Thỏa thuận 'dưới gầm bàn' ở bóng đá Việt

07/12/2014 08:10 GMT+7

Những thỏa thuận ngầm dưới gầm bàn là câu chuyện bí mật giữa các bên theo kiểu 'chỉ có trời biết, đất biết và anh em mình biết thôi'. Bởi vậy cứ sau một phi vụ chuyển nhượng cầu thủ ngon lành, một HLV hay giám đốc điều hành dễ dàng đút túi 10.000 USD rất gọn, êm ái.

Những thỏa thuận ngầm dưới gầm bàn là câu chuyện bí mật giữa các bên theo kiểu 'chỉ có trời biết, đất biết và anh em mình biết thôi'. Bởi vậy cứ sau một phi vụ chuyển nhượng cầu thủ ngon lành, một HLV hay giám đốc điều hành dễ dàng đút túi 10.000 USD rất gọn, êm ái.

 Sài Gòn Xuân Thành chi tiền chuyển nhượng vô tội vạ giúp “cò” và những nhân vật ăn theo đội bóng ẩn mình kiếm chác - Ảnh: Khả Hòa
Sài Gòn Xuân Thành chi tiền chuyển nhượng vô tội vạ giúp “cò” và những nhân vật ăn theo đội bóng ẩn mình kiếm chác - Ảnh: Khả Hòa

"Thằng cầu thủ này giỏi đấy, nhưng bây giờ vị trí của nó thì đội bóng của tôi vẫn chưa cần thiết lắm đâu. Anh mới tới đây có nhiều bỡ ngỡ chứ anh A, anh B đã làm việc với tôi nhiều rồi, rất hiểu chuyện. Anh cứ yên tâm, có gì chúng tôi sẽ tính toán cho và anh cũng sẽ không thiệt gì đâu”, một HLV lão làng ở đội bóng V-League phía bắc mở lời với một tay cò mới toanh vừa dẫn đến một tiền đạo ngoại chất lượng cao.

Đoạn hội thoại trên được coi là kinh điển trong những phi vụ hợp đồng tiền tỉ ở các đội bóng V-League, hạng nhất trong nhiều năm qua. HLV trưởng sẽ làm việc với “cò” để thỏa thuận một cái giá riêng biệt mà ở đó HLV sẽ dùng nhiều mánh xen lẫn cài thế để ép “cò” phải vào thế kẹt, phải chịu chi phần trăm hoa hồng (còn gọi là tiền “phế”) cao, bằng không sẽ không được ký hợp đồng.

Gần như trong mọi trường hợp, “cò” luôn là người bị động, lép vế nhất bởi chi phí đưa một ngoại binh từ châu Phi, Nam Mỹ hay châu Âu sang bao giờ cũng tiêu tốn từ 1.500 - 3.000 USD tiền vé máy bay mà nếu không được CLB ký thì coi như mất trắng. Ngược lại, phía HLV nếu không ký với cầu thủ đó (dù giỏi) thì họ vẫn còn nhiều lựa chọn khác khi cầu thủ do các “cò” khác giới thiệu vẫn đứng xếp hàng ngoài cổng CLB.

Ở một vài CLB, đôi khi HLV trưởng không toàn quyền quyết định thì người quyết định phần trăm tiền “phế” chính là giám đốc điều hành, như trường hợp của ông Trần Kim Nghĩa ở CLB XSKT Lâm Đồng, hoặc đang bị tố cáo như ông Võ Đồng Lập ở CLB Kiên Giang. Trong đa số trường hợp thì giữa HLV và giám đốc điều hành sẽ “song kiếm hợp bích” cùng nhau khi làm việc với “cò”. Với mục đích đôi bên cùng có lợi, “cò” phải chấp nhận chịu để phía CLB định ra mức phần trăm, có thể là 20 - 30% trên giá trị phí chuyển nhượng. Hiếm khi nào tiền “phế” dưới 15%.

