Thủ môn Bùi Tấn Trường: Cuộc đời & khung gỗ

22/01/2010 19:15 GMT+7

(TNTT&GT) Hình ảnh một Tấn Trường đầy quả cảm ngay cả lúc bị chấn thương nặng tại SEA Games 25 sẽ còn đọng lại rất lâu trong lòng người hâm mộ Việt Nam.

(TNTT&GT) Hình ảnh một Tấn Trường đầy quả cảm ngay cả lúc bị chấn thương nặng tại SEA Games 25 sẽ còn đọng lại rất lâu trong lòng người hâm mộ Việt Nam.

Một lần trò chuyện cùng trợ lý HLV đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Vũ Bá Đông trên đất Lào, vị HLV này nhận định: “Hai mươi năm rồi tôi mới thấy Việt Nam lại có một thủ môn giỏi như thế”. Sẽ không khó để biết người đang được nhắc đến là ai. Anh chính là Bùi Tấn Trường, người được coi là một trong những quái kiệt của làng bóng đá Việt Nam hiện nay.

Trốn nhà đi chơi bóng

Những ngày trên đất Lào, nhiều người không khỏi thích thú khi nhìn Tấn Trường đóng vai một tiền vệ hay tiền đạo. Khi tháo đôi găng và ra khỏi khung gỗ, Tấn Trường cũng có những pha đi bóng lắt léo bằng đôi chân rất khéo. Chỉ có điều, chiều cao quá khổ khiến cho dáng của “tiền đạo” này trông cứ “lèo khoèo thế nào ấy”. “Nói ra nhiều người ngạc nhiên nhưng cũng chính vì chiều cao quá khổ mà Trường mới đến với nghiệp thủ môn. Ngày mới tập chơi bóng đá, Trường đá tiền đạo đấy”, Tấn Trường hóm hỉnh cho biết.

 

Năm học lớp 7 ở trường THCS Lai Vung 1 (Đồng Tháp), Tấn Trường đã cao đến 1m77. Trong lớp học, Trường trông giống ông anh cả của lớp. Năm ấy, nhà trường thành lập đội bóng và các thầy dạy thể dục quá ưng chiều cao của Tấn Trường nên chọn luôn anh vào đội. Cũng như các bạn đồng trang lứa, Tấn Trường thích được chạy theo trái bóng và sút tung lưới thủ môn đối phương hơn là hồi hộp đứng giữa khung thành bắt bóng. Nhưng chiều cao quá khổ của Trường khiến anh bị đùn đẩy vào vị trí bắt bóng. Thấy làm thủ môn cũng hay hay, Tấn Trường chịu luôn. Chính anh cũng chẳng ngờ chiều cao vượt trội của mình ngày ấy đã khiến cuộc đời anh thay đổi. Từ thủ môn của đội tuyển trường, đội năng khiếu tỉnh đến đội bóng của tỉnh và đội Olympic quốc gia, ngày tháng trôi qua và trái bóng cứ đưa Tấn Trường sang những trang mới cuộc đời. Giờ đây, Tấn Trường đã là thủ môn số 1 của CS.Đồng Tháp và U.23 quốc gia.

Dù đang là một thủ môn nổi danh, nhưng ít ai biết Tấn Trường từng bị gia đình cấm cản chơi bóng đá vì sợ gãy chân, gãy tay. Nhưng cản mãi mà không được vì Trường lì lợm quá, cứ đòi đi cho bằng được. Riết rồi cả nhà mê bóng đá theo Trường lúc nào không hay.

Một thời sai lầm

Trên sân bóng, Tấn Trường là một người khiêm tốn, ít nói và chơi lăn xả nhưng ngoài đời anh là một chàng thanh niên hào sảng đúng chất Nam bộ. Cầu thủ bóng đá luôn là những người có cá tính mạnh và có vẻ gì đó rất “gấu”. Tấn Trường cũng không ngoại lệ. Những đau đớn thể xác trên sân cỏ mà Trường đã gánh chịu càng làm cho anh ngày càng trở nên lì lợm hơn, “ngông” hơn nhưng không cuốn trôi đi được cái bản tính thật thà chất phác của chàng trai Lai Vung, Đồng Tháp. Tấn Trường dám thách thức mọi đối thủ trên sân cỏ nhưng lại là người ai cũng có thể bắt chuyện ở ngoài đường biên.

