệt, hầu hết số cầu thủ này đều được các CLB chủ động đăng ký trong danh sách là... nội binh. Tuy nhiên, đây là một việc khá mạo hiểm vì so với những đợt xét duyệt trước đây, lần này, Bộ Tư pháp sẽ siết chặt hơn”.

Vị quan chức này giải thích: “Theo Luật Quốc tịch năm 2008, trong hồ sơ xin nhập quốc tịch VN bắt buộc phải có 7 loại giấy tờ quan trọng, trong đó không thể thiếu giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt. Những trường hợp cầu thủ ngoại đã nhập tịch thành công như Santos, Hoàng Max, Hoàng La... đã được các cấp thẩm quyền đặc cách là họ không cần có loại giấy chứng minh trình độ tiếng Việt mà được đại diện của Sở Tư pháp địa phương phỏng vấn ngắn bằng tiếng Việt. Tất cả các cầu thủ này đều vượt qua được đợt sát hạch ngôn ngữ bởi đều thể hiện được trình độ hiểu biết nhất định về văn hóa VN và có khả năng hòa nhập được với cuộc sống tại VN. Sau đó, đại diện của Sở Tư pháp đã chấm điểm và gửi lên Bộ Tư pháp phê duyệt. Còn trong đợt xem xét lần này, Bộ Tư pháp sẽ không “nới lỏng” như trước nữa. Bộ yêu cầu các cầu thủ có vốn tiếng Việt, không chỉ dừng ở mức “đủ nghe, đủ hiểu” mà phải trải qua khóa học về tiếng Việt, ưu tiên cho cầu thủ học thêm tại các lớp do các trường đại học chiêu sinh, kế tiếp là các địa điểm có tư cách pháp nhân. Sau khi hoàn thành khóa học, cầu thủ phải được nhận chứng chỉ, được đóng dấu đỏ và có chữ ký của lãnh đạo nơi giảng dạy tiếng Việt”.

Cũng theo lập luận của quan chức này: “Ngoài ra thêm một điều kiện bắt buộc nữa là cầu thủ phải chứng minh được mình có khả năng đảm bảo cuộc sống tại VN. Và đích thân cầu thủ xin nhập tịch phải đến Sở Tư pháp địa phương làm thủ tục, chứ không phải CLB. Sở Tư pháp địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về toàn bộ hồ sơ giấy tờ của cầu thủ đó. Bộ Tư pháp sẽ chỉ dựa vào văn bản do Sở Tư pháp gửi lên chứ không phụ thuộc vào ý kiến của Tổng cục TDTT hay VFF - cơ quan chủ quản về mặt nghề nghiệp của CLB và cầu thủ. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có cầu thủ nhập tịch VN nào được xem xét là trường hợp đặc biệt để Bộ Tư pháp đưa vào diện ưu tiên đồng thời được mang hai quốc tịch VN và quốc tịch mẹ đẻ”.

Như vậy, có thể thấy Bộ Tư pháp đang xem xét một cách rất thận trọng, kỹ lưỡng các trường hợp xin nhập quốc tịch và sẽ có rất ít hồ sơ được chấp nhận. Nhưng một khi cầu thủ xin nhập tịch thật sự mong muốn trở thành người VN và đã vượt qua những quy định này để trở thành công dân VN thì họ sẽ được hưởng mọi quyền lợi cũng như có trách nhiệm với màu cờ sắc áo như một cầu thủ VN. Tuyệt nhiên không được phân biệt đối xử như VFF đã từng làm.

* HLV Nguyễn Hữu Thắng (SLNA): “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi việc đồng ý cho nhập tịch vì ban đầu không lường được những quy định ngặt nghèo như Bộ Tư pháp đã nói. SLNA luôn để cho Helio và Thierry tập luyện trong sơ đồ chiến thuật chung. Khi họ không được thi đấu rõ ràng ảnh hưởng nhiều đến cách vận hành của lối chơi. Các ngoại binh còn lại thời gian hòa nhập chưa đủ nên chúng tôi đang gặp khó”. 

HLV Kiatisak (HAGL): “Trong 2 cầu thủ xin nhập tịch, tôi rất mong Marcelo sớm trở thành cầu thủ Việt. Nhưng trước tình hình như thế, có
thể chúng tôi đành phải xây dựng lối chơi trước mắt không có trung vệ đa năng này”.

* Trưởng đoàn Phạm Phú Hòa (ĐTLA): “Tôi đã có linh tính việc nhập tịch lần này không nhanh được nên giờ chót đã quyết định chuyển Tshamala đăng ký ngoại binh và chỉ còn hy vọng ở Issawa (Lý Lâm Wa) do tiếng Việt của anh rất tốt, có thể đọc báo và nói trôi chảy. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng các điều kiện của Bộ Tư pháp để Lý Lâm Wa sớm là nội binh”. (T.K - X.L)

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.