Và để bù lại “phế” bị cắt, phía “cò” sẽ đội giá cầu thủ lên cao hơn giá trị thực, ví dụ thay vì phí chuyển nhượng chỉ có 50.000 USD thì bị nâng thành 80.000 USD để lấy 30.000 USD chi lại cho HLV, giám đốc điều hành và thưởng cho cầu thủ một ít.

Những thỏa thuận ngầm dưới gầm bàn là câu chuyện bí mật giữa các bên theo kiểu “chỉ có trời biết, đất biết và anh em mình biết thôi”. Bởi vậy cứ sau một phi vụ chuyển nhượng cầu thủ ngon lành, một HLV hay giám đốc điều hành dễ dàng đút túi 10.000 USD rất gọn, êm ái. Phần thiệt hại bao giờ cũng chính là ngân quỹ CLB hoặc túi tiền của ông bầu bị chọc thủng rất “ngọt”, bởi tất cả đều là thỏa thuận miệng.

Nhưng thi thoảng những cú giao dịch ngầm cũng bị lôi ra khi cầu thủ ngoại sau một thời gian thi đấu và quen thuộc với lề lối ở VN bỗng dưng “giở chứng”, phá vỡ luật im lặng như trường hợp tiền đạo Amaobi năm 2007 đã tố lãnh đội, giám đốc kỹ thuật một CLB ở miền Trung ăn tiền “phế” khiến hai vị này hốt hoảng tìm cách để Amaobi “khe khẽ cái mồm”.

Ăn quen, nhịn không quen

Vừa rồi cơ quan chức năng ở Lâm Đồng và Kiên Giang chỉ mới rờ vào 2 đội bóng XSKT Lâm Đồng và Kiên Giang đã lòi ra ngay những sai phạm tài chính, ẩn khuất nghiêm trọng trong chuyện mua bán, chuyển nhượng cầu thủ. Trong khi đó XSKT Lâm Đồng chỉ là đội hạng nhất đá mùa 2012 rồi giải tán, còn Kiên Giang đá 2 mùa V-League 2012, 2013 nên xếp về vai vế chỉ thuộc dạng “tép riu” và cũng còn phụ thuộc vào ngân sách địa phương nên mới bị “sờ gáy”.

Trong khi đó, những CLB từng tiêu hàng núi tiền qua bao mùa chinh chiến ở V-League, hạng nhất đã “đốt” bình quân 30 - 40 tỉ đồng/mùa, cao thì đến 50 - 70 tỉ, thậm chí là 120 tỉ/mùa như trường hợp của Sài Gòn Xuân Thành. Số tiền chi cho việc mua bán, chuyển nhượng cầu thủ thường chiếm hơn 50% ngân quỹ cả đội.

Một đội bóng có ngân quỹ 40 tỉ đồng mà dùng tới 20 tỉ để mua sắm cầu thủ và trong 20 tỉ ấy đã bị “rơi” 20% cho việc cắt tiền “phế”, phần chia chác cho các thành phần như HLV, giám đốc điều hành, trợ lý cũng đã lên đến 4 tỉ đồng.

Bởi vậy, giới HLV ở VN thường rất khoái việc được CLB mời về từ đầu mùa bóng hoặc ít ra là trước kỳ nghỉ giai đoạn 1 vì họ có cơ hội tuyển chọn, mua bán cầu thủ và dĩ nhiên chuyện phần trăm “phết phẩy” sẽ không bao giờ thiếu khi hợp đồng được ký, nội binh cũng thế mà ngoại binh cũng vậy.

Chuyện kê khống, mánh khóe để ăn phần trăm hoa hồng khi mua bán ở các CLB ở VN đã trở thành một thứ tệ nạn khó chữa vì “ăn quen rồi, nhịn không được”. Và nếu các cơ quan chức năng (thanh tra, điều tra) mà đụng đến thì sẽ còn vô số chuyện “hay ho” hơn rất nhiều so với những gì ở CLB XSKT Lâm Đồng hay Kiên Giang mới đây.

Khánh Châu

 >> Lãnh đạo Sở bị tố 'vòi tiền' chuyển nhượng cầu thủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.