 

Trở thành thủ môn nổi danh nhờ siêng năng tập luyện và phấn đấu hết mình nhưng Tấn Trường cũng là một chàng trai mà ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu. Trường cũng từng ăn chơi, từng vui bạn vui bè mà ngập trong khói thuốc và men rượu. Nói ít ai tin nhưng Tấn Trường từng là một tay rít thuốc lá cả ngày và uống rượu như hũ chìm. Nhưng đó chỉ là khi Tấn Trường chưa bước vào nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, chưa coi nghiệp đeo găng là hơi thở, là sự sống của chính cuộc đời anh.

Lý lịch trích ngang

Năm sinh: 1986
Cao 1,88m, nặng 78kg
Đội bóng đang thi đấu: CS Đồng Tháp
Số lần khoác áo đội tuyển quốc gia trong năm 2009: 1
Số lần khoác áo U.23 quốc gia trong năm 2009: 5
Thành tích: HCB SEA Games 25, HCV Merdeka Cup 2008.

“Nó ngày xưa cũng chơi dữ lắm. Tay cầm điếu thuốc phì phèo, miệng nói chuyện phiếm không ngớt. Những cuộc nhậu nào mà có thằng Trường thì bạn bè cũng phải khiếp vía vì nó uống mà dường như không biết say. Bây giờ nó bỏ hẳn thuốc lá vì không tốt cho thể lực còn bia rượu thì thi thoảng chỉ làm vài ly lấy lệ. Nhưng nếu có phải bước vào cuộc “tỉ thí” nào đó trên bàn nhậu, chắc chắn nó vẫn là cao thủ, anh trai Bùi Tấn Khoa của thủ môn Tấn Trường cho biết.

Bây giờ, những ngày tập tành ăn chơi của Tấn Trường đã lùi xa vào ký ức. Nhưng với Trường, đó vẫn là dĩ vãng ngọt ngào, là những kỷ niệm vẫn theo anh trong nghiệp thủ môn đòi hỏi phải luôn khổ luyện.

Niềm tự hào của cả nhà

Tấn Trường không phải là mẫu thủ môn đến với trái bóng với ước vọng đổi đời. Nếu không đến với bóng đá, Trường giờ có thể là một sinh viên hoặc phụ giúp gia đình làm kinh tế để có một cuộc sống đầy đủ. Ở thị trấn Lai Vung, Đồng Tháp, mẹ Tấn Trường là một tiểu thương lâu năm đầy kinh nghiệm, một tay bà có thể nuôi sống và lo cho gia đình cuộc sống không bị thiếu thốn. Cũng vì vậy mà Tấn Trường không phải lớn lên trong cảnh nghèo khó như nhiều thiếu niên đồng trang lứa ở vùng Đồng Tháp Mười.

 

Tấn Trường được sự động viên rất lớn của người yêu - Ảnh: Bạch Dương

Tại SEA Games vừa qua trên đất Lào, Tấn Trường là một trong những VĐV có nhiều người thân sát cánh nhất. Mẹ, hai anh trai và người yêu Trần Ngọc Liên đã đến Viêng Chăn, theo Trường ra từng sân tập và lặng lẽ trên từng góc khán đài, tiếp thêm niềm tin để Trường vững vàng trong khung thành. Với người dân Đồng Tháp và người hâm mộ Việt Nam, Tấn Trường là niềm tự hào. Còn với gia đình, anh còn hơn cả một niềm tự hào.

Xuân này, Tấn Trường phải tạm xa cầu môn để điều trị vết thương vai trong trận chung kết SEA Games 25. Đây chỉ là một nốt lặng trong sự nghiệp thi đấu luôn đầy cống hiến của Bùi Tấn Trường. Để rồi Tấn Trường sẽ bước vào năm tuổi, năm con Cọp với một giấc mơ bóng đá không bao giờ ngừng nghỉ.

Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.