Tiền vệ HAGL Tuấn Anh và những nốt trầm của sự nghiệp

19/03/2018 15:40 GMT+7

Thêm một lần nữa vấn đề ở dây chằng đe dọa sự nghiệp của Tuấn Anh. Chỉ trong vòng 6 năm, chàng trai người Thái Bình đã phải trải qua 12 lần chấn thương các loại...

Cùng một xuất phát điểm tại khóa 1 Học viện HAGL - Arsenal JMG, nhưng con đường mà Tuấn Anh đang đi lại ở một ngã rẽ hoàn toàn khác so với phần còn lại như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn… Năm 2015, trong bối cảnh Xuân Trường vật lộn với chấn thương, Công Phượng gồng mình vượt qua sức ép của dư luận, Tuấn Anh trở thành “chiếc máy cày” bền bỉ kéo HAGL thoát khỏi hố sâu xuống hạng V-League. 25/26 trận ra sân, với đủ các vị trí từ tiền vệ tấn công, tiền vệ trụ, trung vệ… Tần suất hoạt động liên tục và bền bỉ ấy khiến người ta dường như quên đi một Tuấn Anh đã bị đứt dây chằng, tổn thương 25% sụn chêm năm 2012 thuở nào.
Khi niềm tin đặt lên Tuấn Anh ở thời điểm ấy cao hơn rất nhiều so với Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn - tựa như trời sáng đầy nắng và gió thì bất ngờ cơn giông bão ùn ùn ập đến với chàng Nhô. Anh bị viêm cơ nhị đầu đùi, dẫn đến lỡ hẹn với SEA Games 28 năm 2015 tại Singapore. Nỗi buồn lại càng trào dâng với Tuấn Anh.
Nước mắt đã rơi khi Tuấn Anh nằm cáng rời sân Lạch Tray Lê Tân
Trước giải vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2016, khán giả và giới truyền thông không khỏi giật mình khi Tuấn Anh tiết lộ, hình như mình có vấn đề nhỏ ở đầu gối phải. Nhưng đã không phải là hình như nữa rồi bởi vấn đề ấy càng lớn dần lên theo thời gian. Anh bị rách sụn chêm gối phải. HLV Nguyễn Hữu Thắng buộc phải gạch anh khỏi danh sách đăng ký của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup khi ấy. Bầu Đức và HAGL sốt sắng “vái tứ phương” từ Thái Lan và Singapore. Tuấn Anh mất 4 tháng điều trị sau ca phẫu thuật. Nhưng cái đầu gối phải của anh không còn “ngoan ngoãn” như trước nữa.
Những tưởng Tuấn Anh đã có thể nở một nụ cười tự tin khi được dự SEA Games 29 năm 2017 - kỳ SEA Games đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời cầu thủ của anh. Nhưng không những không thể cùng U.23 Việt Nam vượt qua được vòng bảng, bản thân Tuấn Anh đã phải gồng mình chống chọi với một loạt chấn thương xảy ra sau đó. Anh dính đến 4 chấn thương, mà toàn những kiểu chấn thương dạng “khủng”: đau cơ thẳng bụng và chéo bụng, đau cơ đáy chậu, đau cơ khép lớn, gặp vấn đề ở đầu gân cơ lược, cơ vuông đùi phía bên chân trái.

tin liên quan

Tuấn Anh phải nghỉ thi đấu 6 tuần
Ngay trong đêm 17.3, tiền vệ Tuấn Anh của đội HAGL đã được đưa gấp về Hà Nội để kiểm tra ở Bệnh viện Quân y 108, nơi có những thiết bị hiện đại nhất nước và thường chăm sóc sức khỏe cho các yếu nhân. 
Mất gần 3 tháng điều trị, Tuấn Anh có thể ra sân ở những trận đấu cuối cùng tại V-League 2017. Anh được gọi lên triệu tập ở đội U.23 Việt Nam chuẩn bị cho giải M-150 Cup và vòng chung kết U.23 châu Á 2018. Nhưng một lần nữa, vấn đề về thể lực khiến tiền vệ tài hoa đành lỡ hẹn với cả hai giải đấu này.
Vòng 2 V-League 2018, Tuấn Anh lại chấn thương mà lý do của nó thật đúng như sự trêu ngươi của số phận. Một pha va chạm mạnh với đồng đội Đăng Tuấn ở một nỗ lực giải nguy trước vòng cấm đội nhà Hải Phòng khiến Tuấn Anh nằm vật ra sân vì đau đớn. Kết quả chụp cộng hưởng từ đã đưa Tuấn Anh vào danh sách những “kỷ lục” buồn của bóng đá nội. Hiếm có một cầu thủ trẻ mới chỉ 22 tuổi mà khổ sở đến như thế: Đứt dây chằng gối trái (đã lên bàn mổ trước đây) và giãn dây chằng chéo trước đầu gối phải (kết luận của bác sĩ bệnh viện 108 vào sáng nay 19.3). Dẫu không phải lên bàn phẫu thuật vì chỉ cần điều trị chuyên biệt nhưng sự nghiệp của Tuấn Anh vẫn đang đứng trước một thách thức vô cùng lớn.
Phải khá lâu nữa mới có thể nhìn thấy Tuấn Anh tập luyện trở lại như thế này Vy Khánh
12 chấn thương khác nhau chi chít quanh chân trái và chân phải. Sẽ thật khó để Tuấn Anh có thể cầm được nước mắt khi thấy thứ “vũ khí” và cũng là niềm đam mê của mình bị tổn thương như vậy. Định mệnh đưa Tuấn Anh đi một ngã rẽ khác, khắc nghiệt và khó khăn hơn bội phần so với những đồng đội cùng lứa còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.